Nhiễm trùng huyết vì dùng thuốc bột của thầy lang

Thời gian gần đây không ít trường hợp bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện khẩn cấp chỉ vì dùng thuốc của thầy lang vườn.

Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận ca bệnh Đào Thị Đ, 54 tuổi, Gia Lâm – Hà Nội, mắc đái tháo đường 12 năm, nhập viện trong tình trạng loét thành bụng do đắp thuốc lá, nguy cơ nhiễm trùng huyết.

Được biết, cách đây vài tuần, bệnh nhân cảm thấy ngứa vùng bụng bên phải, gãi thấy buốt. Sau đó, tại vùng bụng xuất hiện nốt mụn nhỏ, kích thước bằng hạt đỗ xanh.

Thời gian sau mụn nhanh chóng to bằng hạt ngô, rồi hạt nhãn. Lo lắng trước tình trạng của mình, cô Đ đã đi khám tại nhà một thầy lang ở Bắc Giang do người nhà giới thiệu.

Tại đây, cô Đ được thầy lang chẩn đoán tắc tĩnh mạch, rửa bằng Betadine và rắc thuốc bột. Do không lấy được đầu ngòi nên sau mỗi lần rửa lại bôi một lớp thuốc mỏng lên vùng loét. Sau khi bôi lọ thuốc bột và xoa bóp bằng thuốc nước (không rõ là thuốc gì) của thầy lang cung cấp, nốt vỡ khô miệng nhưng vùng bụng cứng lên, cơn đau không ngừng tăng.

nhiem-trung-huyet-vi-dung-thuoc-bot-cua-thay-lang

 Không nên tin lời thầy lang dùng thuốc bột không rõ nguồn gốc để điều trị tiểu đường. Ảnh minh họa

Sau 3 ngày chịu đựng cơn đau nhức nhối không ăn không ngủ được, bệnh nhân Đ đã đến khám tại bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ổ apxe thành bụng đã vỡ tạo thành vết loét lớn, kích thước 8cm×8cm, đe dọa nhiễm trùng huyết, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh nhân Đ được khoa Điều trị tích cực điều trị trong hai tuần, thực hiện ổn định đường huyết, chích rạch, tháo mủ ổ apxe, kết hợp kháng sinh liều cao. Bác sĩ điều trị cho biết, quá trình này không những gây tổn thất cho bệnh nhân về phương diện tinh thần, gây ra nhiều đau đớn, lo lắng mà còn về phương diện kinh tế. Chi phí cho ca điều trị khoảng 50 triệu.

Trong khi đó, nếu ngay từ đầu, bệnh nhân đến khám ở một cơ sở y tế chuyên khoa về nội tiết như bệnh viện Nội tiết Trung ương thì sẽ được điều trị sớm và đúng cách, nốt mủ nhỏ sẽ nhanh chóng lành bệnh. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Tương tự, trước đó theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, trong suốt thời gian dài, ông Đ.H.L. (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp) vô cùng khổ sở sống chung với căn bệnh đái tháo đường type 2.

Từ khi sử dụng loại thuốc "gia truyền" của một thầy lang mà hàng xóm "mách", ông vui mừng ra mặt bởi đường huyết luôn ở mức ổn định, không cần phải kiêng cữ nhiều như trước. 

Tuy nhiên sau đó ông lâm vào trạng thái chán ăn, mệt mỏi, ngất xỉu liên tục. Vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cấp cứu, các bác sĩ "lắc đầu" và cuối cùng được gia đình chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy với hi vọng "còn nước còn tát".

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được xác định nhiễm toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan dẫn đến suy thận, suy hô hấp, hoại tử da. Sau gần một tuần lọc máu liên tục, hỗ trợ thở máy, bệnh nhân tạm qua cơn nguy kịch.

Tiếp đến, bà C.T.H. (41 tuổi, ngụ Long An) được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu sau 6 năm uống thuốc đông y "gia truyền" điều trị đái tháo đường.

Từ ngày uống thuốc đông y gia truyền bà H không còn uống thuốc tây y nữa, chỉ thỉnh thoảng đến bệnh viện kiểm tra đường huyết nhưng sức khỏe ổn định. Tuy nhiên sau khi đi kiểm tra sức khỏe, bà H. được bác sĩ khuyên ngưng dùng thuốc đông y bởi có nguy cơ hỏng thận.

Nhưng bất chấp lời khuyên, bà này vẫn tiếp tục uống thuốc vì tiền mua thuốc rất rẻ, chỉ 150.000 đồng/tháng. Và hậu quả là bà bỗng dưng bị sút cân, mệt mỏi. Lúc đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ nhận định bà bị ngộ độc hoạt chất phenformin có trong thuốc trị tiểu đường.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc nam trị tiểu đường ngày càng phổ biến bởi có hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết, dễ mua và đặc biệt rất rẻ tiền. Và các bệnh nhân nhập viện trên không phải là cá biệt.

Thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ tính từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân tương tự. Trong đó có 1 trường hợp tử vong dù các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu. Các bệnh nhân này đều từ tuyến dưới chuyển lên và trong tình trạng khá nặng, phải liên tục lọc máu mới có thể giữ được tính mạng. 

Để tránh tiền mất tật mang, bác sĩ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị. Đặc biệt không nên tin vào các loại thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc hoặc các loại thực phẩm chức năng, bởi trong đó có thể chứa chất cấm hoặc hàm lượng vượt mức cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo VietQ