Nhà văn Kim Dung với nỗi đau vợ đầu ngoại tình, con trai tự tử



Nhà văn Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94 tại Viện điều dưỡng Hong Kong đã khiến người hâm mộ vô cùng thương tiếc. Cuộc đời của ông trải qua nhiều vinh quang cũng lắm thăng trầm, trong đó có biến cố đời tư.

Kim Dung là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập của nhật báo Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959 và là Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này. Ông nổi tiếng với nhiều thế hệ qua các tiểu thuyết kiếm hiệp kinh điển như: Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ...

Tên thật của nhà văn Kim Dung là Tra Lương Dung. Ông sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sinh trưởng trong gia đình thuộc hàng gia thế, không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có học thức hơn người. Gia tộc Kim Dung có những cái tên nổi tiếng như nhà thơ Từ Chí Ma, nhà khoa học Tiền Học Sâm.

 Nhà văn Kim Dung được xem là tượng đài về tiểu thuyết kiếm hiệp.

Nhà văn Kim Dung được xem là tượng đài về tiểu thuyết kiếm hiệp.

Từ nhỏ, ông đã khác với những bạn bè cùng trang lứa, nếu những đứa trẻ thích đùa nghịch thì Kim Dung lại chọn đọc sách. Nhờ chăm chỉ đọc sách, ông đỗ Đại học Trùng Khánh, sau đó làm ngành ngoại giao. Tuy nhiên, khi đang làm việc, ông bị đuổi ngang vì tính cách thẳng thắn. Sau đó, ông ấp ủ và thực hiện ước mơ về những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp của mình.

Từng cuốn tiểu thuyết ra đời và nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả chính là minh chứng cho sự nỗ lực của Kim Dung. Sau đó, ông còn mở ra tờ báo Hồng Kông Minh Báo và trở thành Tổng biên tập.

Tuy có sự nghiệp nhiều thăng hoa nhưng cuộc đời của Kim Dung cũng xảy ra những biến cố.

 Nhà văn Kim Dung và người vợ đầu.

Nhà văn Kim Dung và người vợ đầu.

Biến cố đầu tiên chính là chuyện vợ đầu của ông ngoại tình. Đây chính là nỗi ám ảnh lớn trong cuộc đời nhà văn Kim Dung. Sinh thời ông đã chia sẻ: "Hôn nhân của tôi không hoàn hảo. Người vợ đầu tiên đã phản bội tôi". Những năm sau này, khi hồi tưởng lại cuộc hôn nhân đầu lỡ dở, Kim Dung thường ngậm ngùi: "Nói ra cũng chẳng để làm gì nữa".

Được biết, người vợ đầu của nhà văn Kim Dung có tên là Đỗ Trị Phân. Hai người gặp nhau năm 1947 tại Hàng Châu. Năm đó, Đỗ Trị Phân mới 17 tuổi, là con gái một gia đình giàu có. Lúc yêu Kim Dung, bà đã cãi lại gia đình vì hoàn cảnh không tương xứng. Chính Kim Dung đã lặn lội từ Hồng Kông về Hàng Châu để cầu hôn bà.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của nhà văn Kim Dung lại rơi vào bế tắc khi ông quá miệt mài với công việc. Vì quá đam mê phụ vụ độc giả nên ông bỏ quên mất người vợ xinh đẹp. Trong lúc ông say sưa mộng mơ với những nhân vật kiếm hiệp thì bà đã có người đàn ông khác.

Không chịu được nỗi đau phản bội nên hai vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã. Đây chính là nguồn cơn khiến con trai của ông tự tử.

 Nhà văn Kim Dung cùng con trai Tra Truyền Hiệp và con gái Tra Truyền Thi.

Nhà văn Kim Dung cùng con trai Tra Truyền Hiệp và con gái Tra Truyền Thi.

Con trai với vợ đầu của Kim Dung có tên Tra Truyền Hiệp. Sinh ra với tư chất thông minh lại hưởng gen viết lách của bố nên Tra Truyền Hiệp cũng có tài văn chương. Được biết, 4 tuổi Tra Truyền Hiệp đã thuộc Tam Tự Kinh, 6 tuổi có thể ngân nga Tăng Quảng Hiền Văn. Tra Truyền Hiệp được khen là “thần đồng văn học”.

11 tuổi, Tra Truyền Hiệp đã bộc lộc tài văn chương. Anh có tác phẩm đầu tay mang tên Cuộc đời ta là vì cái gì. Dưới ngòi bút Truyền Hiệp, cuộc sống có nỗi u uất, sống là bể khổ, tư tưởng của anh trưởng thành hơn tuổi đời. Anh chính là niềm tự hào của nhà văn Kim Dung.

Sau đó, Tra Truyền Hiệp sang Mỹ du học tại trường ĐH Columbia. Năm 19 tuổi, Tra Truyền Hiệp bất ngờ tự tử đã khiến Kim Dung lúc ấy suy sụp. Ông không thể ngờ rằng niềm tự hào của mình lại ra đi mãi mãi. Đây chính là vết thương lòng lớn đối với nhà văn.

Theo nhiều nguồn tài liệu lúc ấy cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tra Truyền Hiệp là do anh cãi nhau với bạn gái. Tuy nhiên, theo nguồn tin, anh đã bi quan từ khi bố mẹ xảy ra tranh cãi về chuyện ngoại tình. Vì quá chán nản với cuộc hôn nhân của bố mẹ nên Tra Truyền Hiệp thường có tâm trạng u uất dẫn đến tâm lý bất ổn trầm cảm và quyết định tự tử.

 Nhà văn Kim Dung lúc cuối đời.

Nhà văn Kim Dung lúc cuối đời.

Sự nghiệp văn chương lừng lẫy như vậy nhưng nhà văn Kim Dung cũng có nhiều nỗi khổ tâm. Ngoài chuyện vợ con đầu như vậy thì ông còn chứng kiến cảnh con gái sốt cao đến mức bị điếc.

Nói về cuộc đời, lúc sinh thời nhà văn Kim Dung tâm sự: "Cuộc sống này quá nhiều thăng trầm và nỗi buồn. Có người từng hỏi tôi sống như thế nào. Tôi chỉ cười và nói hãy đại náo một trận rồi lặng yên rời đi. Sống cả đời, ra đi tựa sương mai. Đời người cũng như tiểu thuyết võ hiệp”.

Đỗ Quyên (th)

Theo GiaDinh