Ngày Tết, gặp hai doanh nhân nổi tiếng "dị ứng" với tiền



Doanh nhân nào chẳng đam mê kiếm tiền, không mê tiền không thể trở thành doanh nhân. Tiền dính với doanh nhân như 2 mặt của một tờ giấy. Vậy mà lạ, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, hai doanh nhân khá nổi tiếng lại phớt lờ tiền bạc...

ngay-tet-gap-hai-doanh-nhan-noi-tieng-di-ung-voi-tien

Ông Đinh Văn Lộc (ảnh nhân vật cung cấp).

Chuyện người mẹ mù

Ông Đinh Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Onnet, là chuyên gia có tiếng về Internet Marketing ở Việt Nam. Truyền thông đã nói nhiều về ông, nhưng chủ yếu ở góc độ công việc. Chẳng hạn, công ty của ông đã đào tạo được bao nhiêu nghìn người về Marketing online, hay chuyện ông đang làm gì để hiện thực hóa giấc mơ trở thành tỷ phú công nghệ đầu tiên trên đất Việt… Ở bài viết này, chúng tôi tiếp cận ông Lộc ở góc độ khác, đó là ông quan niệm thế nào về tiền và cuộc sống?

Trong cuộc trò chuyện, ông Lộc kể, mình từng nếm trải thất bại, đã có lúc trắng tay. Nhưng điều quan trọng là sau khi trải qua những va đập cuộc đời, ông đã chiêm nghiệm, rút ra được nhiều bài học quý báu cho mình. Theo ông Lộc, trong cuốn “Năng đoạn kim cương” có viết về 4 điều quan trọng sắp xếp trong cuộc sống: Một là “bình an”, đây là điều quan trọng nhất. Với người làm kinh doanh, ở trạng thái bình an thì làm việc sẽ tốt hơn, tập trung hơn. Hai là “tình yêu thương”. Có bình an thì mới yêu thương được. Ba là “sức khỏe” – có sức khỏe là có tất cả. Bốn là “tiền bạc”- có tiền sẽ làm được nhiều việc.

Như vậy, tiền bạc đứng thứ tư, nhưng hiện nay nhiều người lại đặt tiền bạc lên vị trí số 1, dẫn tới mọi người thành công về tiền bạc mà không thành công về những thứ khác. “Càng nghĩ về tiền bạc thì càng lãng quên tình yêu, sức khỏe”, ông Lộc nói.

Ông Lộc chia sẻ, theo quy luật nhân - quả, khi “gieo” hạt táo sẽ nhận lại cây táo có cả quả, hạt giống để tạo cây táo khác. Như vậy việc “gieo” cái gì rất quan trọng. Không thể gieo táo mà lại thu hoạch bưởi. Muốn có bưởi, phải gieo hạt bưởi. Nhưng, việc “gieo” cái gì cũng chưa phải là tất cả. Để hạt có thể nảy mầm, cần “gieo” đúng nơi, đúng chỗ. Nếu không, kết cục sẽ rất thê thảm.

Ông Lộc kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Chuyện rằng, có cậu bé lúc nhỏ đi học bố mất sớm, mẹ mù, bị các bạn chê bai. Nỗi đau trong cậu cứ lớn lên, giày vò cậu vì “mẹ không bình thường”. Bà mẹ mù tần tảo nuôi con vào đại học, lấy vợ cho con ở thành phố. Một lần mẹ lên thăm, đứa cháu nội khóc thét lên, có lẽ nó sợ khi thấy gương mặt của bà. Người con trai sau đó giúi cho mẹ ít tiền rồi nói: “Bà ở chơi một, hai ngày rồi về quê trông nhà, trông cửa”. Cầm những đồng tiền con đưa, người mẹ nghẹn ngào đáp: “Ừ, mai mẹ sẽ về!”.

Hôm sau, người mẹ từ biệt con trai. Từ đó, người con trai đều đặn gửi tiền cho mẹ ở quê. Tới khi nhận được tin báo mẹ mất, người con trai vội trở về. Đến nơi, hàng xóm đưa lại cho anh cái phong bì lớn. Lúc mở ra, tất cả tiền anh gửi cho mẹ không thiếu xu nào. Trong phong bì còn có tờ giấy với nét chữ run run: “Mẹ rất yêu con!”. Người con trai chỉ mếu máo gọi được hai tiếng “Mẹ ơi!”, rồi òa khóc nức nở.

Ông Đinh Văn Lộc tâm sự, bố mẹ không bao giờ tính toán với con cái, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, lo lắng từng bữa cơm, làm “ô sin” khi con cái lấy vợ, lấy chồng…Thế nhưng khi thành công, nhiều người con, đôi khi bận mải với công việc hoặc ham hố các lạc thú ở đời mà quên mất bố mẹ. Khi nhận ra điều quý giá nhất trong cuộc sống, đó là tình yêu thương với người thân thích, ruột thịt thì tất cả đã muộn. Do vậy, cần sửa sai lầm ngay khi bố mẹ còn sống. Khoảnh khắc tuyệt vời là khi bạn học cách “gieo” cho chính những người bạn yêu quý.

Thứ hai, “gieo”cho người già, trẻ em. Ai có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn hãy giúp họ. Nhưng làm từ thiện phải bằng con tim, chứ đừng chỉ nhăm nhăm tô vẽ hình ảnh bản thân. Thứ ba là “gieo” vào quê hương. Quê hương là nơi ta sinh trưởng, là cội nguồn của mỗi con người, vì vậy, hãy tri ân nơi “chôn rau cắt rốn”. Tuy nhiên, cũng đừng chờ tới lúc “huy hoàng” rồi mới “gieo”, mà trong điều kiện của mình, nên “gieo” ngay từ bây giờ.

“Muốn làm được điều đó, điều quan trọng là đừng để tiền bạc chiếm vị trí số 1 trong cuộc đời mình. Hãy sắp xếp lại theo thứ tự: Bình an - Tình yêu thương - Sức khỏe - Tiền bạc”, vị doanh nhân nói.

Gieo cái gì thì gặt cái đó

ngay-tet-gap-hai-doanh-nhan-noi-tieng-di-ung-voi-tien

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh nhân vật cung cấp).

Một doanh nhân khác là TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thái Hà Books. Ông Hùng là triệu phú đô la khi chưa đầy 30 tuổi. Đề cập đến chuyện tiền bạc, ông Hùng bảo mình rất thích câu nói “muốn biết đạo đức và lòng tốt của một người, hãy trao tiền và quyền lực cho anh ta”. Theo ông Hùng, khi có tiền và có quyền, thường cũng là lúc rất nhiều cái xấu ập đến.

Chẳng hạn, người ta sẽ kiêu căng, tự phụ hơn, ăn chơi, học đòi, quan cách hơn. Lẽ ra khi kiếm được tiền, ta phải là chủ nhân của nó, bắt nó phải phục vụ ta và xã hội, nhưng nhiều người đã làm điều ngược lại, tự biến mình thành nô lệ của tiền, để đồng tiền sai khiến. Đó là một sai lầm lớn.

Doanh nhân Hùng chia sẻ, ông may mắn được tập thiền, được giác ngộ bởi các giáo lý nhà Phật. Trước khi tập thiền, Nguyễn Mạnh Hùng là một doanh nhân chỉ biết mải miết kiếm tiền. Sau khi hành thiền, Nguyễn Mạnh Hùng vẫn kiếm tiền, nhưng tiền trong mắt ông chỉ còn là phương tiện để phục vụ cho mình và cộng đồng.

“Khi bạn đã thành công, có nhiều tiền, nhiều người sẽ khuyên bạn tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu, vào vàng, vào bất động sản. Họ không sai, nhưng tất cả đều là vật chất ngoài thân, là thứ bạn không kiểm soát được và khi chết không mang theo được”, ông Hùng nói.

Câu nói của ông Hùng làm chúng tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ mà một vị giảng sư đã đọc trong buổi thuyết pháp: “Đại gia bất động sản/ Chết nằm dưới cỏ xanh/ Mới hay mình của đất/ Đất không phải của mình”.

Khi vị giảng sư đọc bài thơ này, nhiều người đã cười, có lẽ vì sự hóm hỉnh của người đọc và cả ý tứ trong bài thơ. Nhưng rồi họ im lặng. Họ chợt nhận ra, dù có là vua quan hay thường dân, dù nghèo hay giàu thì cuối cùng, tất cả chúng ta sẽ vẫn về với đất. Lúc đó, thứ còn lại lớn nhất, thứ chứng tỏ ta đã có mặt trên cuộc đời này, đó là tình yêu thương. Nhờ yêu thương mà con cháu chúng ta ra đời và tiếp nối hành trình sống của chúng ta.

Nhờ yêu thương mà ta sống mãi trong tâm trí những người ở lại. Nhờ yêu thương mà khi ai đó đến đưa tiễn ta, trên gương mặt họ là những giọt nước mắt xót thương chứ không phải là nét buồn buồn thành kính mang tính chất “đối ngoại”. Không có yêu thương, gia sản chất bằng núi cũng vô nghĩa, sổ đỏ, sổ xanh xếp đầy tủ cũng bằng không, bởi nơi ta nằm cũng vỏn vẹn không quá 4 mét vuông. Không có yêu thương thì ngay cả tiếng khóc trong đám tang, cũng chỉ là đi thuê, đi mượn mà thôi.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hùng bộc bạch, đối với ông, đạo Phật dạy con người ta làm người tốt nhanh nhất, dễ ứng dụng nhất. Gieo cái gì thì gặt cái đó. Gieo tươi cười thì gặt hạnh phúc, gieo lừa đảo thì gặt thất bại. Nguyên nhân khổ đau của con người chỉ gói gọn trong 3 chữ “tham, sân, si”.

Với doanh nhân, rất dễ có lòng tham vô độ và như vậy đau khổ cũng tột cùng. Đương nhiên, doanh nhân thì phải kiếm tiền, phải lo làm giàu, nhưng cũng cần biết hài lòng với những gì mình có. Đặc biệt, đừng chỉ lo kiếm tiền, đầu tư hết dự án này, lĩnh vực kia mà quên đi việc đầu tư vào trí tuệ và yêu thương. Đây mới là “dự án” đáng đầu tư nhất, suốt cả cuộc đời.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng bảo, ông hành thiền mỗi ngày. Thiền sẽ giúp tâm tĩnh lặng, thanh thản, an lạc. Khi đạt đến sự an lạc, mỗi ngày “chỉ cần một cốc nước lọc cũng làm mình thấy hạnh phúc”.

Tâm nguyện của ông Hùng là mong mỗi gia đình Việt Nam có một tủ sách. Khi sách là người bạn thân thiết thì trí tuệ được khai sáng, đó mới thực sự là khối tài sản lớn, có ý nghĩa hơn nhiều so với nhà cửa, xe cộ, tiền bạc.

“Hãy giàu có chứ đừng giàu sang. Giàu có, tức là giàu và có được sự an lạc, hạnh phúc, chứ không phải cả đời kiếm tiền vất vả, cực nhọc làm giàu rồi khi chết đi toàn bộ gia sản lại sang tên cho người khác”.

(Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thái Hà Books)

“Con cái nhiều khi bận mải với công việc, thú vui mà quên mất bố mẹ. Khi nhận ra điều quý giá nhất trong cuộc sống, đó là tình yêu thương với cha mẹ, người thân thì tất cả đã muộn. Do vậy, cần sửa sai lầm ngay khi bố mẹ còn sống. Khoảnh khắc tuyệt vời là khi bạn học cách “gieo” cho chính những người bạn yêu quý”.

(Ông Đinh Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Onnet)

Theo GiaDinh


 
 
ngay-tet-gap-hai-doanh-nhan-noi-tieng-di-ung-voi-tien