Mobifone, Vinaphone, Viettel…có đồng phạm trong vụ tổ chức đánh bạc nghìn tỷ?

 Đường dây đánh bạc online quy mô lớn do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu không thể thành công nếu không kể đến vai trò của nhà mạng. Theo kết quả điều tra ban đầu xác định tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán. Các đơn vị viễn thông Mobifone, Vinaphone, Viettel… được hưởng từ 15,5-16,3%, ước tính 1.402 tỉ đồng.

Trước khi vụ án đánh bạc nghìn tỷ bị phát giác, cơ quan chức năng đã từng có cảnh báo gửi tới một số nhà mạng về hoạt động của các công ty do Dương, Nam quản lý có những dấu hiệu bất minh. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo đó, với vai trò trung gian thanh toán cho các con bạc, vô hình chung trở thành “nhà cái” rửa tiền cho tổ chức đánh bạc.

Mô tả ảnh
Phan Sào Nam (trái) và Nguyễn Văn Dương cầm đầu đường dây đánh bạc online nghìn tỷ.

Điều 2, Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành đã quy định rất rõ các loại dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, trung gian thanh toán bao gồm các dịch vụ:

1. Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, gồm:

a) Dịch vụ chuyển mạch tài chính;

b) Dịch vụ bù trừ điện tử;

c) Dịch vụ cổng thanh toán điện tử.

2. Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm:

a) Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ;

b) Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử;

c) Dịch vụ Ví điện tử.

Như vậy, thanh toán qua thẻ cào không được coi là dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp. Do không được công nhận nên Ngân hàng Nhà nước không quản lý hoạt động này, trong khi Bộ Thông tin - truyền thông cũng không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào. Lợi dụng kẽ hở, các nhà mạng ngang nhiên cung cấp dịch vụ thanh toán cho tổ chức đánh bạc và hưởng lợi lớn từ đây.

Mô tả ảnh
Luật sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư - Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình (nguyên Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng: “Nhà mạng có trách nhiệm buộc phải biết mã thẻ cào được nạp vào đâu và nạp bao nhiêu, bởi lẽ nhà mạng phát hành thẻ nên sau khi khách hàng nạp thẻ cào thì tiền đó đổ về nhà mạng, sau khi rà soát, đối chiếu công nợ nhà mạng mới thanh toán theo tỷ lệ đã thỏa thuận với đơn vị hợp tác kinh doanh.

Nhà mạng biết thẻ cào nạp cho game bài Rikvip/Tip.club là vi phạm pháp luật mà vẫn chấp nhận thanh toán cho các bên tham gia, thông qua việc nạp thẻ cào rồi quy đổi ra tiền ảo, các đối tượng đánh bạc được tạo điều kiện một cách dễ dàng. Có nghĩa phải xét đến yếu tố đồng phạm với vai trò giúp sức của nhà mạng trong trường hợp này.”

Cũng theo Luật sư - Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Hiện nay pháp luật chưa có quy định chi tiết về hành vi thu lợi bất chính. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy việc thu lợi nhuận từ hành vi phạm tội của mình hoặc của người khác, hoặc thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật để hưởng chênh lệch được coi là thu lợi bất chính”.

Hoạt động đánh bạc qua mạng là vi phạm pháp luật. Vì vậy, mọi lợi nhuận từ hoạt động này mang lại đều là phạm pháp và số tiền các nhà mạng được hưởng do chênh lệch từ hoạt động trung gian thanh toán mang lại cũng không là ngoại lệ có thể sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên kết quả cuối cùng cần đợi kết luận chính thức từ cơ quan điều tra.

Bảo Châu

Theo TieuDung24h

--------------

Xem thêm:

Cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa "bảo kê" đánh bạc ngàn tỷ: "Thanh gươm" công lý bị giao nhầm người!

“Người thực thi công vụ, thực thi pháp luật phòng chống tội phạm công nghệ cao mà lại tham gia tổ chức đánh bạc trên Internet thể hiện sự coi thường pháp luật và phải xử lý nghiêm minh”, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn.

Đường dây đánh bạc sử dụng công nghệ cao có sự liên kết của doanh nghiệp công nghệ số và lực lượng chức năng của Bộ Công an mà trực tiếp là ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng C50 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) bị phát hiện đã thực sự gây sốc cho dư luận xã hội khi người đứng đầu cơ quan phòng chống xử lý tội phạm công nghệ cao lại bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc.

Đường dây đánh bạc “ngàn tỷ” này có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ĐBQH Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: “Đây là một vụ việc có tính chất cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến tình trạng tham nhũng và thoái hóa biến chất của một số cán bộ".

 Ông Nguyễn Thanh Hóa được xác định có liên quan mật thiết với đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Thanh Hóa được xác định có liên quan mật thiết với đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh: Internet

Đại biểu Hòa bày tỏ: "Chua xót hơn vị trí của ông Nguyễn Thanh Hóa là nơi mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy có thể ngăn chặn, phát hiện các loại tội phạm công nghệ cao, bảo vệ lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, chính ông ta lại tiếp tay cho loại tội phạm tung hoành, gây thiệt hại rất lớn. Điều này ít nhiều khiến dư luận hoài nghi về “thanh gươm” công lý bị giao nhầm người nắm giữ”.

Theo ĐBQH Hòa, các nhà lãnh đạo đã đặt ra việc làm sao chống tiêu cực ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Đảng, Nhà nước đã nhận diện ra nguy cơ này từ lâu.

“Việc người trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thi hành công vụ nhưng lại tha hóa, bảo kê cho sai phạm xảy ra ở nhiều ngành, ví dụ như hải quan, quản lý thị trường, viện, tòa... vẫn có. Một bộ phận thoái hóa biến chất này khiến cho công cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tội phạm không đạt được thành quả như mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, ông Hòa nói.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng khen ngợi lãnh đạo Bộ Công an trong việc quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ của ngành.

“Có xử lý như vậy thì nhân dân mới thấy được quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và thêm tin tưởng vào đội ngũ có nhiệm vụ thi hành và bảo vệ pháp luật. Đến những sai phạm của ông Đinh La Thăng nhà chức trách còn điều tra, xử lý được thì việc bắt một người từng là tướng công an là chuyện bình thường”, ông Hòa nói.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông Nguyễn Thanh Hóa không phải trường hợp duy nhất là người trong lực lượng bảo vệ pháp luật nhưng lại bị phát hiện tiếp tay, “bảo kê” cho tội phạm lũng đoạn.

Có thời kỳ chúng ta đã phát hiện ra một số trường hợp công an, cảnh sát phòng chống, ngăn chặn ma túy lại tiếp tay cho tội phạm ma túy.

Theo ông Phương, thực tế cuộc sống diễn ra cho thấy đã có những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cương vị của họ để vi phạm pháp luật. Dù không muốn, nhưng các nước trên thế giới cũng có, còn ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều rồi, đó là thực tế không tránh khỏi.

“Nguyên tướng công an “bảo kê” cho đường dây cờ bạc nhiều năm cho thấy, việc nhận diện người trong tổ chức “nhúng chàm” đã không được phát hiện ngay, hay nói chính xác là việc kiểm soát quyền lực có lỗ hổng”, phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho hay.

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, chúng ta đã có hiện tượng bổ nhiệm “nhầm” người vào vị trí không xứng đáng, tâm, tầm, đạo đức không ổn, không phát hiện

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, ủy viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, ủy viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Để hạn chế những trường hợp tương tự như nguyên Cục trưởng C50, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, đầu tiên là việc bổ nhiệm chức danh cán bộ như lâu nay đã thực hiện và cần triệt để hơn, đó là phải rà soát, chọn được người có tâm, có tầm, có đạo đức.

Đấy là yếu tố cần phải làm mạnh trong thời gian tới. Thứ hai là tất cả các cương vị đảm nhiệm hiện nay từ chức cao đến thấp trong bộ máy Nhà nước, phải có cơ chế giám sát để chống được tiêu cực.

“Những chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư về vụ việc này cho thấy sẽ không có chuyện xử nhẹ hay cho qua với người có chức có quyền vi phạm. Người có chức có quyền cao mà vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm”, ông Phương chia sẻ.

Cao Tuân – Trần Tuấn

Theo GiaDinh