Mẹo hay cho mẹ trị bệnh 'ngủ ngày cày đêm' ở trẻ sơ sinh

Theo lý giải của các chuyên gia, việc trẻ sơ sinh chưa quen với chu kỳ giấc ngủ là điều hoàn toàn bình thường. Dưới đây là mẹo hay giúp trẻ ngủ ngon vào ban đêm.

Vì sao trẻ sơ sinh hay"ngủ ngày cày đêm" 

Nuôi trẻ sơ sinh chưa bao giờ là một việc đơn giản, nhất là với những chị em lần đầu làm mẹ. Có quá nhiều lý do khiến các bà mẹ trở nên trầm cảm sau sinh, trong đó, lý do lớn nhất thường đến từ những căng thẳng, stress trong quá trình nuôi con do trẻ quấy khóc liên miên, lười ăn hay bị trớ… Tuy nhiên, “cơn ác mộng” đáng sợ nhất với các bà mẹ, đó là trẻ thích thức đêm.

Việc chăm con ban ngày đã rất vất vả mệt mỏi, nếu ban đêm người mẹ không có được khoảng thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khoẻ thì chắc chắn sáng hôm sau sẽ chẳng thể tỉnh táo, tươi tắn tiếp tục công cuộc nuôi con “vĩ đại”. Tuy nhiên, nhiều chị em lại phải “phát hoảng” khi con cứ đến chập tối bỗng dưng lại “tỉnh như sáo”, có khi chơi một mạch từ 10 giờ đêm đến 5, 6 giờ sáng.

Theo lý giải của các chuyên gia, việc trẻ sơ sinh chưa quen với chu kỳ giấc ngủ là điều hoàn toàn bình thường.

Theo Burlingtion Ont - chuyên gia tư vấn của trung tâm tư vấn, chăm sóc giấc ngủ Alanna McGinn (Canada) thì sự nhầm lẫn giữa ban đêm và ban ngày xảy ra vì trẻ sơ sinh chưa phát triển theo đúng nhịp điệu sinh học của chúng. Cô giải thích rằng: “Đồng hồ sinh học giúp thúc đẩy nhịp điệu hoạt động của cơ thể, tạo ra một cơ chế khiến cho cơ thể chúng ta tỉnh táo vào ban ngày và mệt mỏi vào ban đêm – thời gian ta cần phải ngủ để bù đắp cho sự mệt mỏi của cơ thể. Các cha mẹ có xu hướng kỳ vọng rằng trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ chế sinh học của mình sau khi trải qua hơn chín tháng bên trong bụng mẹ. Tuy nhiên, thực sự thì trẻ sơ sinh vẫn chưa sẵn sàng cho việc đó”.

Theo lời khuyên của các chuyên gia thì cha mẹ có thể cho bé làm quen với những dấu hiệu, đặc điểm khác biệt của môi trường ban ngày và ban đêm. Hãy giữ cho trẻ làm quen, tiếp xúc với ánh mặt trời và tiếng ồn quen thuộc vào ban ngày, kể cả khi bé ngủ, vào ban đêm hãy bật một chiếc đèn mờ và giữ cho không gian yên tĩnh. Và cũng hãy đảm bảo rằng bé đã được ăn no trước khi đi ngủ.

meo-hay-cho-me-tri-benh-ngu-ngay-cay-dem-o-tre-so-sinh

Mẹo hay trị bệnh "ngủ ngày cày đêm" ở trẻ

1. Nên cho bé bú no trước khi đi ngủ

Cữ sữa trước khi ngủ đêm của bé bạn nên cho bú no, lâu hơn thông thường một chút. Vì, khi bụng no, bé dễ dàng bị cơn buồn ngủ bủa vây hơn.

Nghĩa là cứ khoảng 8-9h đêm thì gia đình có con nhỏ nên hạn chế các hoạt động làm ồn. Cha mẹ đừng vì thấy con thức nên cũng vô tư nói chuyện, đi lại, mở đèn sáng, mở máy tính để làm việc… Bạn phải giữ yên tĩnh tuyệt đối cho phòng có bé ngủ. Vặn đèn ngủ thật nhỏ và giữ cho nhiệt độ phòng mát mẻ vừa đủ cho bé.

2. Tạo thói quen ngủ cùng con

Bất luận là bé đã buồn ngủ hay chưa, cứ đến một giờ cố định của mỗi đêm, thường là từ 8-9 giờ đêm, bạn cho bé bú no, lau mình, thay quần áo đi ngủ và đặt bé vào chỗ ngủ quen thuộc. Bạn nên hạn chế tối đa việc ẵm bồng, hát ru, rung lắc nhằm hi vọng bé sẽ ngủ nhanh hơn. Vì những điều đó chỉ khiến bé quen những thói xấu, chỉ vài ngày thôi là bé sẽ luôn đòi hỏi bạn như vậy mà bạn thì cần nhiều thời gian hơn để thư giãn, nghỉ ngơi sau ngày dài chăm sóc bé. Việc lặp đi lặp lại những hoạt động chuẩn bị trước khi đi ngủ sẽ giúp bé dần điều chỉnh được đồng hồ sinh lý của cơ thể mình.

Nhiều kinh nghiệm cho thấy, khi các bà mẹ còn lục đục làm gì đó thì đứa con cũng chưa chịu ngủ và thức theo. Vì vậy, khi bạn đã chuẩn bị cho con đi ngủ, thì bạn cũng nên nằm xuống bên cạnh và chợp mắt. Bé đã bú no xong bạn vỗ lưng cho ợ hơi, thay đồ sạch và đặt nằm ngay ngắn bên cạnh thì bạn cũng nên cho phép mình yên tâm tìm một giấc ngủ.

Những ngày đầu bé có thể chưa quen, sẽ chỉ nằm thức chơi, nhưng không sao, bạn cứ yên tâm chợp mắt. Nếu bạn sợ con ọc sữa, bạn có thể dung khăn mềm kê đầu bé hơi nghiêng, như vậy, nếu bé có ọc thì sẽ không bị lên mũi. Khi bé nghe thấy hơi thở đều đặn của mẹ bên cạnh, bé sẽ hiểu rằng mẹ đã ngủ rồi và mình cũng cần ngủ theo thôi. Nếu bạn kiên nhẫn tập cho con thì chỉ thường khoảng một tuần đến 10 ngày, bé sẽ nhanh chóng đi vào nếp thôi.

meo-hay-cho-me-tri-benh-ngu-ngay-cay-dem-o-tre-so-sinh

3. Nên trò chuyện với bé vào ban ngày

Nếu ban ngày bé thức dậy bạn hãy hát cho bé nghe, nói chuyện với bé, khi bé ngủ vẫn để phòng sáng như bình thường, bạn ngày khi bé ngủ bạn vẫn có thể làm việc có tiếng động để bé quen với việc ngủ ban ngày và sẽ không bị giật mình. Không nên cho bé vừa bú vừa ngủ vào ban ngày, nếu bé buồn ngủ, bạn hãy bỏ vú ra khi bé chưa say giấc nhé. Nếu không bé sẽ có thói quen ngậm vú khi ngủ (thói quen này sẽ làm mẹ cực vất vả đấy).

4. Nên dạy bé tự ngủ

Cách bố mẹ dỗ bé ngủ rất quan trọng, nó sẽ hình thành thói quen trong những năm tháng đầu đời. Một số phương pháp luyện cho bé tự ngủ như phương pháp không khóc (No cry/No tears), bế lên đặt xuống (Pick up put down), để con khóc (Cry it out), khóc có kiểm soát (Controlled crying). Các mẹ có thể tìm hiểu sau đó chọn ra cách thức phù hợp với con và gia đình.

Một mẹo đơn giản giúp bé ngủ ngoan đó là dạy bé tự ngủ. Nên cho bé nằm giường hoặc nằm vào nôi khi buồn ngủ, không nên đung đưa sẽ làm bé quen và đòi đung đưa trong giai đoạn tiếp theo. Bạn nên dùng cho bé những tín hiệu ngủ như hát ru, vỗ nhẹ vào mông, xoa đầu …và làm thường xuyên để bé biết khi đó bạn đang ru bé ngủ.

5. Nên dạy trẻ cách phân biệt ngày và đêm

Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh không phân biệt được giữa ngày và đêm. Vì vậy, bé có thể ngủ vào ban ngày và chơi vào ban đêm khiến bố mẹ rất mệt mỏi. Hãy giúp bé phân biệt được đêm và ngày bằng cách mở toang hết cửa vào buổi sáng để đánh thức bé dậy. Và tắt hết đèn điện khi đến giờ đi ngủ vào buổi tối.

Theo PhuNuNews