Nhà hàng không phép trên Mã Pì Lèng đã được "giải cứu"?

Qua nhiều lần họp bàn, lấy ý kiến, công trình Panorama 4 không trên đèo Mã Pì Lèng được tỉnh Hà Giang chốt phương án cho phép chuyển đổi công năng thành điểm dừng chân…

nha-hang-khong-phep-tren-ma-pi-leng-da-duoc-giai-cuu

Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng đã được “giải cứu”? Ảnh: Nhật Tân

Dư luận ngỡ ngàng

Công trình Panorama Mã Pì Lèng được khởi công ngày 4/4/2017, khánh thành ngày 30/4/2019, tổng mặt bằng hơn 500m2. Trong suốt quá trình xây dựng, công trình này không bị kiểm tra, xử lý. Đến khi báo chí vào cuộc phản ánh, chính quyền huyện Mèo Vạc mới lập đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, tòa bê tông này được xác định "4 không": Không có Giấy chứng nhận đầu tư; không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không có giấy phép xây dựng; không có văn bản thẩm định của Bộ VH-TT&DL.

Thời điểm tháng 10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang đã có báo cáo đề xuất cải tạo, chỉnh trang một phần công trình gồm một tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất để phục vụ mục đích ngắm cảnh, toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị tháo dỡ để cải tạo trồng cây xanh. Thấy địa phương này "án binh bất động", cuối tháng 2/2020, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) có văn bản thúc giục Hà Giang sớm có phương án giải quyết với các công trình vi phạm Luật di sản văn hóa trên địa bàn.

Còn trong văn bản ngày 10/3/2020 của bà Vũ Thị Ngọc Ánh - chủ công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng gửi tới UBND tỉnh Hà Giang lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà Ánh kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà Ánh cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa.

Ngày 12/3 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị xin ý kiến tư vấn phương án giải quyết công trình này với các chuyên gia di sản, bảo tồn, kiến trúc và nhà quản lý. Sau khi ghi nhận ý kiến, UBND tỉnh Hà Giang thống nhất quan điểm sẽ không phá dỡ toàn bộ công trình Panorama mà cải tạo thành điểm dừng chân, không có lưu trú. Việc cải tạo cần đảm bảo theo kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn...Trước thông tin Panorama Mã Pì Lèng được "giải cứu", dư luận khá ngỡ ngàng.

Không phải là chuyện riêng của Hà Giang

nha-hang-khong-phep-tren-ma-pi-leng-da-duoc-giai-cuu

Nhiều chuyên gia cho rằng, cho phép nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng chuyển đổi công năng là chưa đúng với quy định pháp luật.

Bàn về phương án cải tạo công trình này, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Trong luật đã quy định rất rõ với công trình không có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì trong vòng 60 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm, chủ công trình không đưa ra được giấy phép thì buộc phải tiến hành phá dỡ, trả nguyên hiện trạng. Nếu chủ đầu tư không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế.

"Nếu như nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng không có giấy phép mà lại vẫn cho tồn tại, cải tạo thành điểm dừng chân thì rõ ràng là trái quy định pháp luật. Tại sao một công trình lớn như thế không có giấy phép mà chủ công trình sẵn sàng bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng và đến giờ lại được phép chuyển đổi công năng?", ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng cho rằng, nếu UBND tỉnh Hà Giang quyết định cải tạo nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân thì phải đưa ra được bằng chứng chứng minh rằng điểm dừng chân đó có cần thiết hay không. Nếu chỉ vì công trình đã được xây dựng mà bây giờ không thể phá bỏ, mà lại biến nó thành điểm dừng chân là điều không thể chấp nhận được.

"Trước đây, UBND tỉnh Hà Giang cũng từng dự định làm một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, liệu rằng khi đó ý tưởng về điểm dừng chân này có phù hợp với nhà hàng hiện tại đang sai phạm hay không? Bên cạnh đó, các bộ ngành của Trung ương, đặc biệt là Bộ VH-TT&DL cần phải thực tế để đưa ra ý kiến của mình bởi công trình này ảnh hưởng đến Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng - địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Đây không phải là câu chuyện riêng của tỉnh Hà Giang nữa mà đó là câu chuyện của ngành quản lý văn hóa, du lịch của Việt Nam", ông Hòa bày tỏ.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam thì đồng tình với việc cải tạo công trình thành điểm dừng chân, nhưng chỉ ra hai nội dung quan trọng mà dự án cải tạo công trình còn thiếu, đó là đánh giá tác động môi trường và giải pháp khắc phục những tác động xấu có thể xảy ra. "Tôi quan tâm tới phương pháp xử lý chất thải (rắn và lỏng) trong quá trình vận hành công trình. Việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường cần được đặt ra một cách nghiêm túc", ông Bài nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà - người theo đuổi quan điểm "kiến trúc vị dân sinh" và đã nhận nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế cho biết, nếu bắt buộc phải giữ lại và cải tạo công trình này thành điểm dừng chân thì nên coi không gian được giữ lại là một phần của cảnh quan, việc cải tạo nó phải tiếp cận từ góc độ cảnh quan trước.

"Điểm dừng chân nên theo hướng vào tự nhiên, có cấu trúc theo cách tự nhiên. Trong bối cảnh này thì dỡ bỏ (công trình vi phạm) được càng nhiều càng tốt. Công trình khi ấy có thể là đoạn đường nối dài hoặc một cái cầu, hay một cái cây theo các tấm sàn đa hướng nhiều tầng bậc", kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà nói và gợi ý Hà Giang nên tổ chức một cuộc thi nghiêm túc về việc cải tạo công trình này, sẽ nhận được rất nhiều giải pháp khả thi thú vị.

Lo ngại tạo tiền lệ xấu

GS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia lo ngại việc sửa sai cho công trình vi phạm Panorama Mã Pì Lèng dễ tạo tiền lệ xấu, thậm chí "vẽ đường" cho nhiều công trình sai phạm tương tự. "Tôi thấy rất buồn khi phải chứng kiến những công trình sai phạm mọc lên nhan nhản ở các khu di sản. Lâu này chúng ta chỉ nói về những vấn đề kinh tế, tham nhũng nhưng những điển hình vi phạm Luật Di sản văn hóa lại bị coi thường", ông Bình trăn trở.

Theo GiaDinh