Người tiêu dùng lo lắng sau vụ phát hiện hải sản được tẩy rửa hóa chất

Mới đây, thông tin về việc cơ quan chức năng ở Hà Nội phát hiện một cơ sở tẩy trắng hải sản bằng hóa chất đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.

Người tiêu dùng lo lắng sau vụ phát hiện hải sản được tẩy rửa hóa chất

Bạch tuộc đang được xử lý hoá chất tại chợ Long Biên. Ảnh: ANTĐ

Tẩy rửa hải sản bằng hóa chất

Mới đây, ngày 25/7, tại Phúc Xá, Ba Đình, lực lượng chức năng trên địa bàn đã bắt quả tang một cơ sở nghi tẩy trắng hải sản không rõ nguồn gốc bằng hoá chất. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở này đang sơ chế khoảng 330kg bạch tuộc không rõ nguồn gốc và có hành vi ngâm bạch tuộc vào các thùng chứa một loại dung dịch màu nâu, sủi bọt trắng để tẩy trắng, khử mùi hôi. Kết quả kiểm nghiệm mẫu dung dịch màu nâu phát hiện, có chứa tới 1.046mg Hydro Peroxid, 665mg Natri Hydrosulfit, 0,385mg Asen. Kết quả kiểm nghiệm trên 1kg thịt bạch tuộc cũng tồn dư nhiều hóa chất công nghiệp như 959,8mg Hydro Peroxid, 377,8mg Natri Hydrosulfit.

Vụ việc đã khiến dư luận bức xúc cho rằng, đây là hành vi gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, phòng ngừa cho kẻ khác. Ông Nguyễn Hoàng Long (65 tuổi, ở Trung Kính) nói: “Những người này ắt hẳn không có lương tâm khi cố tình bán thực phẩm ngâm hoá chất. Cũng dễ hiểu vì sao những năm gần đây, nhiều người bị bệnh hiểm nghèo là do những người chỉ vì lợi ích trước mắt mà huỷ hại cả tương lai nhiều người tiêu dùng. Không biết những thế hệ sau nữa sẽ ra sao, bởi hệ lụy từ những hành vi tàn nhẫn này?”.

Tương tự, chị Trương Thị Diệu Lan (28 tuổi, ở Cầu Giấy) thẳng thắn: “Sử dụng hoá chất để tẩy rửa cần xem lại lương tâm người bán hàng. Không loại trừ nguồn hàng bẩn, ươn hay đang trong quá trình phân huỷ nên phải sử dụng hoá chất tẩy rửa. Hiện nay, hành vi này chỉ phải xử phạt hành chính. Tôi cho rằng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng để đủ sức răn đe”.

Chị Trần Thị Lý, chủ cửa hàng bán hải sản chợ Thành Công chia sẻ: “Sau vụ cơ quan chức năng phát hiện cơ sở tẩy trắng hải sản bằng hóa chất, đã gây thiệt hại rất nặng nề với những tiểu thương buôn bán hải sản như chúng tôi. Nhiều khách hàng đã nói “không” với mực, cá đông lạnh nên bán hàng ế ẩm lắm”.

Theo quan sát của PV, tại các quầy hàng bán hải sản ở chợ Thành Công rơi vào cảnh vắng khách. Ở một số chợ khác như chợ Hoàng Mai, chợ Vĩnh Tuy… tiểu thương cũng có chung nhận xét là bán hàng hải sản ế ẩm hơn mọi ngày.

Nguồn gốc hàng hóa có vấn đề, tiểu thương mới dùng hóa chất

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Hydro Peroxid chính là Oxy già, được sử dụng để rửa vết thương trong ngành y tế. Còn Natri Hydrosulfit dùng để tẩy rửa công nghiệp.

Tác dụng của hai chất này là tẩy trắng, làm trắng, làm sạch nấm mốc thực phẩm như hoa quả, đũa, tẩy sạch các mảng bám bẩm, hoa quả đóng hộp, khoai tây thái trước khi đem rán… Tuy nhiên, điều cần lưu ý là sau khi tẩy rửa, thực phẩm phải được rửa sạch bằng nước sạch thì sẽ không đáng lo ngại với sức khoẻ. Hiện nay, cả thế giới sử dụng hai hoá chất này để tẩy trắng thực phẩm, chứ không riêng Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích: “Sở dĩ không đáng lo ngại là vì Oxy già tự phân huỷ ngoài môi trường. Nếu đặt một cốc Oxy già ngoài môi trường tự do thì chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Hydro sẽ bay hơi và chỉ còn lại nước.

Nếu dùng để tẩy rửa thức ăn mà người dùng quên không rửa lại bằng nước sạch thì trong quá trình xào nấu, Oxy già cũng sẽ tự phân giải hoàn toàn. Còn đối với chất Natri Hydrosulfit thì ngược lại, không bay hơi ngoài môi trường. Nếu để Natri Hydrosulfit đi vào cơ thể sẽ gây ngộ độc. Tuy nhiên, chất này có mùi khen khét, đôi lúc có mùi khét nặng, nên nếu không rửa sạch sẽ bằng nước thì không thể sử dụng vì mùi lạ.

Sau khi rửa như vậy, thực phẩm được xử lý bằng hoá chất cơ bản là sạch sẽ, không đáng lo ngại đến sức khoẻ. Cũng giống như việc làm sạch bát đĩa bằng dung dịch rửa chuyên dụng, bát đĩa phải rửa sạch qua nước sau khi dùng nước rửa bát thì mới có thể sử dụng. Còn nếu sử dụng bát ngâm hoá chất mà không qua nước sạch thì chắc chắn sẽ bị ngộ độc. Bản chất dung dịch rửa bát cũng là hoá chất tẩy rửa”.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: “Tuy nhiên, Asen là điều đặc biệt phải quan tâm. Asen chính là thạch tín, là chất độc nên thực phẩm đã nhiễm chất này thì chắc chắn người dùng bị độc tính. Asen đi vào máu sẽ tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây tê liệt hệ thống thần kinh, tuỷ xương…

Nếu nói chất Oxy già và Natri Hydrosulfit được dùng trong xử lý thực phẩm là ý chí chủ quan của thương lái thì Asen nếu phát hiện có trong thực phẩm sẽ là ý chí khách quan. Bởi Asen là chất độc, sẽ chẳng có thương lái nào tự bỏ chất độc vào hàng hoá của mình. Thực tế, Asen có trong thực phầm là nhiễm từ môi trường bên ngoài”.

Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: “Điều mà chúng ta cần làm sáng tỏ là vì sao thương lái phải dùng chất tẩy rửa? Trong trường hợp nguồn hải sản tươi, sử dụng hoá chất tẩy rửa cho sạch sẽ thì không sao. Tuy nhiên, nguồn hải sản kém chất lượng, thối rữa, đang trong quá trình phân huỷ mà phải nhờ đến hoá chất để “hoá phép” thì quả là đáng lo ngại. Với hành vi này, người bán sử dụng hoá chất để xử lý hàng hoá đang trong quá trình phân huỷ để đánh lừa người tiêu dùng thì cần phải xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, để răn đe, phòng ngừa với những kẻ khác”.

Theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP, người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu thực phẩm có dư lượng hoá chất cao đi vào cơ thể. Pháp luật không cho phép ngâm thực phẩm với hoá chất trong thời gian dài và người dùng cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe.

Theo GiaDinh