Nếu bị trầm cảm, nam sinh tát cô giáo trong lớp học liệu có nhận được sự cảm thông của dư luận?

Hình ảnh một nam sinh hùng hổ từ bàn cuối cùng đi thẳng lên phía bục giảng rồi vung tay tát mạnh vào mặt cô giáo khiến dư luận bất bình…

Những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh một nam sinh thẳng tay tát vào người được cho là cô giáo giữa lớp học. Cụ thể, đoạn clip ghi lại hình ảnh nam sinh ngồi cuối lớp căng thẳng hô lớn "cô phải trả lại đê", kèm theo đó là những lời chửi tục. Sau đó, nam thanh niên đứng dậy bước lên bục giảng lấy vật dụng (được cho là tai nghe điện thoại) và quay sang tát cô giáo rồi mới trở về chỗ ngồi.

Được biết, thời điểm xảy ra sự việc là vào tháng 5/2020 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình. Khi đó, giáo viên thu tai nghe của học sinh lớp 8, nam sinh này đã không bình tĩnh, đi lên đòi lại và tát cô giáo. Sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức họp Hội đồng kỉ luật để giải quyết vụ việc, có sự tham dự của phụ huynh học sinh. Tại cuộc họp, mẹ học sinh Đ.N.N.K thay mặt gia đình và học sinh, gửi lời xin lỗi đến cô giáo, xin lỗi Trung tâm và cho biết về tình trạng sức khỏe của cháu K có biểu hiện về tâm lý như: Trầm cảm, hay mất ngủ, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động, rất sợ mất đồ của mình. Cô giáo chủ nhiệm cũng có nhận xét hàng ngày trong lớp học học sinh K ít nói, ít giao tiếp với các bạn, có biểu hiện mệt mỏi, thiếu ngủ.

Sau khi xem xét ý kiến của các bên liên quan, Hội đồng đã biểu quyết hình thức kỉ luật, buộc thôi học đối với học sinh K từ ngày 26/5/2020 đến hết năm học 2019- 2020. Vừa qua, phụ huynh học sinh K đã có đơn trình bày nguyện vọng xin cho con được quay trở lại. Xét hoàn cảnh và chia sẻ khó khăn với gia đình học sinh, để tạo điều kiện cho học sinh K có cơ hội được tiếp tục học tập và rèn luyện, Ban Giám đốc Trung tâm đã chấp thuận nguyện vọng của gia đình. Hiện tại, học sinh K đang tiếp tục được học tập tại Trung tâm.

neu-bi-tram-cam-nam-sinh-tat-co-giao-trong-lop-hoc-lieu-co-nhan-duoc-su-cam-thong-cua-du-luan

Nam sinh tát giáo viên có biểu hiện căng thẳng, trầm cảm ở thời điểm xảy ra sự việc. Ảnh cắt từ clip

Bình luận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, đây là sự việc nghiêm trọng, hành vi của cậu học sinh là không thể chấp nhận được trong môi trường học đường. Pháp luật ghi nhận tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân trái pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp cháu bé bị tự kỉ, tăng động, trầm cảm hoặc mắc các bệnh làm rối loạn cảm xúc, hạn chế khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Khi đó, nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp trong quản lý giáo dục cháu bé, hạn chế đến mức thấp nhất cháu bé thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của cô giáo và các bạn học sinh khác.

Còn trường hợp cháu bé hoàn toàn bình thường thì cần phải có hình thức giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật nhưng phải hướng đến mục đích giáo dục. Theo đó, dù kỷ luật hay đến mức xử lý hình sự thì mục đích cuối cùng vẫn là để cải tạo giáo dục cháu bé trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

"Việc xem xét xử lý như thế nào thì phải căn cứ vào hành vi cụ thể, nguyên nhân, động cơ sự việc, đặc điểm nhân thân và độ tuổi của cháu bé để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Dù sao thì cháu bé cũng là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), lại đang trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách. Trường hợp cháu bé có những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội thì trong đó có trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Bởi vậy, xử lý đến đâu thì phụ thuộc vào mức độ nhận thức, nhân thân của cháu bé và hậu quả xảy ra đối với xã hội", luật sư Cường nói.

neu-bi-tram-cam-nam-sinh-tat-co-giao-trong-lop-hoc-lieu-co-nhan-duoc-su-cam-thong-cua-du-luan

Luật sư Cường cho rằng, dù kỷ luật bằng hình thức nào thì mục đích cuối cùng vẫn là để giáo dục cháu bé trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

Cũng theo luật sư Cường, đối với người đã phát tán clip này lên mạng xã hội, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ động cơ, mục đích để làm gì. Trường hợp nhằm mục đích tố cáo, vạch trần sai phạm, làm chứng cứ để xử lý với người vi phạm thì có thể được khuyến khích, biểu dương. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật thì mọi công dân đều có quyền tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với người khác và trên không gian mạng. Tuy nhiên, việc bày tỏ thái độ, cảm xúc, tình cảm, quan điểm phải phù hợp với quy định của pháp luật. Không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do cá nhân để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân, của nhà nước.

Hành vi đưa thông tin, hình ảnh người khác lên mạng xã hội nếu không có sự đồng ý thì có thể bị xử phạt hành chính. Trường hợp đưa thông tin hình ảnh của người khác nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả xảy ra. Trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ động cơ mục đích của người đăng tải clip này là gì, nếu có động cơ cá nhân xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân thì sẽ bị xem xét xử lý theo quy định, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

"Đây là một vụ việc rất đáng buồn trong ngành giáo dục bởi những chuyện này không mới nhưng vẫn liên tục diễn ra và ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này cho thấy đạo đức xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con cái vẫn còn nhiều thiếu sót. Đặc biệt đối với những học sinh cá biệt thì chưa có giải pháp giáo dục phù hợp dẫn đến những vụ việc phạm giáo dục, làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội.

Bên cạnh đó, một số giáo viên cũng chưa có ứng xử phù hợp, thiếu và yếu kỹ năng sư phạm cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra. Bởi vậy trong từng vụ việc cụ thể thì cần phải làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ năng lực, cảm xúc, kỹ năng, mức độ nhận thức của cả hai bên để tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp tích cực", luật sư Cường chia sẻ.

Theo GiaDinh