Máy tính có thể thành 'cục gạch' nếu kết nối với USB nhiễm virus

Thông tin từ đại diện của BKAV cho biết, mỗi ngày có từ 1 triệu đến 1,5 triệu mẫu virus mới, và có đến 80% USB tại Việt Nam bị nhiễm virus.

Những năm gần đây, số lượng những cuộc tấn công mạng tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp. Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav cho biết, số lượng các cuộc tấn công bằng mã độc tính đến cuối năm 2017 đã lên tới 12,300 tỷ lượt, đồng thời nhận định nguy cơ nhiễm virus và mã độc tại Việt Nam hiện vẫn còn rất cao. Trong đó, phần lớn nguyên nhân dẫn đến lây lan mã độc lại đến từ chiếc USB nhỏ bé.

Theo ông Sơn, đa số tâm lý người dùng cho rằng, thông tin lưu trên USB là an toàn, và chúng ta rất ít đề phòng. "USB vẫn là con đường lây nhiễm virus nhiều nhất nhờ khai thác sự tin tưởng của người dùng, sau đó lây nhiễm virus sang máy tính", ông Sơn nói. "Theo thống kê của Bkav, trung bình trên dưới 80% USB đã từng bị nhiễm virus ít nhất 1 lần trong năm."

Cũng theo thống kê, hệ thống máy tính tại nước ta có hơn khoảng 40% lỗ hổng SMB, dù nó đã được phát hiện và cảnh báo trong năm 2017. Nguyên nhân là bởi máy tính tại Việt Nam không được update bản vá vì các lý do bản quyền phần mềm.

Máy tính có thể thành 'cục gạch' nếu kết nối với USB nhiễm virus

80% USB tại Việt Nam nhiễm virus. Ảnh: Dân trí

Bên cạnh đó, theo thống kê thu thập mẫu của Bkav, hiện có 1 triệu đến 1,5 triệu mẫu virus mới. Qua đó cho thấy khả năng phòng cống của người sử dụng trước các cuộc tấn công mạng rõ ràng là rất yếu thế. Gần đây nhất, hệ thống của Bkav ghi nhận virus W32.XFileUSB đã lây nhiễm 1,2 triệu máy tính tại Việt Nam; hơn 735.000 máy tính nhiễm virus chiềm quyền điều khiển đào tiền ảo…

Theo nhận định của chuyên gia Bkav, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc ở mức cao là do nhận thức về an ninh mạng, virus máy tính mặc dù đã được nâng cao nhưng chưa biến thành hành động cụ thể; tỷ lệ máy tính sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền còn thấp; không được bảo vệ tự động khi sử dụng USB, truy cập web, mở file từ email.

Bên cạnh đó, còn do không có dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đi kèm phần mềm diệt virus, khiến cho khi gặp vấn đề về virus chưa được xử lý triệt để: ví dụ với lỗ hổng SMB, không phải ai cũng biết vá lỗi, nhiều trường hợp vá lỗi thì hỏng win. Trong những tình huống kiểu này phải có sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp.

Trước thực trạng này, Bkav khuyến nghị người dùng nên sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền, có hỗ trợ kỹ thuật 24/7; Cập nhật đầy đủ bản vá cho hệ điều hành (Windows), cho phần mềm (Microsoft Word, Excel); đồng thời phải luôn cảnh giác với bất kì file, link nhận được từ internet, kể cả là từ người quen. Tạo thói quen mở file trong môi trường cách ly an toàn Safe Run.

Theo VietQ