Ngộ độc do hít bóng cười trong thời gian dài

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận ca cấp cứu là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc khí N2O do sử dụng bóng cười.

Theo đó, bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng ngộ độc khí N2O là thiếu nữ 18 tuổi trú tại Lạng Sơn, suốt một năm nay, hầu như ngày nào cô gái này cũng hít vài quả bóng cười. Sáu tháng trở lại đây, bệnh nhân có dấu hiệu tê bì tay chân, đau tức vùng ngực và thường tự khỏi sau vài ngày. Ba ngày trước khi vào viện, cô bị tê yếu nhiều cả tay và chân, chuột rút, mất thăng bằng, đi lại khó khăn. 

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ bị rối loạn cảm giác do ngộ độc khí N2O. Sau 3 ngày nằm viện, tình trạng cô gái đã ổn định hơn. 

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thời gian qua cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khí N2O do hít bóng cười. Bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện rối loạn cảm giác, giảm vận động, tê bì chân tay, đi lại không vững. Nhiều người bị tổn thương tủy sống, mất tủy, tổn thương hệ thần kinh.

ngo-doc-do-hit-bong-cuoi-trong-thoi-gian-dai

Hút bóng cười gây ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch và hệ thần kinh. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ Y tế đề nghị cấm sử dụng khí cười ở nơi vui chơi giải trí vào cuối tháng năm 5/2019. Trước những tác hại do người dân tự ý sử dụng khí N2O như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong và trước đề nghị của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý loại khí này trong sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế cũng cùng quan điểm với UBND TP Hà Nội là không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh của con người.

Theo các chuyên gia sức khỏe, "bóng cười" hoàn toàn là khí N2O, khi sử dụng có thể gây chóng mặt, tạo cảm giác phấn khích, ảo giác, gây cười. Tuy nhiên, rủi ro khi sử dụng "bóng cười" gây ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch và hệ thần kinh. Sử dụng "bóng cười" thường xuyên có thể dẫn tới sự thiếu hụt vitamin B và thiếu máu trong cơ thể. Thiếu vitamin B có thể gây ngứa ran ở ngón tay, ngón chân kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày. Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn tới tê liệt và khó đi lại...

Theo VietQ