Mua trứng về tuyệt đối không làm điều này, đây là sai lầm nhiều bà nội trợ đang mắc phải

Việc rửa trứng trước khi luộc là cần thiết, nhưng rửa trứng trước khi bảo quản trong tủ lạnh lại làm một sai lầm đáng tiếc.​

Một thói quen thiếu khoa học của rất nhiều bà nội trợ là rửa trứng sạch sẽ trước khi bảo quản tủ lạnh. Họ cho rằng trong quá trình vận chuyển trứng dễ dính bụi bẩn, thậm chí dính cả phân… Tuy nhiên đây là một sai lầm nghiêm trọng và có thể cũng là nguyên nhân gây bệnh cho cả gia đình nếu làm việc này thường xuyên.

mua-trung-ve-tuyet-doi-khong-lam-dieu-nay-day-la-sai-lam-nhieu-ba-noi-tro-dang-mac-phai

Trên thực tế, bề mặt của trứng có rất nhiều lỗ thông khí, vi khuẩn có thể xâm nhập vào trứng qua các lỗ khí này. Theo các chuyên gia nông nghiệp, vỏ trứng được cấu tạo chủ yếu từ muối canxi (93,5%) có chức năng bảo vệ các thành phần bên trong của trứng. Trên bề mặt của vỏ trứng có các lỗ khí kích thước rất nhỏ, người ta đã đếm được 7.000 - 7.600 lỗ khí trên bề mặt vỏ trứng, độ dày vỏ khoảng 0,2 - 0,4 mm.

Sau đó đến hai lớp màng vỏ được cấu tạo từ sợi keratin đan chéo vào nhau. Một lớp dính sát vào vỏ còn lớp bên trong dính sát vào lớp lòng trắng ngoài. Độ dày của hai lớp màng này khoảng 0,057 - 0,069 mm, cả hai lớp đều có lỗ cho không khí đi vào bên trong giúp cho phôi hô hấp, phát triển.

Trong quá trình rửa trứng sẽ làm mất đi lớp màng bảo vệ bên ngoài vỏ trứng, các vi khuẩn như Salmonella, virus H1N1, nấm mốc, bụi trong không khí… đều có thể thẩm thấu vào bên trong trứng. Khi xâm nhập vào trong quả trứng, vi khuẩn có thể sử dụng chất dinh dưỡng có trong trứng để nhân lên.

Để bảo quản trứng an toàn, các chuyên gia khuyến cáo khi mua trứng về chỉ nên dùng khăn ướt lau qua một lượt cho hết bụi bẩn rồi bảo quản trong tủ lạnh, tránh vi khuẩn từ vỏ trứng lây lan sang các loại thức ăn khác.

Nguyên tắc bảo quản trứng trong tủ lạnh

Bảo quản trứng bằng tủ lạnh là cách được nhiều gia đình áp dụng nhất, nhưng không phải ai cũng làm đúng cách. Cần tránh 3 điều sau đây:

mua-trung-ve-tuyet-doi-khong-lam-dieu-nay-day-la-sai-lam-nhieu-ba-noi-tro-dang-mac-phai

- Không để trứng nằm ngang, vì lòng đỏ sẽ nổi lên trên, sát vào vỏ trứng và biến chất. Nên xếp trứng thẳng đứng, đầu to quay lên trên, đầu nhỏ xuống dưới, lòng đỏ có nổi lên cũng không bị sát vào vỏ, như vậy trứng sẽ tươi lâu hơn.

- Không để trứng ở cánh cửa tủ lạnh vì cánh cửa tủ là nơi nhiệt độ không ổn định do phải mở ra đóng vào nên đồ ăn sẽ nhanh hỏng. Cách bảo quản trứng tốt nhất là cho chúng vào hộp carton hoặc hộp nhựa có nắp đậy và cất trong ngăn mát.

- Không để lẫn với các thực phẩm khác, đặc biệt đối với những thực phẩm có mùi mạnh. Những mùi này có thể xâm nhập từ vỏ trứng mỏng để vào bên trong trứng. Điều này sẽ khiến trứng nhanh bị hỏng hơn sau một thời gian ngắn bảo quản.

Lưu ý: Trứng để lâu thường bị ung, hỏng, kể cả khi đã được bảo quản trong tủ lạnh. Vì vậy:

- Trứng ở nhiệt độ bình thường ở chợ truyền thống có thể bảo quản trực tiếp ở nơi thoáng mát trong khoảng 7-10 ngày.

- Trứng tươi bảo quản ở nhiệt độ mát được khoảng 1 tháng.

- Trứng được giữ lạnh trong siêu thị nên được bảo quản trực tiếp trong tủ lạnh ngay sau khi mua về và chú ý đến chỉ dẫn về hạn sử dụng ghi trên bao bì.

Mẹo phân biệt trứng mới hay cũ

Đặt quả trứng vào một bát nước lạnh. Trứng tươi sẽ chìm xuống đáy bát và nằm yên ở đáy. Trứng hơi cũ (khoảng 1 tuần) sẽ nằm dưới đáy nhưng hơi bồng bềnh. Nếu quả trứng thăng bằng ở trạng thái quay phần nhọn xuống dưới và đầu to hơn của quả trứng quay lên phía trên thì trứng này đã được để khoảng 3 tuần. Nếu trứng nổi trên bề mặt nước thì trứng đã hỏng, không nên ăn nữa.

Theo GiaDinh