Nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh đường ruột từ thịt nhiễm khuẩn Salmonella

Thịt lợn, gà từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm tự phát, không tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho nguy cơ thịt nhiễm khuẩn Salmonella tăng cao.

Thịt lợn nhiễm khuẩn Salmonella

Trong năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mẫu thịt lợn lấy tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho kết quả 30-40% mẫu nhiễm khuẩn Salmonella (gây tiêu chảy). 80% thịt lợn bày bán ở những khu chợ bán đồ tươi sống và 76% được giết mổ tại các cơ sở nhỏ, mất vệ sinh. Tương tự, một nhóm nghiên cứu lâm sàng thuộc ĐH Oxford (OUCRU) nghiên cứu tại hai điểm là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong hơn 1 năm cho kết quả đáng lo ngại. Trong 117 mẫu thịt gà, heo, bò cho thấy có tới 80/117 mẫu (chiếm trên 68%) đã bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

nguy-co-ngo-doc-mac-benh-duong-ruot-tu-thit-nhiem-khuan-salmonella

Thịt không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng lo lắng.

Sở dĩ vi khuẩn Salmonella trở nên phổ biến như vậy ở Việt Nam, một phần nguyên nhân bởi các lò giết mổ nhỏ lẻ và tự phát không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Cục Thú y, tính đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 30.750 cơ sở giết mổ, trong đó có 910 cơ sở giết mổ tập trung, 100 % được cơ quan thú y kiểm soát. Có trên 29.840 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với công suất 1- 3 con gia súc, gia cầm/ngày, trong đó có hơn 8.000 cơ sở được kiểm soát, chiếm tỷ lệ 27%. Như vậy, gần 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát.

Nguy cơ ngộ độc và các bệnh đường ruột

Salmonella là vi khuẩn tương đối phổ biến. Có khoảng 1,2 triệu trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella mỗi năm, và 1 triệu trong những trường hợp đó là do thực phẩm, chiếm 83%. Cùng với Salmonella, chúng ta cũng dễ dàng bị nhiễm khuẩn E. coli và Listeria. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.

Chị Nguyễn Minh Thùy, người tiêu dùng gần một cơ sở giết mổ ở Bắc Từ Liêm kể về quy trình của lò ở gần nhà mình: “Tôi thấy người ta đặt cả con lợn trên nền nhà vệ sinh rồi đổ nước sôi cạo lông, cắt tiết, pha lóc thân thịt heo, rồi làm lòng; nhiều con gia cầm được lần lượt nhúng nước sôi trong một cái nồi đầy nguy cơ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, chỉ có một con dao nhưng mọi qui trình từ cắt tiết, làm lông, sơ chế cho tới khi xả thịt, không hề được khử trùng sạch sẽ”.

Cũng vì quá lo ngại khi chứng kiến quy trình giết mổ mất vệ sinh này, chị Thùy quyết định nói không với thực phẩm bán ở chợ gần nhà. Quê chồng chị Thùy ở Hải Dương. Vì thế, cứ mỗi cuối tuần gia đình chị lại về quê lấy “đồ tiếp tế”, nào là gà, vịt, thịt lợn cho vào tủ đông để dùng dần. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện và thời gian như gia đình chị Thùy. Và suy cho cùng, đây không phải cách thức lâu bền, mà cần phải có biện pháp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ (CDC), hầu hết người nhiễm khuẩn Salmonella có triệu chứng tiêu chảy, sốt và đau bụng từ 12 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Một số trường hợp tiêu chảy nặng cần nhập viện do vi khuẩn lan từ ruột vào máu hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Lúc này, nếu không chữa trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Đặc biệt, Salmonella chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi), người già hoặc người miễn dịch yếu. Gần như mọi bệnh nhân nhiễm Salmonella đều phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên thời gian để thói quen đại tiện trở lại bình thường đôi khi lên tới vài tháng. Ở số ít, Salmonella dẫn tới phản ứng viêm khớp, có thể trở thành viêm khớp mãn tính.

Theo VietQ