Ngày thứ 2 liên tiếp Mỹ có thêm gần 10.000 ca mắc mới, Italy tiết lộ bất ngờ về con số thực tế nhiễm COIVID-19

Mỹ tiếp tục một ngày sóng gió với số ca nhiễm 9.709 và 143 người thiệt mạng sau một đêm. Italy có số người tử vong cao sau 24 giờ, với 743 người, tổng số người nhiễm đang tiến sát gần bằng Trung Quốc.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo Mỹ có nguy cơ thành tâm dịch mới

Tính tới 7h30 sáng nay (25/3) theo giờ Việt Nam, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ đã lên tới 53.443 người và gần 696 người đã tử vong. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp Mỹ ghi nhận số ca nhiễm gần 10.000 người và số ca tử vong hơn 100 trong 1 ngày.

Riêng bang New York có tới gần 26.000 ca nhiễm bệnh và hơn 200 người tử vong.

Trong tuần này, ít nhất 18 bang sẽ yêu cầu khoảng 176 triệu người dân địa phương, tương đương 54% dân số Mỹ ở nhà để hạn chế sự lây lan của virus.

Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ đang diễn biến vô cùng phức tạp khi Chính phủ nước nay liên tiếp phải phê chuẩn đề nghị tuyên bố tình trạng thảm họa đối với các bang New York, California và Washington.

Tình hình tại Thủ đô Washington DC cũng đang diễn biến ngày càng xấu khi chính quyền địa phương phải phong tỏa các đường phố để ngăn chặn các cuộc tụ họp đông người.

ngay-thu-2-lien-tiep-my-co-them-gan-10-000-ca-mac-moi-italy-tiet-lo-bat-ngo-ve-con-so-thuc-te-nhiem-coivid-19

Thành phố Seattle vắng bóng người đi lại. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thừa nhận khó khăn trong việc đặt mua nguồn cung vật tư y tế thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ông cho biết chính phủ liên bang đang gặp khó khăn trong việc giúp các bang đặt mua khẩu trang và máy trợ thở.

Trước đó, tại bang New York, khu vực hiện đang là tâm dịch của Mỹ, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ máy trợ thở, khẩu trang, và các thiết bị y tế khác trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh và những vật tư thiết yếu bị thiếu trầm trọng.

Giới chức bang California, một điểm nóng dịch bệnh khác, cũng đã kêu gọi bổ sung thêm 50.000 giường bệnh.

ngay-thu-2-lien-tiep-my-co-them-gan-10-000-ca-mac-moi-italy-tiet-lo-bat-ngo-ve-con-so-thuc-te-nhiem-coivid-19

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại Kirkland, bang Washington, Mỹ. (Ảnh: The New York Times/TTXVN)

Đáp lại, Tổng thống Trump cho biết chính quyền liên bang đã đặt mua 400 máy trợ thở cho thành phố New York và thiết lập 4 bệnh viện tạm thời tại bang này.

Ngày 24/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá với tình trạng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tăng nhanh tại Mỹ, quốc gia này có nguy cơ trở thành tâm dịch mới. Người phát ngôn của WHO cho biết trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 là từ châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng cảnh báo, với tốc độ lây lan như hiện tại, các ca lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ có thể vượt qua Trung Quốc vào tháng Tư tới, biến Mỹ trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Quan chức tiết lộ bất ngờ về số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở Italy

Italy có thể có gấp 10 lần số ca nhiễm COVID-19 so với số ca hiện đang chính thức được ghi nhận, người đứng đầu cơ quan bảo vệ dân sự Italia cho biết hôm 24/3.

"Cứ mỗi ca dương tính được ghi nhận, lại có 10 ca không được ghi nhận", ông Angelo Borrelli cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Repubblica. Văn phòng của ông Borrelli cũng đã xác nhận với CNN rằng trích dẫn này của tờ La Repubblica là chính xác.

ngay-thu-2-lien-tiep-my-co-them-gan-10-000-ca-mac-moi-italy-tiet-lo-bat-ngo-ve-con-so-thuc-te-nhiem-coivid-19

Số ca mắc COVID-19 ở Italy được cho là cao gấp 10 lần con số công bố. Ảnh minh hoạ

Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc Italy có thể có đến gần 700.000 ca dương tính với COVID-19, dựa trên ước tính của ông Borrelli. Nước này hiện đã ghi nhận hơn 69.176 ca nhiễm, tính đến ngày 25/3.

"Chúng ta nên mua nhiều hơn các máy thở, và khẩu trang nên được bán ở tất cả các góc phố", ông Borrelli cho biết thêm, thừa nhận về những khó khăn từ việc thiết hụt các trang thiết bị y tế này.

Trong khi tình hình dịch bệnh đang nóng như vậy thì nhiều người dân ở Italy vẫn không chịu tuân thủ lệnh cấm đi lại ngoài đường để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều thị trưởng, thống đốc các địa phương tại Italy đã vô cùng tức giận. Trên mạng xã hội, các thị trưởng và thống đốc thậm chí đã quát mắng to tiếng, yêu cầu người dân phải ở nhà trong những ngày này.

Thế giới có hơn 421.000 người nhiễm, dịch COVID-19 có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ

Tính đến 7h30 sáng nay, thế giới có 421.413 ca nhiễm, 18.810 ca tử vong. Dịch đã lan ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Tây Ban Nha, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai tại châu Âu sau Italy, đã có thêm 6.922 ca nhiễm và 680 ca tử vong được ghi nhận, đưa tổng số ca nhiễm lên 42.058 ca, trong đó có 2.991 người tử vong.

Trước lượng người tử vong tăng mạnh, sân trượt băng Palacio de Hielo ở thủ đô Madrid đã phải biến thành một nhà xác tạm thời để giảm tải áp lực cho các bệnh viện.

ngay-thu-2-lien-tiep-my-co-them-gan-10-000-ca-mac-moi-italy-tiet-lo-bat-ngo-ve-con-so-thuc-te-nhiem-coivid-19

Các thành viên của Đơn vị khẩn cấp quân sự Tây Ban Nha làm việc tại trung tâm thương mại Palacio de Hielo ở Madrid, nơi có một sân trượt băng được trưng dụng làm nhà xác cho các nạn nhân COVID-19. (Ảnh: GETTY)

Nước Đức dù được ghi nhận là số tử vong ít, tăng thêm 34 ca trong tổng số 157 ca tử vong tuy nhiên số ca nhiễm trong 1 ngày của quốc gia này vẫn cao. Tính đến sáng nay, Đức có thêm 3.930 nhiễm nâng tổng số ca nhiễm lên 32.986 người, chỉ đứng sau Tây Ban Nha.

Nước Pháp ghi nhận thêm 240 ca tử vong sau 24 giờ, cao hơn kỷ lục vừa được thiết lập một ngày trước tới 54 trường hợp. Tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tính đến lúc này đã vượt ngưỡng 1.100 người. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện đang ghi nhận là 22.304 ca.

Đứng trước tình trạng số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, Bộ Y tế Pháp cho biết sẽ mở rộng xét nghiệm đối với người dân trong những ngày tới. Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế, Bộ Y tế Pháp, giáo sư Jérôme Salomon cho biết: "Nước Pháp có khả năng tiến hành 9.000 xét nghiệm mỗi ngày. Theo yêu cầu của Bộ trưởng Y tế về việc tăng cường khả năng xét nghiệm, chúng tôi sẽ tăng thêm 10.000 xét nghiệm mỗi ngày từ nay cho đến cuối tuần, và thêm 10.000 xét nghiệm mỗi ngày nữa vào tuần sau".

Iran vẫn đứng trên Pháp với tổng số ca nhiễm là 24.811 và 1.934 người tử vong. Sau một đêm, quốc gia này ghi nhận thêm 1.762 người nhiễm và 122 người thiệt mạng vì COVID-19.

Đến sáng nay, Hà Lan bất ngờ vào top 10 nước có số ca nhiễm cao (ngoài Trung Quốc).

Viện Y tế Quốc gia Hà Lan cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 811 ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 , tăng 17% so với 1 ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc lên thành 5.560 người.

Theo số liệu cập nhật hàng ngày, số ca tử vong do COVID-19 ở Hà Lan đến thời điểm này là 63 người, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này lên thành 276 người.

Theo thống kê của hãng tin AFP ngày 24/3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt 200.000 người.

Với hơn 200.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 11.000 ca tử vong, châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Xếp thứ hai là châu Á với 98.748 ca nhiễm và 3.570 ca tử vong.

Hàn Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh nhờ nhiều người được xét nghiệm và người dân hợp tác trong việc giám sát

Nếu vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã tăng vọt từ vài chục ca lên tới vài trăm rồi vài nghìn ca thì nay, số người nhiễm giảm đáng kể. Tính đến sáng nay, Hàn Quốc có thêm 76 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.037 và ca tử vong lên 120.

Tốc độ lây nhiễm ở đất nước 50 triệu dân này đang giảm dần khi số ca nhiễm hàng ngày chỉ còn ở mức 2 chữ số, thấp hơn hẳn so với 909 ca vào ngày cao điểm nhất là 29/2, số ca tử vong dưới 10 người trong 1 ngày.

Chỉ một tuần sau khi ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc được xác nhận vào cuối tháng 1, các quan chức và chính phủ nước này đã gặp gỡ với đại diện của một số công ty y tế. Họ kêu gọi các công ty bắt đầu phát triển bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 để sản xuất hàng loạt và cam kết sẽ phê duyệt khẩn cấp.

ngay-thu-2-lien-tiep-my-co-them-gan-10-000-ca-mac-moi-italy-tiet-lo-bat-ngo-ve-con-so-thuc-te-nhiem-coivid-19

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Dongsan ở Daegu, Hàn Quốc ngày 24/3. Ảnh: EPA-EFE.

Trong vòng 2 tuần, mặc dù số ca mắc Covid-19 tại Hàn Quốc vẫn ở mức 2 chữ số, hàng ngàn bộ kit xét nghiệm đã được chuyển đi hàng ngày. Hàn Quốc hiện đang sản xuất 100.000 bộ kit xét nghiệm mỗi ngày và giới chức cho biết họ đang đàm phán với 17 nước khác về việc xuất khẩu chúng.

Hàn Quốc đã thực hiện hơn 300.000 xét nghiệm, tính theo tỷ lệ bình quân đầu người cao hơn 40 lần so với Mỹ. Để tránh trường hợp các bệnh viện và phòng khám bị quá tải, giới chức Hàn Quốc đã mở 600 trung tâm xét nghiệm được thiết kế để sàng lọc càng nhiều bệnh nhân càng tốt, đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế bằng cách giảm thiểu tiếp xúc với bệnh nhân.

Tại 50 trạm dừng xe ở Hàn Quốc, người dân sẽ được xét nghiệm ngay trên xe ô tô mà không cần rời khỏi xe. Họ sẽ trả lời một bảng câu hỏi, được đo thân nhiệt từ xa và lấy mẫu dịch từ cổ họng. Quá trình này mất khoảng 10 phút và kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng vài giờ.

Những tin nhắn của chính phủ liên tục thúc giục người dân Hàn Quốc đi xét nghiệm nếu họ hoặc người họ quen có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2. Du khách nước ngoài được yêu cầu tải xuống một ứng dụng trên điện thoại thông minh hướng dẫn họ tự kiểm tra các triệu chứng nhiễm bệnh.

Bằng cách xác định và điều trị sớm cho bệnh nhân mắc Covid-19 cũng như cách ly các trường hợp nhẹ, Hàn Quốc đã giúp giảm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Hàn Quốc chỉ hơn 1%, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới.

Minh Trang (th)

Theo GiaDinh

*Xem thêm:

+Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, shipper chen chân đặt đồ ăn cho khách vào giờ cao điểm

+Bệnh nhân 124 đi khắp nơi, không đeo khẩu trang trước khi phát hiện mắc COVID-19, Việt Nam có 134 người nhiễm

+Tâm sự của cô gái về Việt Nam tránh dịch bị bạn hỏi xoáy ‘Sao không ở bên, về làm gì?’