Mùa hè, người cao tuổi bị tăng huyết áp cần chú ý những gì?

Theo các chuyên gia, mùa hè, thời tiết nắng nóng có nhiều tác động tới bệnh tăng huyết áp, nhất là đối với người cao tuổi (NCT). Do đó, NCT cần chủ động có các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát tốt huyết áp để ngăn ngừa những biến chứng xấu có thể xảy ra.

mua-he-nguoi-cao-tuoi-bi-tang-huyet-ap-can-chu-y-nhung-gi

Thời tiết nắng nóng dễ khiến huyết áp của người cao tuổi thay đổi. Ảnh minh họa

Nắng nóng kéo theo sự thay đổi của huyết áp

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết - Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết: Ở người trưởng thành, tăng huyết áp chiếm khoảng 20-25%. Còn ở người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên), tỷ lệ mắc tăng huyết áp lên đến hơn 50%. Thậm chí, theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ tăng huyết áp ở NCT rơi vào khoảng 55 – 60%. Điều đó có nghĩa là cứ hai NCT sẽ có một người mắc bệnh tăng huyết áp.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, có NCT bị huyết áp cao nhưng hầu như không có biểu hiện, triệu chứng gì. Vì vậy người ta vẫn gọi tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng". Bệnh có thể diễn biến 5 – 10 năm chưa có biểu hiện gì nhưng thực sự đã gây ra những tác động xấu trong cơ thể. Dù là bệnh không lây nhiễm nhưng tăng huyết áp lại là bệnh lý rất nguy hiểm và là bệnh "đồng hành" cùng NCT vì có đến 90% không có nguyên nhân, tức là tiên phát. Do đó, NCT phải học cách chung sống hòa bình với bệnh.

Trong số các yếu tố ngoại cảnh tác động đến sự thay đổi huyết áp của NCT, các chuyên gia đánh giá, nhiệt độ môi trường được xem là một trong những nguy cơ quan trọng, trong đó, thời tiết nắng nóng mùa hè cũng rất nguy hiểm với căn bệnh này. Theo BS Trương Quang Anh Vũ (Bệnh viện Thống nhất, TPHCM), nhiệt độ cao có thể làm huyết áp tăng, giảm khó kiểm soát hơn.

Cụ thể, nó vừa khiến thân nhiệt người bệnh tăng, kích thích làm tim đập nhanh, gây tăng huyết áp. Nhưng cũng có thể khiến cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt. Điều này lại làm cơ thể mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, nếu NCT không kịp thời uống bù đủ nước thì có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm hơn như trụy mạch, tụt huyết áp, thậm chí đột quỵ.

Một yếu tố khác là trong trời nắng nóng, nhiều người thường "lười" vận động và ít ra ngoài. Họ có xu hướng ngồi trong phòng điều hòa, nhiệt độ thấp nhiều hơn. Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây co mạch đột ngột và làm tăng huyết áp trong cơ thể. Bên cạnh đó, đặc trưng của NCT là hay bị mất ngủ vào ban đêm, nhất là khi thời tiết nóng nực, NCT càng dễ bị bứt dứt, khó chịu và gây mất ngủ. Điều đó kéo theo hiện tượng ban đêm huyết áp tăng làm hại tim mạch. Nếu để tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch (đau tim, nhồi máu cơ tim...).

Lưu ý cho NCT bị tăng huyết áp trong mùa hè

GS.TS Lê Đức Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết, với những người bị tăng huyết áp, nhất là những NCT, nguyên tắc cơ bản là dùng thuốc kiểm soát huyết áp đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong thời tiết nắng nóng, NCT đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời nắng để đề phòng giãn mạch quá mức dẫn đến tụt huyết áp.

Bên cạnh đó, cần lưu ý tránh gây ra thay đổi thân nhiệt đột ngột, ví dụ như liên tục ra vào giữa phòng máy lạnh có nhiệt độ quá thấp và không gian ngoài trời có nhiệt độ cao. Người bệnh tăng huyết áp không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu, nhiệt độ trong phòng chỉ nên chỉnh ở mức 26 - 28 độ. Trong phòng kín, không khí lưu thông kém, nếu ở lâu sẽ dễ bị những chứng bệnh do máy điều hòa gây ra như chóng mặt, tim đập nhanh.

Khi phải ra ngoài, nhất là vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao trong ngày nên mặc áo chống nắng, đội mũ, kính mát và mang theo nước để uống bù nước thường xuyên, bù đắp cho lượng nước liên tục mất do đổ mồ hôi. Không nên vừa đi ngoài trời nóng về đã vội vàng vào phòng thật lạnh hoặc dội ngay nước lạnh lên người để tắm.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cũng có tác dụng trong kiểm soát huyết áp. NCT cần bổ sung các loại thực phẩm tốt như: Ngũ cốc thô, cá, gia cầm, đậu, rau quả, trái cây tươi, sữa và những sản phẩm từ sữa ít béo; ăn nhiều thực phẩm giàu chất kali như cà chua, khoai lang, nho, các loại đậu; nên ăn cá, thịt trắng như thịt gà, thịt gia cầm bỏ da; hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt heo; hạn chế ăn bánh ngọt, nước ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Hơn nữa, mùa hè, NCT nên uống nước thường xuyên. Việc cung cấp nước đều đặn cho cơ thể rất quan trọng. Không nên đợi đến khi cảm thấy khát mới uống nước vì cảm giác khát là một phản ứng khá mạnh của hệ thần kinh đối với tình trạng thiếu nước của cơ thể. Khi thấy khát thì cơ thể đã bị thiếu nước trầm trọng. Vì vậy, NCT nên tạo thói quen uống 1 cốc nước (khoảng 250ml) sau khi thức dậy vào buổi sáng và 1 cốc trước lúc đi ngủ ban đêm.

Ngoài ra, NCT bị tăng huyết áp nên duy trì thói quen tập thể dục với các bài vận động nhẹ nhàng. Vận động sẽ giúp mạch máu co giãn và đàn hồi tốt, làm tăng tính bền của thành mạch máu. Vì vậy, vượt qua trở ngại về thời tiết, NCT mắc tăng huyết áp nên cố gắng vận động. Điều cần thiết là tập luyện điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập. Nên tập khi trời mát như buổi sáng hoặc chiều tối, có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, thái cực quyền, đi xe đạp chậm, đi bộ...

Theo GiaDinh