Nghỉ 45 ngày trong một năm học là ít hay nhiều?

Không đồng tình với việc con bị lưu ban vì nghỉ học quá 45 ngày trong năm học vừa qua, một phụ huynh ở Phú Quốc (Kiên Giang) đã lên mạng xã hội miệt thị nhà trường, đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT sửa quy định này. Trong khi đó, chuyên gia giáo dục lại cho rằng, nghỉ hơn 45 ngày trong năm là khá nhiều, dẫn đến hổng kiến thức và “ngồi nhầm chỗ” nếu cố tình cho lên lớp.

nghi-45-ngay-trong-mot-nam-hoc-la-it-hay-nhieu

Cho rằng việc con nghỉ học quá 45 ngày bị lưu ban là chưa hợp lý, một phụ huynh tại Phú Quốc (Kiên Giang) đã lên mạng xã hội phản đối nhà trường, đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT sửa thông tư. Ảnh: TL

Con bị lưu ban, mẹ lên mạng miệt thị Hiệu trưởng

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao khi một tài khoản Facebook có tên là H.T.H đã đăng tải trên trang Facebook Cộng đồng Phú Quốc dòng trạng thái có lời lẽ miệt thị Hiệu trưởng và Hội đồng giáo viên Trường THPT Phú Quốc (Kiên Giang) vì đã để con bà phải lưu ban do nghỉ quá số ngày quy định. Cụ thể, tối 18/7, bà H đăng tải một dòng trạng thái (status) có nội dung: "Đạo đức và lương tâm của thầy hiệu trưởng và hội đồng nhà trường đã bị... (từ miệt thị) tha hết rồi. Cắt đứt đường đến trường và xem thường tính mạng của một học sinh khá, ngoan ngoãn, điểm cao chỉ vì ốm nghỉ nhiều".

Chia sẻ trên báo chí, bà H cho biết, con gái của bà học giỏi, ngoan hiền nhưng bị nhà trường cho ở lại lớp 11 vì nghỉ học đến 50 ngày trong năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, bà H khẳng định con mình chỉ nghỉ 37 buổi. Còn theo nhà trường, con gái bà H không được lên lớp là căn cứ Điểm a, Khoản 2, Điều 15, Thông tư 58 (ngày 12/12/2011) của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT, học sinh nghỉ quá 45 buổi trong năm học sẽ không được lên lớp.

Sở GD&ĐT Kiên Giang cũng đã vào cuộc, yêu cầu trường THPT Phú Quốc rà soát lại trường hợp học sinh nói trên. Phụ huynh H cũng đã sửa lại bài viết và xóa những câu từ được cho là xúc phạm Hiệu trưởng, tuy nhiên bà H bất ngờ cho rằng muốn làm lớn chuyện để Bộ GD&ĐT biết để điều chỉnh Thông tư 58 đã ban hành, tránh tình trạng nhiều em học giỏi, hạnh kiểm tốt nhưng ở lại lớp nếu nghỉ học quá 45 ngày…

Sự việc lùm xùm nói trên thu hút được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội, nhiều ý kiến là phụ huynh phản đối yêu cầu chỉnh sửa Thông tư của Bộ GD&ĐT của vị phụ huynh nói trên. Song cũng có ý kiến là phụ huynh cho rằng, nên linh hoạt vì trường hợp học sinh bị lưu ban có học lực và hạnh kiểm tốt.

"Tôi có đọc trên các báo, cùng là phụ huynh nên tôi hiểu phần nào tâm trạng của phụ huynh có con bị lưu ban dù cháu ngoan và học lực tốt. Theo tôi, nhà trường cần làm rõ số buổi học sinh nghỉ học trong năm học thực tế là bao nhiêu, nếu nghỉ quá 45 ngày, nhà trường nên kiên quyết giữ quyết định lưu ban để tạo sự công bằng giữa các em học sinh", phụ huynh Trần Thu Hà có con đang học THPT tại Hà Nội chia sẻ.

Không nên "du di" tạo tiền lệ xấu

nghi-45-ngay-trong-mot-nam-hoc-la-it-hay-nhieu

GS.Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Q.Anh

Dù chỉ đọc thông tin trên báo chí, song GS.Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng khá quan tâm tới câu chuyện nói trên, ông cho rằng, trước hết không đồng tình với phản ứng của phụ huynh ở Phú Quốc đã có những lời lẽ chưa đúng mực với đội ngũ giáo viên nhà trường đã có quyết định cho con mình lưu ban. Là người làm trong công tác giáo dục trên 60 năm nay, GS Dong thẳng thắn, đi học trước hết phải đầy đủ thì mới có được các kiến thức cần thiết, đáp ứng chương trình giáo dục hiện hành, nếu như nghỉ học quá 45 buổi, nghĩa là một tháng rưỡi, sẽ rất ảnh hưởng đến chất lượng học.

Cũng theo GS Phạm Tất Dong, học là một quá trình tích lũy, lâu dài, ốm không có gì sai, nhưng tính ra cả năm học chỉ học từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 5 là kết thúc rồi. Nghỉ 45 ngày là quá nhiều, không thể nói là đủ kiến thức, vì biết thế nào là đủ, vì quá trình học còn nhiều môn học, theo nhiều cái khác. Nếu cho lên lớp sẽ thiếu hụt về kiến thức, sẽ có nội dung không theo được bằng các bạn khác. Khi học cái mới sẽ khó tiếp thu.

Vị Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nêu ví dụ: "Tôi bỏ vài cuộc họp, mình là Giáo sư hẳn hoi nhưng tôi còn thấy khó có thể theo kịp được các nội dung họp và hàm lượng chuyên đề mà mình không được dự. Do đó, nếu vì muốn lên lớp mà ép lên lớp thì sang năm sẽ khó theo kịp chương trình, còn nếu học lại sẽ nắm thêm kiến thức. Học là phải chắc, vững kiến thức lâu dài, nếu thiếu kiến thức mà lên lớp thành ra là ngồi nhầm chỗ".

"Theo tôi, không nên tháo khoán trong việc cho lên lớp, không ai đánh giá học sinh đó kém về học tập hay là đạo đức mà vì ốm, trường hợp bất khả kháng, việc học sinh ở lại lớp điều này cũng vì học sinh thôi, không theo kịp chương trình cũng dễ bị đuối và nếu chẳng may vì cố tình mà cho lên lớp nếu không theo kịp chương trình, lúc đó ai chịu trách nhiệm? Nghỉ học 45 ngày, đó là quãng thời gian khá nhiều cho một năm học, nếu tính ra ở một môn học là một chương, một chuyên đề nào đó. Chỉ vì con bị lưu ban mà đề nghị sửa lại Thông tư 58 cũng là vô lý, bởi các quy định hiện nay của chúng ta là rất nhân văn, vì học sinh và muốn các em đạt yêu cầu", GS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.

"Học sinh thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì không được lên lớp: Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại); Hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên vẫn bị xếp loại yếu về hạnh kiểm; Học lực cả năm loại kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu; Sau khi đã được kiểm tra lại một số môn học, môn đánh giá bằng điểm có điểm trung bình dưới 5,0 hay môn đánh giá bằng nhận xét bị xếp loại chưa đạt, để xếp loại lại học lực cả năm nhưng vẫn không đạt loại trung bình.

(Trích Điều 15, Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 Bộ GD&ĐT)

Theo GiaDinh