Nguyên nhân nào khiến các cặp vợ chồng dù đã từng rất yêu thương nhau lại có thể coi nhau như "kẻ thù"?

Theo các chuyên gia, điều tối kỵ trong đời sống vợ chồng là không nên im lặng, hoặc “mặt nặng mày nhẹ” với nhau rồi sinh ra cáu bẳn, hay chấp vặt, rồi dẫn đến ghét nhau, thậm chí coi nhau như kẻ thù.

Vợ chồng dù mặn nồng vẫn có thể nảy sinh mâu thuẫn, xung đột

Gần 1h đêm, tiếng cãi vã inh ỏi khiến mọi người trong khu phố bị tỉnh giấc. Trong sự tĩnh lặng của đêm khuya, từng câu thoại của “nhân vật chính” như rót thẳng đến tai những con người vừa bị đánh thức trước đó.

- Anh đi đâu bây giờ mới về? Anh có biết bây giờ là mấy giờ hay không?

- Nay anh có việc nên về muộn. Sao em cứ sồn sồn lên thế nhỉ?

- Anh thì có việc gì, chắc lại đi chè chén với mấy ông bạn vô công rồi nghề rồi rủ nhau đi tìm thú vui chứ gì?

- Em đừng có mà đoán non đoán già.

- Anh không phải ngụy biện. Chả qua là tôi nói trúng tim đen của anh rồi đúng không?

- Cô đừng có mà ăn nói linh tinh. Đêm rồi, đi ngủ đi, đừng đứng đấy nhặng xị lên khiến thiên hạ mất ngủ.

- Giờ thì anh có nhiều thú vui khác rồi, cần gì đến vợ con nữa. Anh tự xem lại bản thân mình đi, xem có xứng đáng làm chồng, làm cha hay không?

- Cô có thôi đi không? (Kèm theo câu nói ấy, tiếng đồ vật rơi vỡ loảng xoảng, tiếng trẻ con khóc thét trong đêm như tăng thêm kịch tính cho cuộc cãi vã).

- Anh thích đập thì cứ đập đi. Dù sao thì cái gia đình này cũng sắp tan vỡ rồi. Mẹ con tôi sẽ trả tự do cho anh để anh thích làm gì thì làm.

Nghe đến đây, hàng xóm xung quanh chỉ còn biết thở dài, lắc đầu ngao ngán cho câu chuyện buồn của đôi vợ chồng trẻ…

nguyen-nhan-nao-khien-cac-cap-vo-chong-du-da-tung-rat-yeu-thuong-nhau-lai-co-the-coi-nhau-nhu-ke-thu

Theo các chuyên gia, mâu thuẫn là điều không tránh khỏi trong quan hệ vợ chồng. Điều quan trọng là cách giải quyết như thế nào để gìn giữ hạnh phúc trong gia đình. Ảnh minh họa

Yêu nhau từ thời Đại học, ra trường đi làm gần 3 năm rồi tiến tới hôn nhân, Tuấn và Trang được coi là cặp vợ chồng trẻ viên mãn nhất trong khu phố.

Chưa đầy 30 tuổi, hai vợ chồng đều xuất thân từ tỉnh lẻ này đã có một căn nhà ở đất Hà Thành, một đứa con gái xinh xắn và những công việc với mức thu nhập cao mỗi tháng. Đây có thể được coi là niềm mơ ước của nhiều người trạc tuổi như vậy.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao, vài tháng trở lại đây, cặp vợ chồng trẻ này lại thường xuyên xảy ra những cuộc cãi vã, thậm chí là xung đột với nhau. Đã có lần, hàng xóm phải vào can ngăn khi thấy Tuấn cầm cây gậy và định lao thẳng về phía người vợ của mình.

Rồi cũng có khi, mọi người thấy Trang mắt sưng húp, một mình xách hành lý bế theo con nhỏ đi khỏi nhà vài ngày. So với hình ảnh mặn nồng trước đây của hai vợ chồng, điều này khiến hàng xóm xung quanh vô cùng ngạc nhiên.

Cần thẳng thắn giải quyết từ vấn đề nhỏ nhất

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng, quả thực, vợ chồng đã từng là những người yêu thương nhau hết mực rồi mới quyết định về chung sống với nhau. Tuy nhiên, khi sống chung dưới một mái nhà, thói quen, sở thích cũng như cái tôi cá nhân giữa hai người được bộc lộ một cách tối đa. Nếu không thể hiểu và dung hòa cho nhau, việc xảy ra mâu thuẫn là điều không tránh khỏi.

Hơn nữa, áp lực “cơm áo gạo tiền”, con cái, gia đình nội ngoại hai bên, tác động của các mối quan hệ bên ngoài… cũng khiến tình cảm vợ chồng có thể không còn được mặn nồng như trước. Kèm theo đó, những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống hàng ngày nếu không được giải quyết dứt điểm, nó sẽ dồn nén theo thời gian, đến một lúc nào đó, nhân một sự kiện nào đó, nó sẽ phát nổ và gây ra những câu chuyện đau lòng.

Theo ông Nguyễn An Chất, những cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, thậm chí xung đột là vì họ không biết cách ứng xử với nhau sao cho phù hợp cũng như chưa thẳng thắn cùng nhau giải quyết vấn đề dù là nhỏ nhất.

Chẳng hạn, trong sinh hoạt gia đình, nếu thấy không hài lòng về đối phương, chúng ta hoàn toàn có thể góp ý, chia sẻ với nhau để cùng hoàn thiện bản thân, tránh lặp lại những lỗi tương tự.

Điều tối kỵ là không nên im lặng, hoặc “mặt nặng mày nhẹ” với nhau rồi sinh ra cáu bẳn, hay chấp vặt, rồi dẫn đến ghét nhau, thậm chí coi nhau như kẻ thù. Điều này chẳng khác nào chính chúng ta đang giết chết cuộc hôn nhân của mình trong sự ngột ngạt, tù túng.

Hơn nữa, trong khi xảy ra cãi vã, vợ hay chồng đều phải học cách tiết chế bản thân. Trường hợp người chồng nóng tính, nhất là khi đã có hơi men trong người, nếu là một người vợ thông minh, sẽ không gân cổ lên đôi co với chồng mà chọn cách im lặng hoặc lánh mặt đi một chỗ nào đó. Đợi khi chồng “nguôi” hoặc tỉnh táo, khi ấy, ai đúng ai sai sẽ được đem ra nói chuyện thẳng thắn với nhau.

Ngược lại, phụ nữ dễ nóng giận nhưng cũng dễ mềm lòng. Khi vợ giận, người chồng nên bình tĩnh, không nên to tiếng, chấp vặt những câu nói của vợ, thậm chí phải là người chủ động làm hòa để không đẩy tình huống xấu đi quá xa.

Mâu thuẫn nảy sinh giữa vợ chồng nếu không được giải quyết tốt sẽ gây bầu không khí nặng nề, gây stress cho cả gia đình. Hệ lụy tiếp theo là tan vỡ hạnh phúc. Trong các trường hợp bố mẹ mâu thuẫn và xung đột thường xuyên, kéo dài sẽ khiến con hoang mang, sợ hãi, hoặc trở nên hư hỏng, dễ đi vào vết xe đổ của bố mẹ sau này.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, "chìa khóa" để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hạn chế những mâu thuẫn không đáng có chính là sự cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau. Khi có vấn đề xảy ra, cả hai nên thẳng thắn cùng nhau nói chuyện trên tinh thần vun đắp hạnh phúc gia đình, cùng nhau rút kinh nghiệm, sửa sai chứ không chì chiết lỗi lầm của đối phương.

Nghĩa là dù trong hoàn cảnh nào cũng nên nhìn vào ưu điểm của đối phương để rộng lượng tha thứ cho những sai lầm vụn vặt trong cuộc sống. Có như vậy, hạnh phúc mới thực sự bền lâu.

Theo GiaDinh