Ngoài bột thông cống, trẻ nhỏ còn dễ ăn nhầm phải những hóa chất nguy hiểm này

Trên thực tế, việc trẻ nhỏ ăn nhầm các loại hóa chất độc hại không phải là hiếm. Nguyên nhân là do trẻ còn nhỏ, chưa ý thức và phân biệt được các loại hóa chất nên dẫn đến nhiều sự việc đau lòng.

Mới đây, tại Trường Tiểu học xã Bắc An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã xảy ra một vụ ngộ độc tập thể do học sinh ăn nhầm bột thông cống. Theo đó, sáng 4/3, giáo viên C.T.H. mua 4 gói bột màu trắng dùng thông bồn cầu để ở gầm cầu thang của trường với mục đích tối mang về nhà thông tắc bể phốt.

Trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 5 đã lấy ra ăn rồi chia cho các bạn cùng lớp và các em khóa dưới. Hậu quả, 44 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của trường này bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu. Rất may không có trường hợp thương vong.

Trên thực tế, việc trẻ nhỏ ăn nhầm các loại hóa chất độc hại không phải là hiếm. Nguyên nhân là do trẻ còn nhỏ, chưa ý thức và phân biệt được các loại hóa chất nên dẫn đến nhiều sự việc đau lòng.

ngoai-bot-thong-cong-tre-nho-con-de-an-nham-phai-nhung-hoa-chat-nguy-hiem-nay

Các chuyên gia khuyến cáo, các loại hóa chất độc hại cần để xa tầm với của trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Ngoài ăn nhầm bột thông cống, tại các bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ uống nhầm xăng, dầu, thuốc diệt chuột, hạt chống ẩm hoặc các hạt nhựa dẻo gần tương tự như kẹo.

Điểm lại một số vụ việc điển hình như:

Tưởng nước uống, bé trai “tu” cả xăng

Ngày 17/3/2018, bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM trong tình trạng suy hô hấp tím tái phải thở qua ống nội khí quản, thở máy. Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương các cơ quan gan thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó bệnh nhi chơi với người em họ, hơn cháu 6 tháng tuổi ở sân nhà. Hai anh em thấy chai nước giải khát bên gốc cây, cậu bé mở nắp, ngửa cổ uống. Ngay lập tức bé bị ho sặc sụa, nôn ói. Nghe tiếng ho, ông nội của bé từ trong nhà chạy ra thì tá hỏa khi ngửi thấy mùi xăng nồng nặc từ miệng cháu. Khi ấy, gia đình mới vội vàng đưa bé đi cấp cứu.

Nhầm thuốc diệt chuột là siro, hai chị em nguy kịch

Nhặt được 2 ống thuốc có màu hồng giống siro, bé T (5 tuổi ) ở Quảng Ninh, cùng em trai 3 tuổi đã cho lên miệng uống. Ngay khi uống xong, các bé có biểu hiện nôn nhiều, đau bụng. Gia đình không đưa trẻ đi viện ngay mà ra hiệu thuốc mua men tiêu hóa về cho uống nhưng tình trạng nôn, đau bụng vẫn không thuyên giảm. Chiều cùng ngày, người bố vô tình thấy vỏ ống thuốc vứt dưới sân mới tá hỏa đây là ống thuốc diệt chuột dân địa phương vẫn hay dùng.

Ngay lập tức gia đình đưa con vào Bệnh viện Uông Bí. Các cháu được cấp cứu rửa dạ dày, sau đó chuyển lên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó bé trai bắt đầu có biểu hiện co giật. Cả hai chị em phải điều trị thải độc và được theo dõi đặc biệt từ các bác sĩ.

Loét họng vì ăn hạt hút ẩm trong bánh trung thu

Bé N.T.H. 22 tháng tuổi, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang được gia đình đưa vào viện cấp cứu vì có nhiều vết loét ở cổ họng. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó, gia đình có ăn bánh trung thu. Bên trong bánh có 1 gói hút ẩm nhỏ nên vô tình vứt ra sân.

Đến chiều, bé H ra sân chơi tưởng kẹo nên xé ra ăn. Sau đó, bé kêu khóc và liên tục lấy tay gãi trong miệng.

Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, họng bé H có nhiều vết loét đỏ, chẩn đoán bị phỏng độ 2 do ăn phải hạt hút ẩm. Bé được điều trị theo thuốc uống tại nhà.

Mua nhầm hạt nhựa dẻo thành kẹo cho con ăn

Theo Shanghaiist, một bà mẹ ở Giang Tô, Trung Quốc, đã mua một gói hạt nhựa nở về nhà và nghĩ rằng đây là loại kẹo nhỏ, nhiều màu mà cô con gái ba tuổi rất yêu thích.

Trước khi bà mẹ thử ăn một hạt và nhận ra đây không phải kẹo, cô con gái đã nuốt tổng cộng 280 viên. Kết quả chụp X-quang cho thấy bụng cô bé chứa đầy vật thể như bóng nước.

Theo các bác sĩ, hạt nhựa nở dễ bị nhầm lẫn với kẹo vì có kích thước nhỏ và nhiều màu sắc sặc sỡ. Khi bị ngâm với nước, chúng sẽ trương nở với kích thước lớn hơn nhiều so với ban đầu và dính lại với nhau. Khi nuốt phải loại hạt này, trẻ có thể bị ngộ độc.

Nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời, những hạt nhựa nở này vẫn chưa trương phình và ảnh hưởng đến sức khỏe cô bé. Các bác sĩ đã dùng biện pháp y tế để đẩy những hạt nhựa này ra ngoài cơ thể của bé.

Giúp trẻ nhận diện và hạn chế các tai nạn do nhầm lẫn gây ra

Theo các chuyên gia, những nguy cơ cho trẻ kể trên hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người lớn chú ý. Do đo, bố mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

- Các hóa chất gây nguy hiểm cần được đặt xa tầm tay trẻ em, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.

- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống để tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.

- Các bé ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc khi vui chơi.

- Với những trẻ lớn hơn, đã biết đọc chữ, cần dạy trẻ về những loại hóa chất độc hại. Dạy trẻ cách nhận diện và phân biệt với các loại đồ ăn có hình dáng tương tự.

Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc do ăn, uống nhầm hóa chất, việc đầu tiên nên cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng. Có thể cho trẻ uống một chút nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn. Sau sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.

Theo GiaDinh