Muốn khỏe mạnh, bạn cần phải thải độc đúng cách

Cơ thể bị nhiễm độc là nguyên nhân gây đau ốm, bệnh tật, tổn hại lớn cho sức khỏe. Chuyên gia y tế hướng dẫn thải độc đúng cách giúp bạn vực lại sức khỏe.

Muốn khỏe mạnh, bạn cần phải thải độc đúng cách

Uống nhiều nước, ăn hoa quả, rau củ cũng là một cách giúp cơ thể thải độc. Ảnh minh họa

Những dấu hiệu báo cơ thể nhiễm độc

Theo lương y Anh Đào, nguyên bác sĩ Đông y Viện Y học cổ truyền quân đội, thời tiết, không khí, gió, bụi, rác, các vật thể kim loại nặng, môi trường, thực phẩm thiếu an toàn… là những yếu tố gây nhiễm độc cho cơ thể, thông qua hít thở, tiếp xúc, ăn uống hàng ngày. Chất độc đi vào cơ thể làm tổn hại nội tạng, ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất, bài tiết và các hoạt động liên hoàn của cơ thể.

Độc tố làm nhiều người sợ nhất là nặng mùi, do bài tiết thải độc qua tuyến mồ hôi sẽ phát mùi hôi khó chịu. Người có mùi càng nặng là độc tố tích tụ càng nhiều.

Phụ nữ sợ nhất những độc tố tích tụ trong cơ thể khiến họ xấu nhanh, già nhanh, sinh mụn nhọt, tàn nhang, khô da, da mất tính đàn hồi… Nếu hay nhịn tiểu, đi ngoài thì độc tố còn thấm ngược, làm máu nhiễm bẩn, tạo gánh nặng thải độc thêm cho gan, dẫn đến các bệnh da (da khô, sần sùi, nổi mụn, nám, da quanh mắt sưng húp...), gia tăng tốc độ lão hóa của tế bào.

Độc tố làm nhiều người sợ nữa là do hấp thụ quá nhiều chất béo và đường trong thức ăn kém bổ dưỡng, gây thương tổn cho tế bào não, dẫn đến bệnh trầm uất, lú lẫn, kém linh hoạt, tư duy chậm chạp. Nếu béo phì là do ăn nhiều, đào thải quá ít, chất thừa tích tụ lại vai, cánh tay, đùi, bụng dưới và người càng béo độc tố tích tụ càng nhiều.

Cơ thể nhiễm độc còn gây khó ngủ, do các cơ quan nội tạng hoạt động không tốt, dẫn đến rối loạn nội tiết tố. Càng mất ngủ nặng là độc tố tồn đọng càng nhiều.

Các dấu hiệu nhiễm độc trong cơ thể khác là:

- Nóng bừng (nóng trong người) lâu ngày, gây môi khô nứt nẻ, khô miệng và hay khát, tiểu tiện ít, nước tiểu vàng…

- Cơ thể mệt mỏi, uể oải liên tục dù ngủ đủ, ăn đúng bữa-do quá trình thải độc không thông, khiến rối loạn chuyển hóa đường, nhức mỏi cơ xương, cơ thể ì ạch, thiếu sức sống.

Nếu độc tố tích ở gan dấu hiệu là hay bị đau nửa đầu, đau bụng, chuột rút. Độc tố tích ở hệ thống tiêu hóa sẽ gây ra hơi thở hôi, hay táo bón, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Độc tố tích ở thận gây kinh nguyệt rối loạn, giọng khàn đặc, người hay mệt mỏi. Độc tố tích ở tim sẽ gây mất ngủ thường xuyên, tim đập nhanh, tức ngực.

Tích độc ở phổi làm công năng phổi suy yếu, da sạm, táo bón. Chất độc tồn lưu trong hệ hô hấp sẽ dễ bị cảm lạnh, ho, nhạy cảm đường hô hấp, hen suyễn. Độc chất tích tụ trong xương gây các chứng đau lưng, cột sống, đau các khớp. Độc chất tồn lưu trong não sẽ gây mất ngủ, lo âu, trầm cảm, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh và các vấn đề khác.

Thải độc tố bằng cách nào?

Với da nám, nổi mụn

Da bị nhiễm độc từ bên trong nhiều hơn là biểu hiện bệnh ngoài da, gây sạm, nám, mặt nổi mụn – do độc tố ứ đọng trong cơ thể, tạng phủ mất cân đối, khí huyết bất hòa, âm dương ngũ hành mất cân bằng… phát ra ngoài. Da nổi mụn là do ăn quá nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ngọt, thức ăn cay nóng… khiến tì vị thấp nhiệt, uất nhiệt mà thành.

Thải độc cho da tốt nhất là bài tiết mồ hôi (kèm hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời). Hãy điều chỉnh chế độ sinh hoạt khoa học. Tránh hút thuốc, uống rượu và các chất kích thích. Hạn chế ăn cay nóng, chất béo (dầu mỡ), chất ngọt.

Rèn thói quen ăn uống tích cực như uống nhiều nước, ăn hoa quả, rau củ, bảo đảm đại tiện thông suốt.

Tình trạng khó đi ngoài

Khi đại tiện không thông, 3-4 ngày không đi ngoài (dân gian gọi là bị táo bón), mùi nước tiểu nặng, mùi cơ thể hôi nồng hơn, nhất là hơi thở - đó là dấu hiệu chất cặn bã trong cơ thể đang bị tái hấp thụ, làm rối loạn công năng hệ tiêu hóa, kéo theo chứng trướng bụng, chán ăn, miệng đắng… Đại tràng cũng cần giải độc để tránh phân lưu lâu trong ruột, giảm sự hấp thu ngược.

Thải độc tốt nhất là lập thói quen đi ngoài buổi sáng sau lúc ngủ dậy. Hãy điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và tích cực vận động.

Không nên dùng thuốc xổ, hay thuốc hóa lỏng phân bừa bãi vì dễ bị rối loạn công năng ruột.

Miệng hôi

Miệng hôi là do đầy bụng không tiêu, hoặc dấu hiệu bất thường của phổi, tỳ, vị. Hoặc do ăn nhiều đồ cay, rượu bia quá độ, hay viêm loét khoang miệng, sâu răng… khiến khoang miệng hôi.

Do đó cần ăn uống hạn chế cay, ăn gia vị nặng mùi, duy trì đại tiện thông suốt và rèn thói quen đánh răng sau khi ăn. Nếu hôi miệng không thuyên giảm cần đi khám để được điều trị đúng.

Thải độc phổi

Làn da sạm, hay trắng mịn phụ thuộc vào công năng của phổi. Có 2 cách tự thải độc cho phổi là tập các bài hít thở kèm ho chủ động và ăn mộc nhĩ đen.

Bài tập thải độc phổi, cần chọn nơi có không khí trong lành (hoặc sau cơn mưa), hàng ngày tới hít thở sâu, sau đó ho khan mạnh hết sức và liên tục ít phút để hỗ trợ phổi thải độc.

Cách 2 là bà nội trợ cho mộc nhĩ vào thực đơn hàng ngày giúp người thân loại bỏ ô nhiễm phổi, thanh lọc sạch phổi, huyết quản. Lưu ý là nấm bách hợp rất tốt để giúp phổi thải độc, nhưng không nên ăn quá nhiều và lâu dài.

Nên ăn củ cải giúp nhuận tràng, thải độc phổi hiệu quả (theo Đông y, đại tràng và phổi có quan hệ mật thiết, mức độ thải độc phổi phụ thuộc vào thông suốt của đại tràng).

Thời gian thải độc của cơ thể

Theo lương y Anh Đào, thời gian thải độc phù hợp của cơ thể được tính như sau:

- 23 giờ đêm trước đến 1 giờ sáng là thời điểm thải độc gan. Cần ngủ sớm để gan được nghỉ ngơi.

- 1-3 giờ sáng là thời điểm thải độc của mật - khi đang ngủ say.

- 3-5 giờ sáng phổi thải độc-gây ho nhiều, nhưng không nên uống thuốc ho vì sẽ ảnh hưởng đến thải độc.

- 5-7 giờ sáng đại tràng thải độc, nên đại tiện lúc này là tốt nhất.

- 7-9 giờ sáng ruột non hấp thu dưỡng chất-do đó không nên bỏ bữa sáng. Nên ăn sáng trước 6h30, người khỏe mạnh ăn trước 7h30.

- 12 giờ đêm trước tới 4 giờ sáng là thời điểm tụy tạo máu, cần ngủ sâu giấc, không nên thức đêm.

Theo GiaDinh