Những biến chứng không ngờ bệnh nhân gãy chân có thể phải đối mặt

Bệnh nhân bị gãy xương chân nếu không được điều trị đúng cách có thể gặp biến chứng vô cùng nguy hiểm, để lại hậu quả đáng tiếc.

Hiện nay vẫn còn nhiều người khi bị gãy xương lập tức đến các thầy lang nắn bóp, xoa thuốc gia truyền với hy vọng lành bệnh sau một thời gian. Đối với những trường hợp này, nhẹ thì khả năng tự phục hồi là có thể nhưng nếu bị gãy nặng thì sẽ để lại di chứng đáng tiếc. Việc điều trị gãy xương yêu cầu phải có kiến thức, sự hiểu biết về xương, về sự phân bố mạch máu… để có phương pháp điều trị đúng, tránh biến "lợn què thành lợn cụt".

Gãy chân là chấn thương lớn, cần được điều trị đúng cách.

Sốc do mất máu và đau đớn

Trường hợp bệnh nhân gãy xương, việc sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng. Nếu người bệnh không được sơ cứu đúng cách có thể gây ra nhiều nguy hiểm. Từ việc cố định xương không chuẩn cũng có thể làm xương chệch đi, thậm chí có thể làm vết gãy nặng hơn.

Mặt khác, lượng máu bị mất đi rất nhiều, bệnh nhân cần được truyền máu gấp. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời sẽ rất dễ bị suy sụp tuần hoàn. Vì thế, việc cố định xương ban đầu và gây tê ổ gãy đúng phương pháp sẽ giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Tắc mạch máu do mỡ

Khi bị gãy xương, đặc biệt là xương chân và bị gãy nhiều vị trí trên ống chân cùng một lúc, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng mỡ từ tủy xương chảy ra, gây tăng áp lực và ngấm trở lại máu. Vì thế khi gặp phải tình trạng này, người bệnh sẽ rất khó chịu, có các biểu hiện như lơ mơ và dần đi vào trạng thái bị hôn mê.

Việc bó bột phải do chuyên gia lành nghề thực hiện.

Chèn ép khoang

Tất cả các bộ phận trên cơ thể đều có mối quan hệ mật thiết tới nhau. Hệ thống khoang ở chân tay chứa đựng nhiều cơ quan như mạch máu, thần kinh, cơ. Khi xương bị gãy sẽ dẫn đến hàng loạt những tổn thương ở mạch máu, thần kinh, cơ. Lượng máu chảy ra lại gây áp lực chèn ép lên khoang. Nếu tình trạng bệnh không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử.

Khi bị gãy xương, nhiều người thấy chân bị sưng to, thậm chí bầm tím nhưng vẫn tưởng đó là do việc xương bị gãy thông thường mang lại. Nhiều người chủ quan dẫn đến tình trạng hoại tử phải cắt cụt, tháo khớp mới giữ được tính mạng. Chưa kể bó bột ở những nơi chất lượng kém, tay nghề nghiệp dư, bó bột quá chặt cũng làm cho các mạch máu không thể lưu thông được và cũng dễ dẫn đến tình trạng hoại tử.

Viêm xương, gãy xương hở

Việc xương gãy không thể tránh khỏi những đầu nhọn của xương gãy đâm thủng da, làm cho vết thương đang là gãy kín thành gãy hở. Vết thương sẽ có thể dính nhiều tạp chất bên ngoài. Điều này làm cho vết thương dễ bị nhiễm trùng nặng. Nhiều người bệnh chủ quan và tin tưởng tuyệt đối vào việc bó lá trong khi dị vật chưa được loại bỏ ra ngoài, hoặc không thấy được những mảnh vỡ vụn của xương… có thể dẫn đến tình trạng bị nhiễm trùng vết thương, viêm xương.

Đối với những vết thương hở, phải sát trùng cẩn thận.

Thông thường, trước khi bó bột, người bệnh phải được chụp chiếu để phát hiện ra những mảnh xương vụn hoặc những dị vật. Từ đó có phương pháp loại chúng ra khỏi cơ thể, sau đó phải dùng kháng sinh để chống viêm nhiễm, nhiễm trùng.

Tổn thương mạch máu, thần kinh

Khi xương bị gãy, đầu gãy có thể làm tổn thương mạch máu và thần kinh vùng lân cận. Khi đó sẽ xuất hiện những tổn thương có thể nhìn thấy đó là những vết tím, bầm dập ngoài da, và những tổn thương bên trong không nhìn thấy như đứt dây thần kinh hoặc đứt mạch máu. Nếu những biến chứng bên trong này không được phát hiện sớm sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mất chức năng hoặc phải cắt cụt chân.

Chậm lành xương

Sau một thời gian điều trị, nhiều người cứ ngỡ bệnh đã lành nhưng đến ngày tháo bột, tháo bỏ thuốc nam mới tá hỏa nhận ra phần xương bị gãy không hồi phục bình thường. Ở mức độ nhẹ, không gây đau đớn thì nhiều người làm ngơ chịu tật suốt đời như cử động chân, bước đi khó khăn hơn bình thường, xương bị cong mất thẩm mĩ, còn nặng thì phải đến viện mổ xếp lại xương.

Việc bó bột không đúng có thể dẫn đến nhiều hậu quả về sau.

Tất cả là do điều trị không đúng, cố định xương lỏng lẻo, bó thuốc nam mà không được nắn chỉnh đúng hoặc cũng có thể bệnh nhân sốt ruột mà tự ý tháo bột sớm. Để hạn chế tình trạng này, bệnh nhân bị gãy xương phải được đưa đến cơ sở y tế, chuyên khoa uy tín chụp chiếu, phát hiện dị vật để có hướng xử lý đúng. Tuyệt đối người bệnh không được chủ quan, tự ý điều trị hoặc đi bó thuốc nam ở những địa chỉ kém chất lượng

Theo Emdep