‘Ngậm trái đắng’ vì tin dùng các sản phẩm chống Covid-19 bán trên mạng

Hiện nay ở nhiều cửa hàng Nhật tại Việt Nam đang rao bán chiếc bút được quảng cáo là có tác dụng sát khuẩn không khí, chống Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lo lắng đến mức hoảng loạn và tin vào mọi thứ được cho là có thể phòng bệnh, sát khuẩn, diệt virus.

Một trong những sản phẩm đang được các shop bán hàng Nhật tại Việt Nam rao bán rầm rộ với các quảng cáo trên mây là có tác dụng sát khuẩn không khí là bút chống virus, vi khuẩn. Những chiếc bút kháng khuẩn này không chỉ bán tràn lan trên chợ mạng mà còn được bán công khai tại một số website thương mại điện tử.

ngam-trai-dang-vi-tin-dung-cac-san-pham-chong-covid-19-ban-tren-mang

 Bút được quảng cáo là có thể kháng khuẩn chống được Covid-19 được bán trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook

Theo quảng cáo của người bán chiếc bút kháng khuẩn này khi đeo nó tự vô khuẩn từ đầu đến chân, nó là cái khiên bảo vệ trùm quanh người nên sẽ an toàn hơn cho cả người lớn và trẻ em trong giai đoạn dịch đỉnh điểm. Tin vào lời quảng cáo này mà không ít người đã đặt mua cho cả gia đình sử dụng với mong muốn bảo vệ sức khỏe trong mùa Covid-19.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù được quảng cáo là có tác dụng diệt khuẩn từ đầu đến chân nhưng theo các chuyên gia những chiếc bút chống virus này chưa có bằng chứng xác thực về khoa học, chất lượng, cũng như công dụng của sản phẩm.

Thông tin thêm, GS Okubo, Đại học Tokyo HealthCare University và cũng là Viện trưởng một bệnh viện ở Nagoya cho biết trên Tạp chí Y học Nhật Bản, không thể chứng minh hiệu quả khử trùng cũng như tính an toàn của sản phẩm khi sử dụng trên người. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi mua các sản phẩm như thẻ hay bút chống virus. Bởi nó không có đủ bằng chứng xác thực về khoa học, chất lượng, an toàn cũng như công dụng và hầu hết là sản phẩm nhập lậu.

Liên quan đến các sản phẩm chống Covid-19, trước đó trên mạng xã hội cũng rầm rộ lên thông tin ngoài việc dùng khẩu trang thì nên có thêm biện pháp khác nữa đó là sử dụng miếng dán, thẻ chống sự xâm nhập của virus cũng khiến nhiều người tin tưởng mua dùng. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường liên quan tới các sản phẩm này, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội, phát hiện đối tượng chào bán gần 300 sản phẩm "thẻ đeo diệt Cvid-19”, do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp (nhập lậu), không có kiểm định chất lượng tại khu vực cổng Chợ thuốc Hapulico, địa chỉ số 85, Vũ Trọng Phụng, quận Thanh xuân, Hà Nội.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, phòng chống Covid-19 bằng cách sử dụng các sản phẩm “cư dân mạng” quảng cáo và bán là rất mơ hồ. Người dân cần cảnh giác với các đối tượng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để buôn bán, kinh doanh bất hợp pháp, trục lợi. Khi tiêu dùng sản phẩm, nhất là các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch, liên quan đến an toàn về sức khỏe, cần phải thông thái, kẻo "tiền mất, tật mang".

Tình hình dịch Covid-19 

Theo số liệu thống kê mới nhất, đã có 2.705 ca tử vong và 80.277 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Trung Quốc đại lục, trong ngày 24/2 có thêm 508 ca nhiễm mới và 71 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Trung Quốc đại lục trong vòng 2 tuần qua. Tính đến sáng 25/2, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 2.663 ca tử vong vì COVID-19 và tổng số ca nhiễm là 77.658 người.

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do dịch COVID-19 khi ghi nhận tổng cộng 11 ca tử vong và 977 ca nhiễm. Riêng trong ngày 25/2 đã có thêm 3 ca tử vong và 144 ca nhiễm mới.

Tại Nhật Bản, ca thứ 4 tử vong do COVID-19 là một cụ ông 80 tuổi sau khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng trên du thuyền Diamond Princess được cách ly ở ngoài khơi nước này và được chuyển đến bệnh viện. Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 850 trường hợp nhiễm, chủ yếu là hành khách trên du thuyền Diamond Princess.

Trong khi đó, Iran là nước có số người tử vong do COVID-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Trong ngày 25/2, Iran thông báo thêm 4 ca tử vong và 34 ca nhiễm mới do căn bệnh chết người này. Như vậy, tổng số ca tử vong tại Iran đã tăng lên 16 người và 95 người nhiễm.

Tại nước láng giềng Bahrain, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo có thêm 9 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia vùng Vịnh này lên 17 người.

Cùng ngày, Bộ Y tế Iraq xác nhận thêm 4 ca nhiễm mới virus SAR-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5 trường hợp. Kuwait thông báo thêm 3 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8 người.

Tại châu Âu, ổ dịch lớn nhất là Italy với 283 trường hợp nhiễm và 7 ca tử vong tính đến ngày 25/2. Đáng chú ý, Croatia đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh ở nước này. Bộ trưởng Y tế Croatia Vili Beros cho biết người này đã lưu trú ở thành phố Milan của Italy từ ngày 19-21/2.

Theo VietQ