Nắng nóng, không muốn con đi viện, bố mẹ phải nhớ điều này

Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai khám ngoại trú cho khoảng 200 bệnh nhi, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa và rải rác một vài ca sốt xuất huyết.

Đổ bệnh vì thời tiết thay đổi thất thường

Trong những ngày gần đây, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến gần 40 độ C, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Theo đó, lượng người bị ốm, phải vào viện cũng có xu hướng gia tăng.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời điểm sáng 3/6, nhiều ông bố, bà mẹ và người thân dắt díu đưa con đi khám, chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp, bệnh đường tiêu hóa và dị ứng, mẩn ngứa.

nang-nong-khong-muon-con-di-vien-bo-me-phai-nho-dieu-nay

Nhiều trẻ được bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 3/6. Ảnh: N.Mai

Ngồi chờ khám cho cháu trai hơn 4 tháng tuổi tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện, chị Mùi (ở Thường Tín, Hà Nội) cho biết, vài ngày trở lại đây, cháu chị bị nổi mẩn đỏ khắp mặt, cổ, nặng nhất là hai bên má. Những nốt sần đỏ khiến bé ngứa ngáy khó chịu và quấy khóc. Mẹ bé đã mua thuốc bôi ở nhà nhưng không thấy đỡ.

Hôm qua (2/6), anh trai của bé bị đau bụng, đi ngoài nhiều không dứt nên sáng nay, mẹ cháu cho cả hai con đi viện khám và nhờ chị Mùi đi hỗ trợ. "Sáng nhà tôi phải dậy từ lúc 5 giờ để đi cho đỡ nắng. Thời tiết oi bức, đến người lớn như tôi còn đang thấy mệt chứ đừng nói là bọn trẻ con vài tháng tuổi", chị Mùi nói.

Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vừa lau chỗ cháo con nôn ra ở hành lang bệnh viện, chị Hằng (ở Bắc Ninh) cho biết, vài ngày trước vì nóng quá, vợ chồng chị có cho con (5 tuổi) đến bể bơi gần nhà để tắm trong khoảng hơn 1 tiếng. Đến đêm hôm ấy, bé bị sốt, ho, uống thuốc không đỡ và liên tục bị nôn sau khi ăn, người tóp đi trông thấy. Hôm nay chị Hằng quyết định bắt taxi cho con đi khám.

nang-nong-khong-muon-con-di-vien-bo-me-phai-nho-dieu-nay

Nhiều người cao tuổi cũng đổ bệnh trong thời điểm nắng nóng gay gắt. Ảnh: N.Mai

Tại Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận của PV cho thấy, số người đến khám rải rác ở nhiều lứa tuổi, từ người già đến trẻ nhỏ. Cầm chiếc quạt giấy ngồi ở hàng ghế chờ, chị Nguyễn Thị Thuyết (38 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, chị đang đợi các bác sĩ khám cho mẹ chồng. Mẹ chị có tiền sử bị tiền đình, cao huyết áp. 

Vài ngày gần đây, bà bị ho nhiều kèm khó thở nên gia đình đưa bà đi khám. "Nắng nôi cũng ngại đến bệnh viện, nhất là dịch chưa hết nhưng để bà ở nhà thì lo nên cứ đi khám cho yên tâm", chị Thuyết nói.

Tình trạng số người cao tuổi phải nhập viện nhiều hơn vì tái phát bệnh trong thời điểm nắng nóng cũng diễn ra tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Tại đây, các cụ và người nhà được các nhân viên y tế bệnh viện đo thân nhiệt cẩn thận trước khi vào viện.

Cẩn trọng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Theo các chuyên gia y tế, thời điểm này, các bệnh lý về đường hô hấp như: Cảm cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phổi… là những bệnh dễ hay gặp phải, đe dọa sức khỏe của nhiều người, nhất là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai…

Riêng về trẻ nhỏ, theo ThS.BS Phạm Văn Hưng - Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), vào mùa hè, do sự thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh như từ phòng điều hòa sang phòng thường; đang nắng lại mưa giông hoặc trẻ em chơi ngoài trời nắng nhiều sẽ dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm tai mũi họng hoặc nặng hơn sẽ là viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

nang-nong-khong-muon-con-di-vien-bo-me-phai-nho-dieu-nay

Thời điểm nắng nóng gay gắt, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, dị ứng, mẩn ngứa và một số bệnh truyền nhiễm. Ảnh: N.Mai

Bên cạnh đó, trong thời tiết nắng nóng, việc bảo quản thức ăn không tốt cũng có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa hoặc bị ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, một số bệnh truyền nhiễm khác như bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết cũng rất hay gặp ở trẻ em trong giai đoạn này.

Hiện tại, trung bình một ngày Khoa Nhi – BV Bạch Mai khám ngoại trú cho khoảng 200 bệnh nhi, chỉ trường hợp nặng mới cho nhập viện (khoảng từ 10 đến 15 bé). Các bệnh lý chủ yếu là về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa và rải rác một vài ca sốt xuất huyết.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết, thời điểm hiện tại, dù lượng bệnh nhi đến khám và điều trị không tăng vọt như mọi năm (có thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều bố mẹ ngại cho con đến viện) nhưng số bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến hô hấp và bệnh truyền nhiễm cũng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, một vài trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản cũng được ghi nhận tại viện.

Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyên rằng, bố mẹ nên tránh để trẻ tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi cho trẻ trong phòng điều hòa, nên để nhiệt độ từ 26 đến 28 độ C, không nên để quá thấp. 

Không để trẻ từ phòng điều hòa đi ra ngoài luôn vì chênh lệch nhiệt độ có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Bố mẹ nên tắt điều hòa trước đó từ 5-10 phút hoặc mở hé cửa cho không khí từ bên ngoài vào phòng để tránh sự thay đổi nhiệt độ.

Cùng với đó, giữ gìn vệ sinh cho trẻ thật sạch, dạy trẻ rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang phòng bệnh đồng thời đảm bảo an toàn trong chế biến thức ăn cho trẻ, tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

nang-nong-khong-muon-con-di-vien-bo-me-phai-nho-dieu-nay

Người bệnh và người nhà bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.Mai

Với người lớn, đặc biệt là những người thường xuyên làm việc dưới môi trường nắng nóng với chỉ số tia UV cao, nắng nóng gay gắt có thể gây ra một số bệnh về da như: Sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể. Một số bệnh mãn tính ở người cao tuổi như: Tăng huyết áp, tim mạch… cũng dễ tái phát trong thời điểm nắng nóng này.

Vì vậy, người lớn nên hạn chế ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng và chú ý không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể...

Theo GiaDinh