Mỹ phẩm giả đội lốt cao cấp: Người tiêu dùng lãnh đủ

Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 15 - Chi cục QLTT Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng (km số 9 quốc lộ 1A, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tại đây, lực lượng liên ngành phát hiện lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, số lượng khoảng 3,5 tấn. Mặc dù nhãn mác ghi nguồn gốc châu Âu, nhưng thực chất số mỹ phẩm trên do Trung Quốc sản xuất.

Ruột Trung Quốc – vỏ châu Âu

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở khai nhận số mỹ phẩm trên là của mình. Tuy nhiên, lại không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Chủ lô hàng thừa nhận, trong đó có những sản phẩm bán với giá cả triệu đồng đang được sử dụng tại các salon cao cấp, điều đáng nói chỉ khi kho hàng được kiểm tra kỹ lưỡng, sự thật về lô hàng mới được phơi bày, số hàng này bị nghi ngờ là hàng nhập lậu từ Italy, Nhật Bản và Hàn Quốc do sản phẩm có hình thức bề ngoài rất giống với hàng thật. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ kho hàng, lực lượng chức năng đã phát hiện đơn đặt hàng của các cửa hàng, trung tâm chăm sóc thẩm mỹ tại nhiều địa phương và một lượng lớn tem nhãn, giống như tem nhãn trên sản phẩm được sản xuất hàng loạt để trong những thùng các - tông có chỉ dẫn chữ Trung Quốc, được làm giả tinh vi như thật mà mắt thường khó có thể phân biệt được.

Theo khai nhận của chủ kho hàng, chủ nhân thật của số hàng trên là một người có tên là A Vương sống tại Trung Quốc. Cũng theo khai nhận của chủ kho hàng, nhiều đại lý mỹ phẩm và các salon tóc lớn tại nhiều tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, TP.HCM đã lấy hàng từ đây và giá bán bằng với giá hàng thật. Theo điều tra bước đầu, đường dây này đã xây dựng được hệ thống phân phối dày đặc tại nhiều tỉnh, thành để tuồn hàng giả vào.

Mỹ phẩm giả đội lốt cao cấp: Người tiêu dùng lãnh đủ

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng giả đội lốt mỹ phẩm cao cấp.

Theo ông Nguyễn Hoài Anh, Đội phó Đội QLTT số 15 - Chi Cục QLTT Hà Nội cho biết: nhiều người tiêu dùng cứ cho rằng phải mua hàng giá đắt mới là hàng thật, còn hàng giả thường rẻ tiền. Tuy vậy, việc cơ sở này bán với giá ngang bằng với hàng thật sẽ làm cho người tiêu dùng tin tưởng, chính vì vậy đó là miếng mồi béo bở để cho các cơ sở làm ăn gian lận có đất sống. Nhưng chất lượng thực sự thì không ai dám đảm bảo, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Trước đó, tại nhiều địa phương trong cả nước, các lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ mỹ phẩm giả đội lốt mỹ phẩm thật. Tháng 7/2015, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã khám xét kho hàng của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang, đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 thu giữ  trên 5 tấn mỹ phẩm có các nhãn hiệu Sasaki, Hikato, Puroz... Các nhãn hiệu này được Công ty mỹ phẩm Huyền Trang đăng ký nhưng không sản xuất mà nhập hàng từ Trung Quốc về dán nhãn mác xuất xứ Nhật, Hàn Quốc, Pháp... tung ra thị trường tiêu thụ với giá hàng trăm ngàn đến hàng triệu đồng/sản phẩm.

Tại Quảng Ninh, cuối tháng 12/2015, Công an Quảng Ninh cũng đã phát hiện, thu giữ hơn 5 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại chợ vùng biên Móng Cái, tại các kiốt do 2 người Trung Quốc quản lý. Các đối tượng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng cũng thu giữ số lượng nhãn mác mỹ phẩm nước ngoài có xuất xứ từ Ý, Nhật, Hàn Quốc...

Không tỉnh táo, người tiêu dùng thành nạn nhân

Vì lợi nhuận mà các cơ sở làm ăn “chộp giật” lợi dụng sự “nhập nhèm” hàng giả, hàng thật lẫn lộn nên không ít người tiêu dùng đã “lãnh đủ” hậu quả do làm đẹp bằng mỹ phẩm rởm. Nhiều trường hợp đã phải đến BV da liễu trong tình trạng da bị kích ứng, thâm nám, bị mụn... do dùng mỹ phẩm kém chất lượng hoặc không phù hợp...

Nguyên nhân của tình trạng này là do người tiêu dùng chủ yếu quan tâm đến nhãn hiệu, mùi thơm mà chưa có thói quen, kiến thức để kiểm tra chất lượng. Người tiêu dùng không hay biết nhà sản xuất đã “bỏ” thành phần gì vào mỹ phẩm, tác hại ra sao và họ phải gánh hậu quả về sức khỏe, kinh tế. Trong khi các lực lượng chức năng và cơ quan QLTT với lực lượng mỏng không thể kiểm soát hết được tình hình, nên tình trạng mỹ phẩm giả vẫn hoành hành trong thời gian qua.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cả nước đã phát hiện, xử lý 186.989 vụ việc vi phạm về thương mại, hàng cấm; khởi tố 1.281 đối tượng vi phạm, truy thu thuế ước đạt hơn 11.500 tỷ đồng. Bên cạnh việc tăng cường phối hợp kiểm tra của các lực lượng thì các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm chân chính và người dân, người tiêu dùng cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng mạnh dạn tố cáo khi phát hiện cơ sở sản xuất hàng giả để cơ quan chức năng xử lý, bởi mỹ phẩm là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo người tiêu dùng.

Theo BS. Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc BV Da liễu Hà Nội thì người tiêu dùng đừng quá tin tưởng vào nhãn mác trên sản phẩm, cũng như thương hiệu của các hiệu mỹ phẩm nổi tiếng đắt tiền được bày bán trên thị trường. Bởi vì, một sản phẩm nổi tiếng chỉ sau 1 đến 2 tuần là sẽ bị làm giả, làm nhái ngay. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người tiêu dùng khi sử dụng mỹ phẩm cần được sự tư vấn của bác sĩ trước khi lựa chọn sản phẩm, cũng như tìm mua các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, đừng vì “sính” ngoại quá kẻo tiền mất tật mang.

Theo Trần Lâm (SKĐS)