Mẹo ăn bánh chưng mà không làm đường huyết tăng cao

Bánh chưng là một thực phẩm có chỉ số đường huyết rất cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiểu đường không cần kiêng hoàn toàn món ăn truyền thống đậm đà hương vị tết này. Bởi nếu ăn bánh chưng đúng cách, người bệnh sẽ không còn nỗi lo rước họa vào thân vì đường huyết tăng quá cao.

Ăn bánh chưng sai cách – đường huyết lên không phanh

Bánh trưng là một món ăn truyền thống ngày tết rất giàu dinh dưỡng. Mùi thơm dẻo của gạo nếp hòa quyện cùng vị ngọt bùi, béo ngậy của đậu xanh, thịt mỡ và vị cay của hạt tiêu tạo nên một tuyệt phẩm ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. Đây cũng là món ăn thách thức rất lớn với người tiểu đường bởi chứa nhiều tinh bột.

meo-an-banh-chung-ma-khong-lam-duong-huyet-tang-cao
Theo chuyên gia dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vy - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện 198: “Thông thường 1 chiếc bánh chưng được làm từ 1,5 đến 2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh. Mà gạo nếp là loại gạo có chỉ số đường huyết của thực phẩm nằm trong nhóm cao nhất (GI=85). Trong 100g gạo nếp chứa đến 74,9g bột đường. Chưa kể, bánh chưng được ninh trong thời gian từ 8-12 tiếng. Do đó, tinh bột càng được nấu kỹ, càng làm cho tốc độ tăng đường máu nhanh hơn khi ăn vào.
meo-an-banh-chung-ma-khong-lam-duong-huyet-tang-cao
Nhiều người “thòm thèm” và cảm giác “mất tết” vì nghĩ đây là món ăn phải tuyệt đối “kiêng kỵ”. Mặt khác, nhiều trường hợp lại ăn không kiểm soát, thậm chí có sở thích ăn bánh chưng rán vì mùi vị thơm ngon hơn mà không biết rằng món ăn càng tinh chế như các món rán, nướng càng làm tốc độ tăng đường máu sau ăn tăng lên. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là người bệnh cần cắt bỏ hoàn toàn bánh chưng ra khỏi thực đơn tết của mình”.

Mẹo ăn bánh chưng mà không làm đường huyết tăng cao

Chuyên gia Tường Vy cũng chỉ ra các mẹo giúp người tiểu đường ăn bánh chưng mà không làm đường huyết tăng cao sau ăn:

- Chọn bánh chưng: nên ăn bánh chưng gói ít thịt mỡ

- Lượng ăn: nên ăn khoảng 150g bánh chưng (tương đương với 1/8 cái) mỗi lần ăn và cách nhau ít nhất 8 giờ.

- Cách ăn: Trước khi ăn bánh chưng, nên ăn salat rau, canh rau, măng, dưa hành… để tăng cường chất xơ, giảm khả năng hấp thu đường từ ruột.

- Phối hợp các thức ăn khác khi ăn: Nếu đã ăn bánh chưng trong bữa thì cần bỏ bớt phần xôi (non nửa bát xôi), cơm, miến, hoa quả và các loại thức ăn chứa bột đường tương ứng.

- Nên đo đường huyết trước và sau khi ăn bánh chưng để điều chỉnh phần bánh cho lần ăn tiếp theo.

Theo GiaDinh