Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Con người của cải cách, hội nhập

Gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ (1997-2006), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhìn nhận với vai trò là người có tư tưởng cải cách, hội nhập.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá X vào tháng 9-1997, ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng. Ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra.

Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải có công chèo chống và đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng để nó không lan rộng như khống chế lạm phát, chính sách tài khoá, tín dụng rất hợp lý...

Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam bước qua thời kỳ khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP ấn tượng trong gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ.

Với tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập, chính ông đã trình ra Quốc hội để ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và chính ông đã bảo vệ Luật Doanh nghiệp trước Bộ Chính trị, Quốc hội.

Ông cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam ở cương vị Thủ tướng thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào ngày 19-5-2005. Chuyến đi này đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết.

Vào ngày 16-6-2006, ông đã có bài phát biểu xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình một năm trước Quốc hội. Ông khá xúc động khi đánh giá lại những mặt được và những vấn đề còn trăn trở của đất nước trong thời gian ông đứng trên cương vị lãnh đạo Chính phủ (6 năm làm Phó thủ tướng và 9 năm làm Thủ tướng).

Điều làm ông trăn trở nhất là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn.

Trong diễn văn kết thúc, ông xin lỗi nhân dân vì đã để tình trạng tham nhũng nghiêm trọng diễn ra: "Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội".

"Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới" – ông gửi gắm.

Ông Phan Văn Khải sinh ngày 25-12-1933; quê ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Ông tham gia cách mạng từ năm 1947, khởi đầu ở Đội Thiếu nhi cứu quốc của xã. Năm 1950, ông gia nhập tỉnh đoàn thanh niên Gia Định, Văn phòng Mặt trận, Văn phòng Tỉnh ủy Gia Định Ninh.

Từ năm 1954-1959, ông tập kết ra Bắc. Sau đó, ông học Đại học Kinh tế tại Moskva (Liên Xô) cho đến năm 1965. Trở về Việt Nam, ông làm cán bộ, phó phòng, trưởng phòng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến năm 1971. Từ năm 1972-1975, ông là cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam, đi chiến trường B2, Vụ phó Ủy ban Thống nhất Chính phủ.

Sau khi Việt Nam thống nhất, ông chuyển công tác về miền Nam, làm Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP, Thường vụ Thành ủy TP cho đến năm 1984.

Năm 1985 đến tháng 3-1989, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI trong những năm đầu thời kỳ đổi mới.

Tháng 4-1989, ông chuyển ra Hà Nội tham gia Chính phủ, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông được Thủ tướng Đỗ Mười giao trách nhiệm đứng đầu nhóm soạn thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000.

Đến cuối năm 1991, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực trong Chính phủ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ tháng 9-1997, ông là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 6-2006, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình một năm. Sau khi về hưu, ngày 8-12-2014, tại TP HCM, Đảng bộ Văn phòng Chính phủ đã tổ chức trang trọng Lễ trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng cho ông.

NGUYỄN PHAN

Theo Người lao động