Người phụ nữ bị suy thận sau khi ăn đào bán rong

Nguyên nhân có thể được kể đến là ngộ độc hóa chất bảo quản thực phẩm. Thực tế, hiện nay, nhiều loại hóa chất đang bị sử dụng tùy tiện.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.T., 64 tuổi, được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận.

Qua khai thác bệnh sử, trước đó, bà T. mua đào từ gánh hàng rong. Sau khi ăn một quả đào 30 phút, bà T. bị đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục, dẫn đến mất nước trầm trọng. Người nhà đưa bà T. đến viện gần nhà. Lúc này, bệnh nhân có biểu hiện sốc, tụt huyết áp và suy thận nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai.

Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. đã cải thiện tốt.

nguoi-phu-nu-bi-suy-than-sau-khi-an-dao-ban-rong

Ăn thực phẩm bán hàng rong tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Ảnh: Helpguide.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết căn nguyên việc ngộ độc của bệnh nhân T. chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, dựa trên bệnh cảnh của người bệnh, các bác sĩ nghi có thể do một trong hai nguyên nhân.

Thứ nhất, người bệnh bị ngộ độc có thể do hóa chất bảo quản thực phẩm. BS Nguyên cho biết hiện nay có quá nhiều loại hóa chất bị tùy tiện sử dụng.

Nguyên nhân thứ hai có thể là độc tố vi khuẩn trong trái đào (nguyên nhân này ít căn cứ hơn).

Theo BS Nguyên, ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu điển hình, sẽ có từ hai người trở lên bị bệnh tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn không bị bệnh.

Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị rối loạn cảm giác, tê bì, yếu liệt, co giật, mạch không đều, tụt huyết áp, khó thở... Khi có các dấu hiệu nặng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Để phòng tránh ngộ độc, TS Nguyên khuyên người dân cần ăn chín, uống sôi; chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu; tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Đặc biệt, những người có sức đề kháng yếu, người già, trẻ nhỏ không nên ăn sống, đặc biệt thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh.

Theo Zing

----

Xem thêm:

Mẹo phân biệt đào Việt Nam và đào Trung Quốc

Hiện nay, đào Việt Nam và đào Trung Quốc được đem ra bày bán lẫn lộn. Nhiều khách hàng bị đánh lừa vì không biết cách phân biệt đào Việt với đào Trung.

Người bán luôn khẳng định: "đào Việt Nam, đào Sapa ..."

Mùa đào Việt Nam rộ vào khoảng tháng 5 – 6, sang đến tháng 7, loại quả này đã bắt đầu hết vụ. Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội vẫn tràn ngập các loại đào mà khi hỏi nguồn gốc, người bán hàng nào cũng khẳng định là đào Việt Nam, đào “ta”, đào Tây Bắc, đào Sapa…để dễ bán.

Trên thực tế, đào Việt Nam hiện nay chủ yếu được trồng ở Lào Cai, giống đào là đào Pháp. Còn giống đào truyền thống hiện đã mất nhiều do bị chặt cành, đốn gốc đem về miền xuôi để chơi Tết. Tổng diện tích cả vùng chỉ còn khoảng 360ha nằm rải rác ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương... Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cho hay, mùa đào ở Lào Cai đã thu hoạch từ tháng 5-2015 và mãn vụ vào giữa tháng 6.

Do đó, đào hiện được bán tràn ngập ở Hà Nội và các tỉnh thành khác trong cả nước chủ yếu là đào có nguồn gốc từ Trung Quốc.

So sánh về chất lượng đào Lào Cai và đào Trung Quốc, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Chất lượng đào Trung Quốc không thể so sánh được với đào Sa Pa – Lào Cai. Mặc dù đào Trung Quốc quả to, màu sắc đẹp mắt nhưng ăn xốp và nhạt còn đào Sa Pa quả nhỏ nhưng thơm ngon hơn nhiều, nên luôn có giá bán cao hơn”.

Mẹo phân biệt đào Việt Nam và đào Trung Quốc
Đào nhập từ Trung Quốc nhưng được gắn mác Sapa cho dễ bán 

Theo ông Tuấn, thời điểm này, ngay tại khu du lịch Sa Pa – Lào Cai, đào bán rất nhiều để cho khách du lịch mua về làm quà phần lớn cũng là đào được tư thương chở từ TP Lào Cai, nhập từ Trung Quốc lên bán chứ không phải là đào Sa Pa chính hiệu.

Cách nhận biết đào Việt – đào Trung

Vỏ bên ngoài: Đào Trung Quốc có mẫu mã đẹp hơn đào ta. Đào Trung Quốc có vỏ trơn láng, nhẵn mịn, lông ít hoặc không có và có kích thước khá lớn. Trong khi đó, đào ta có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng cái chén uống nước trà thường ngày, nhiều lông. Trước khi ăn phải rửa sạch hết lông bám bên ngoài mới có thể ăn được.

Màu sắc: Đào Trung Quốc thường có màu hồng nhạt, đẹp mắt. Còn đào ta thì có màu xanh lá cây xen lẫn một ít màu hồng phấn.

Mùi vị: Đào ta ăn thơm giòn tự nhiên, có vị hơi chua. Trong khi đó, đào Trung Quốc thì không giữ được độ giòn lâu, cùi đào thường màu vàng, khi ăn mềm nhũn và ít ngọt.

Mẹo phân biệt đào Việt Nam và đào Trung Quốc
Đào Trung Quốc thường có màu sắc rất bắt mắt 

Khi mua đào về thấy ruột bên trong bị thối rữa mà bên ngoài vẫn còn màu đỏ, vỏ đào vẫn căng bóng thì đó là đào Trung Quốc đã bị tẩm hóa chất. Do vậy, bạn cần loại bỏ ngay, không được sử dụng.

Bên cạnh đó, để chọn được đào ta tươi ngon, bạn nên lựa chọn đào vừa chín tới, không quá xanh hay quá nhũn, có mùi thơm nhẹ tự nhiên. Để xem độ cứng hay giòn của đào, bạn có thể ấn tay vào vỏ để kiểm tra.

Để tránh mua phải đào Trung Quốc, ngoài những dấu hiệu nhận biết kể trên, bạn nên mua đào ở những địa chỉ uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh mua đào trái vụ hoặc những trái đào có màu sắc quá bắt mắt, những giống đào lạ, chưa hề xuất hiện trên thị trường trong nước trước đó để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của gia đình.

Theo Vietq

----

Xem thêm:

+Bốn loại đào Trung Quốc ngập chợ, chị em mua về làm trà giải nhiệt

+Đào Trung Quốc 'gắn mác' Sapa bán la liệt tại Sài Gòn

+‘Loạn’ giá đào Thất thốn, người dùng dễ mua nhầm đào Trung Quốc

----