Nhiều câu hỏi về việc Hàn Quốc nới thị thực cho 3 thành phố lớn

Nhiều ý kiến băn khoăn việc tại sao trong khi Hàn Quốc đang tạm dừng tuyển lao động ở nhiều quận, huyện của Việt Nam nhưng lại cấp thị thực 5 năm đối với công dân có hộ khẩu thường trú tại 3 thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng?

 Trong những năm gần đây, du lịch Hàn Quốc ngày càng được nhiều người dân Việt Nam ưa thích. Ảnh: PV

Trong những năm gần đây, du lịch Hàn Quốc ngày càng được nhiều người dân Việt Nam ưa thích. Ảnh: PV

“Bước đệm” để mở rộng sang công dân các thành phố khác

Chính sách visa mới của Chính phủ Hàn Quốc vừa được Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon thông báo ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận. Theo đó, từ ngày 3/12 tới, công dân có hộ khẩu thường trú tại 3 thành phố: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng sẽ được cấp thị thực có thời hạn 5 năm, cho phép họ nhập cảnh nhiều lần vào Hàn Quốc và mỗi lần kéo dài tối đa 30 ngày. Đây là một trong những chính sách ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh dành cho công dân của 3 thành phố lớn tại Việt Nam.

“Mục đích lớn nhất của chúng tôi khi đưa ra chính sách mang tính đột phá này là tăng cường giao lưu nhân dân với Việt Nam. Thông qua giao lưu nhân dân cũng là dịp để hai nước thắt chặt quan hệ song phương”, Đại sứ Kim Do-hyun cho biết.

Nhà ngoại giao này nêu 2 lý do khiến Chính phủ Hàn Quốc quyết định đưa ra chính sách thị thực mới với Việt Nam: Thứ nhất đây là một phần trong Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc; thứ hai là tình yêu của người dân Việt Nam dành cho huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang Seo.

“Hiện nay người dân Việt Nam dành tình cảm yêu mến rất đặc biệt đối với huấn luyện viên Park Hang Seo. Tình cảm của người dân Việt Nam khiến người dân cũng như Chính phủ Hàn Quốc rất ấn tượng và chúng tôi cũng muốn có hành động để đáp lại tình cảm yêu mến của người dân Việt Nam dành cho huấn luyện viên Park Hang Seo”, ông Kim Do-hyun nói.

Đại sứ Kim Do-hyun nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á được Chính phủ Hàn Quốc thực thi chính sách thị thực mới. Theo ông Kim Do-hyun, điều này xuất phát từ thực tế rằng Hàn Quốc luôn coi trọng Việt Nam - đối tác chiến lược trong Chính sách phương Nam của Hàn Quốc. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.

Mặc dù tỷ lệ người Việt Nam lưu trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn cao và có ý kiến quan ngại rằng chính sách thị thực mới của Hàn Quốc có thể sẽ khiến tỷ lệ này tăng lên, song ông Kim Do-hyun vẫn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của hai nước.

Cũng theo Đại sứ Kim Do-hyun, việc thực thi chính sách mới sẽ là “bước đệm” để chính phủ Hàn Quốc trong tương lai có thể mở rộng sang công dân của các thành phố khác tại Việt Nam, thay vì chỉ giới hạn ở 3 thành phố lớn như hiện nay. Ngoài ra, đại sứ cũng mong muốn trong tương lai Hàn Quốc sẽ miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam.

“Tham vọng của tôi là miễn thị thực cho công dân Việt Nam, tuy nhiên để thực hiện điều này cần rất nhiều thời gian vì vậy tôi muốn triển khai từng bước một và chính sách mới này là một trong những bước như vậy”, Đại sứ Kim Do-hyun nói.

Ngăn chặn tình trạng lao động “chui”

 Cầu Gwang-An là cây cầu treo dài nhất Hàn Quốc - một nơi tham quan yêu thích của du khách Việt. Ảnh: T.L

Cầu Gwang-An là cây cầu treo dài nhất Hàn Quốc - một nơi tham quan yêu thích của du khách Việt. Ảnh: T.L

Hàn Quốc là điểm đến được nhiều du khách và cả người lao động Việt Nam yêu thích. Do vậy, ngay sau khi thông tin Hàn Quốc cấp thị thực 5 năm cho công dân 3 thành phố lớn của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Hàn Quốc đang tạm dừng tuyển lao động từ 49 quận, huyện của Việt Nam do những địa phương này có nhiều lao động không về nước khi hết hợp đồng.

Trong cuộc gặp các lao động Việt Nam tại Gimhae mới đây, ông Đặng Sĩ Dũng, đại diện cơ quan quản lý lao động Việt Nam đã kêu gọi lao động Việt Nam về nước đúng thời hạn khi hết hợp đồng để có cơ hội trở lại đây làm việc hợp pháp với công việc và thu nhập tốt. Ông Dũng cũng cho biết: Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã thông báo từ nay cho đến ngày 31/3/2019, những lao động đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nếu tự nguyện về nước sẽ có cơ hội quay trở lại đây lao động theo hợp đồng mới mà không bị cấm nhập cảnh nữa.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ tái hòa nhập đối với lao động làm việc tại Hàn Quốc (hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trở về nước đúng hạn); miễn phạt tiền đối với lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn ân xá; xử phạt vi phạm hành chính đối với những lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Bàn về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, chính sách thị thực mới của Hàn Quốc áp dụng đặc biệt cho người dân Việt Nam được đánh giá là “đòn” kích cầu cao tay, không chỉ thu hút du lịch mà còn hạn chế được tình trạng lao động chui tại quốc gia này.

Giám đốc một công ty lữ hành chia sẻ: Đối với du lịch Hàn Quốc, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn vì dân số lớn, chịu chi tiêu, đang trên đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên đây cũng là quốc gia hết sức mẫn cảm với du khách Việt vì tình trạng người Việt trốn lại lao động “chui” rất nhiều. Vì thế việc quốc gia này vẫn quyết định mở cửa rộng hơn đối với du khách Việt Nam là bước đi hết sức dũng cảm.

Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc có những động thái thể hiện việc “ưu ái” du khách Việt Nam. Hồi tháng 3/2017, Chính phủ nước này ra thông báo miễn visa nhập cảnh 5 ngày cho du khách Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam tới thăm đảo Jeju, tạo điều kiện để du khách được tham quan Seoul và các thành phố phía Nam mà không cần thị thực.

Đến đầu tháng 10/2017, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục “nới” điều kiện chứng minh tài chính đối với du khách Việt, mở rộng đối tượng được xét cấp thị thực đi lại vào nước này nhiều lần. Loạt chính sách visa này ngay lập tức phát huy tác dụng khi Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cho biết, năm 2017 lượng du khách Việt Nam đến Hàn Quốc tăng trưởng nhanh chóng, tính đến tháng 11/2017 đã đạt mốc 302.264 lượt, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016. Các công ty lữ hành tại TPHCM cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh tour đi Hàn Quốc.

Về lo ngại việc “bùng nổ” tour Hàn sẽ làm gia tăng tình trạng lao động “chui” tại quốc gia này, nhiều chuyên gia cho rằng không cần quá lo lắng vì “nới” không có nghĩa là buông lỏng, ai cũng có thể xin được visa một cách dễ dàng. Kể cả không thêm các điều kiện kèm theo thì thủ tục xin visa đi Hàn Quốc hiện tại cũng khá nhiều và phiền đối với khách tự do. Còn với đối tượng khách đi theo các công ty du lịch, mỗi công ty đều đã có “bộ lọc” từ các nhân viên bán tour như từ trước tới nay, hạn chế tối đa tình trạng du khách trốn lại.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc là một quốc gia văn minh, phát triển, họ sẽ có những biện pháp hạn chế, chọn lọc đi kèm, không phải mở bung không kiểm soát. Hơn nữa, một khi đã được đi qua đi về thoải mái, người dân cũng sẽ không cần phải trốn lại. “Một mũi tên trúng hai đích, vừa thu hút được khách du lịch, vừa hạn chế tiêu cực, đảm bảo an ninh”, vị chuyên gia bày tỏ.

Trong những năm gần đây, du lịch Hàn Quốc ngày càng được nhiều người dân Việt Nam ưa thích. Ngày càng có nhiều đường bay trực tiếp Việt Nam - Hàn Quốc được khai thác. Với chính sách trên, công dân của 3 thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng chỉ cần đăng kí một lần với mức phí là 80 USD (khoảng 1,7 triệu đồng) sẽ có thể xin được visa. Thời gian trung bình để nhận visa Hàn Quốc là 1 tuần. Thời gian ở lại tối đa cho mỗi một lần nhập cảnh là 1 tháng.

Đặc biệt, trong năm 2019, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng sẽ được thành lập, giúp công dân Việt Nam tại khu vực Đà Nẵng và miền Trung có thể dễ dàng nhận và làm các thủ tục liên quan tới thị thực. Năm sau, trụ sở mới của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hàn Quốc cũng sẽ chuyển đến địa điểm mới thuận tiện hơn cho người xin cấp thị thực.

Nhóm Phóng Viên

Theo GiaDinh