Nghề nuôi rắn hổ mang: Lúc cầm tiền tỷ, khi ăn trứng rắn qua ngày

Những người nuôi rắn tại làng Vĩnh Sơn từng có lúc xuất bán tiền tỷ nhưng do ảnh hưởng dịch không ít nhà đã phải ăn trứng rắn, thịt rắn triền miên trong nhiều tháng.

Với hơn 90% số hộ gia đình trong xã có trang trại nuôi rắn, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng với rắn hổ mang và các sản phẩm từ rắn. Nhờ nghề nuôi rắn mà nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Sơn đã đổi đời thành tỷ phú, xây nhà kiên cố, sắm vật dụng đắt tiền, cuộc sống giàu có.

Trung bình mỗi năm, tổng khối lượng rắn từ Vĩnh Sơn xuất khẩu thương phẩm sang Trung Quốc vài trăm tấn rắn hổ mang với giá bán dao động 600 - 800 nghìn đồng/kg. Thời điểm rực rỡ nhất, các hộ nuôi rắn hổ mang xuất cả trăm vạn trứng và rắn con sang Trung Quốc.

nghe-nuoi-ran-ho-mang-luc-cam-tien-ty-khi-an-trung-ran-qua-ngay

Nuôi rắn là nguồn thu nhập chính của người dân Vĩnh Sơn (Ảnh: Thúy Ngà).

Thậm chí, các thương lái từ Trung Quốc còn về ăn ngủ tại các hộ dân của xã để tìm kiếm nguồn hàng. Cao điểm nhất vào năm 2018, giá trứng rắn lên đến hơn 100 nghìn đồng/quả.

Theo chia sẻ của những người nuôi rắn xã Vĩnh Sơn, do phong tục, sở thích ăn thịt rắn với thực đơn các món đa dạng về rắn nên người Trung Quốc mới "mạnh tay" thu mua trứng rắn, rắn hổ mang giống như vậy. Ở Trung Quốc có những tiệc cưới chỉ dùng thịt rắn với lượng tiêu thụ lên đến hàng tấn.

nghe-nuoi-ran-ho-mang-luc-cam-tien-ty-khi-an-trung-ran-qua-ngay

Nhờ nuôi rắn, đời sống của người dân Vĩnh Sơn phát triển nhanh chóng (Ảnh: Thúy Ngà).

Thời kỳ "đỉnh cao", kinh tế xã hội của địa phương xã Vĩnh Sơn được cải thiện rõ rệt. Nhà cao cửa rộng mọc lên san sát, đường sá cũng được xây sửa, cải tạo, đời sống của người dân được ổn định, phát triển.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, thị trường lớn nhất là Trung Quốc bị "đóng băng" vì mặt hàng rắn hổ mang, trứng rắn hổ mang không xuất đi được. Điều này khiến người nuôi rắn tại Vĩnh Sơn rơi vào cảnh hoang mang, điêu đứng.

Ông Nguyễn Xuân Hồi (Thôn 3, xã Vĩnh Sơn) cho biết: "Làng nghề nuôi rắn chúng tôi bị phụ thuộc vào Trung Quốc quá lớn, có những năm giá rắn lên đến 1,2 triệu đồng/1kg nhưng 2 năm nay Trung Quốc không mua giá rắn tụt xuống chỉ còn 250 nghìn đồng/1 kg”.

nghe-nuoi-ran-ho-mang-luc-cam-tien-ty-khi-an-trung-ran-qua-ngay

Với việc nuôi hàng nghìn con rắn hổ mang, chi phí cho mỗi bữa ăn của rắn lên đến vài triệu đồng (Ảnh: Thúy Ngà).

Ở Vĩnh Sơn rắn nuôi chủ yếu là rắn hổ mang phì, thời gian nuôi khoảng 2 năm khi đạt trọng lượng khoảng 2- 3kg là xuất bán. Thức ăn chủ yếu của rắn hổ mang là gà, vịt, các loại ếch nhái mua gom từ khắp nơi ở miền Bắc, miền Nam.

Theo người dân địa phương, với nhà nuôi ít, trung bình chi khoảng 1-2 triệu/1 bữa còn nhà nuôi nhiều thì lên đến hơn chục triệu/bữa ăn cho rắn.

Trước kia, cứ 4 - 5 ngày cho rắn hổ mang ăn một bữa, giờ thì hàng chục ngày mới cho ăn một lần vì càng cho ăn, lỗ càng nặng. Cả làng giờ không ai dám "gối" rắn giống, vì không biết được thị trường tới đây sẽ ra sao.

nghe-nuoi-ran-ho-mang-luc-cam-tien-ty-khi-an-trung-ran-qua-ngay

Phụ thuộc nhiều vào đầu ra của Trung Quốc nên người nuôi rắn tại Vĩnh Sơn gặp nhiều bấp bênh (Ảnh: Thúy Ngà).

"Mọi năm giá trứng rắn đắt, người dân chẳng ai dám ăn vì mỗi quả có giá 40 - 60 nghìn đồng còn năm nay ăn mãi chẳng hết, trứng rắn được chế biến thành nhiều món như: Trứng chiên, trứng xào sả ớt, hay ngâm rượu vì giá trứng rắn tụt thê thảm, bán 3.000 đồng/quả còn chẳng có ai mua. Nhiều gia đình còn rơi vào cảnh vỡ nợ”, ông Hồi chia sẻ.

Nhiều người dân Vĩnh Sơn cho biết, mong muốn lớn nhất lúc này là nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để tìm đầu ra xoay vòng vốn giúp tiếp tục họ đứng vững trên đôi chân của chính mình và gìn giữ được nghề cổ truyền.

Theo GiaDinhVietNam