Nhà văn Trung Quốc bị đả kích vì 'Nhật ký Vũ Hán'

Quyển nhật ký ghi lại những ngày Vũ Hán bị phong tỏa vì bệnh dịch của nhà văn Phương Phương sẽ được phát hành ở nước ngoài. Tại Trung Quốc, bà bị một bộ phận chỉ trích dữ dội.

Ngày 23/4, tờ Zaobao đưa tin quyển nhật ký ghi lại cuộc sống hàng ngày tại Vũ Hán trong hơn 60 ngày bị phong tỏa dưới góc nhìn của nhà văn Phương Phương, sẽ được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức vào tháng tới.

Tại Pháp, tác phẩm sẽ được cho ra mắt vào ngày 9/9 với tựa đề Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa. Hiện, trên Amazon, nhật ký của Phương Phương cũng đã được cho lên kệ, chuẩn bị bán công khai.

Tại Trung Quốc, nhật ký của nữ nhà văn được phát hành trên mạng xã hội với 60 kỳ. Nội dung kể lại cảm xúc của 11 triệu cư dân đi từ nỗi sợ hãi, sự phẫn nộ cho đến niềm hy vọng khi sống trong một thành phố bị phong tỏa giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành.

Bên cạnh đó, Phương Phương cũng đặt câu hỏi và đưa ra quan điểm cá nhân về một số quyết sách của Chính phủ trong cách chống dịch.

nha-van-trung-quoc-bi-da-kich-vi-nhat-ky-vu-han

Cuốn Nhật ký Vũ Hán của nữ nhà văn 65 tuổi gây tranh cãi dữ dội tại Trung Quốc.

Sau khi đăng tải, không ít độc giả đã cho rằng đây là tác phẩm có "lương tâm xã hội" khi phơi bày những khía cạnh chân thật nhất mà người dân Vũ Hán phải trải qua trong đại dịch.

Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng đây là sản phẩm bịa đặt của nữ nhà văn, không có giá trị tham khảo, vì có nhiều tình tiết khác xa so với những gì các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin.

Đặc biệt, một bộ phận phe cánh cực đoan đã lên tiếng chỉ trích bà lợi dụng tình hình bệnh dịch trên thế giới, xuất bản tác phẩm Nhật ký Vũ Hán, chính là hành vi "bán đứng đất nước", "cung cấp đạn dược cho nước ngoài đả kích Trung Quốc", gây ra sự chia rẽ sâu sắc xã hội và dư luận.

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, hôm 17/4, nữ nhà văn đã nhận lời phỏng vấn của tài khoản mạng tên Học giả.

"Nhật ký của tôi ghi lại kinh nghiệm chống dịch thành công của Trung Quốc, không hề có tác động tiêu cực nào đến đất nước như lực lượng cánh tả cực đoạn đã nói.

Cuốn sách này được phát hành ở nước ngoài chỉ với mục đích đơn thuần quảng bá cho thế giới thấy kinh nghiệm đẩy lùi bệnh dịch của nước nhà", bà khẳng định.

"Đừng nghĩ ai cũng là người xấu. Đừng nghĩ rằng xuất bản một cuốn sách ở nước ngoài là bán một quốc gia. Tư tưởng này quá ngây thơ. Ban đầu có hơn 10 nhà xuất bản Trung Quốc muốn phát hành nhật ký của tôi.

Nhưng vì sự la ó của một bộ phận người nào đó mà hiện tại họ đều tỏ ra ái ngại. Hơn nữa, việc tôi hứng chịu bạo lực mạng trong gần 2 tháng qua, cũng chẳng có ai đoái hoài bảo vệ", bà cho hay.

Bên cạnh đó, nữ nhà văn cho biết thêm bà sẽ tăng nhẹ phí tác quyền và dành toàn bộ số tiền này giúp đỡ thân nhân của những người đã hy sinh, các nhân viên y tế và những người có hoàn cảnh khó khăn ở Vũ Hán.

nha-van-trung-quoc-bi-da-kich-vi-nhat-ky-vu-han

Chân dung của nữ nhà văn Phương Phương.

Phương Phương (bút danh là Vương Phương) sinh năm 1955, tại Giang Tô. Năm 1978, bà rời quê nhà đến học khoa tiếng Trung ở Đại học Vũ Hán và quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này. 4 năm sau, bà bước chân vào văn đàn và cho mắt quyển tiểu thuyết đầu tay Đại liên xa.

Những năm về sau, Phương Phương tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm như Phong cảnh, Cầm đoạn khẩu, Hành vân lưu thủy, Xương tam thán...

Tác phẩm của bà được giới chuyên môn đánh giá cao vì khắc họa chân thật cuộc sống của tầng lớp nghèo khó trong xã hội. Năm 2010, bà được trao giải văn học Lỗ Tấn - giải thưởng văn chương danh giá bậc nhất ở Trung Quốc.

Theo Zing

----

Xem thêm:

+Thứ trưởng Bộ Y tế: Phi công Vietnam Airlines mắc COVID-19 diễn biến rất nặng, "cơ địa nhiều yếu tố rất kỳ lạ"

+Số ca nhiễm nội địa tăng vọt, Trung Quốc phong toả thành phố chục triệu dân

+Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội mặc bỉm khi làm việc

----