Máy giặt nhiễm khuẩn, nấm mốc và cách xử lý hiệu quả

Máy giặt có mùi hôi và ẩm mốc sẽ gây ra nhiều khó chịu thậm chí ảnh hưởng tới quần áo sau khi giặt. Sở dĩ máy giặt có tình trạng này là do sai lầm trong thói quen sử dụng máy giặt của nhiều người.

Nguyên nhân khiến máy giặt ẩm mốc, tích tụ nhiều vi khuẩn

Máy giặt là một trong những thiết bị hữu ích trong công việc giặt giũ của nhiều gia đình, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho chúng ta so với việc giặt tay. Tuy nhiên, lồng giặt của máy có thể trở thành môi trường đầy vi khuẩn và nấm mốc gây hại bởi chính những thói quen mà chúng ta thường mắc phải. 

Nhiều người thường có xu hướng để quần áo ẩm ướt ở máy giặt trong suốt một thời gian dài, thậm chí để qua đêm. Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khá quan ngại như chập điện, mòn bộ phận đàn hồi do phải nâng đỡ một lượng quần áo ướt có trọng lượng nặng.

Bên cạnh đó, lồng giặt cũng sẽ có tình trạng bị ẩm, gỉ sét và phát sinh nấm mốc. Kết quả là quần áo từ đó cũng bị ảnh hưởng với những chấm mốc, nhăn nhúm và tệ hơn là ám mùi hôi khó chịu. 

may-giat-nhiem-khuan-nam-moc-va-cach-xu-ly-hieu-qua

 Máy giặt ẩm mốc, tích tụ vi khuẩn là do thói quen sử dụng của nhiều người. Ảnh minh họa

Sau mỗi lần máy kết thúc quá trình giặt, nhiều người thường đóng nắp máy ngay lập tức. Thực chất, hành động này có thể là một trong các tác nhân chính dẫn đến việc lồng giặt sẽ tích tụ cũng như sinh sôi nhiều loại vi khuẩn trong máy giặt có hại đến sức khỏe. Nguyên nhân dẫn đến tác hại này chính là vì khi vừa mới giặt giũ xong, môi trường bên trong lồng giặt vẫn còn khá ẩm ướt. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, ẩm mốc có khả năng phát triển. 

Dù máy giặt là công cụ toàn năng giúp làm sạch quần áo nhanh chóng và hiệu quả, nhưng nếu không vệ sinh lồng máy theo định kỳ, đây lại là nơi trú ẩn hoàn hảo dành cho các loại vi khuẩn. Qua quá trình sử dụng, cặn bột giặt, xơ vải,... cứ dần tích tụ và tạo ra môi trường đầy vi khuẩn, ẩm ướt và nấm mốc.

Cách xử lý máy giặt khỏi ẩm mốc, vi khuẩn tích tụ

Người dùng không nên để quần áo ướt quá lâu bên trong lồng giặt mà nên lấy quần áo ra ngay khi giặt xong. Điều này vừa tránh vi khuẩn phát triển bên trong máy giặt, vừa giúp quần áo luôn sạch sẽ, không bị nhiễm mốc.

Bất kỳ máy móc nào cũng cần được chùi rửa thường xuyên, đặc biệt là khi máy giặt là thiết bị được sử dụng hàng ngày trong gia đình. Vì vậy nên vệ sinh định kỳ cho máy giặt. Người dùng nên dùng khăn để lau chùi phần nắp máy, lồng giặt, gioăng cao su và khay chứa nước giặt sau khi sử dụng.

Ngoài ra người dùng cũng nên lưu ý do gioăng cao su là bộ phận quan trọng, tiếp xúc với nước và nước giặt, xả nên rất dễ bị bẩn, nấm mốc, cần được vệ sinh thường xuyên. Để giữ lồng giặt luôn sạch sẽ, người dùng nên làm sạch lông thú, giấy vụn hay cặn bẩn còn sót lại bên trong máy giặt.

Nên sử dụng loại nước giặt phù hợp với từng loại máy giặt chuyên dụng. Nên sử dụng bột giặt hoặc viên giặt xả thay vì nước giặt. Đồng thời, người dùng cần lưu ý sử dụng lượng bột xà phòng vừa đủ vì nếu dùng quá nhiều, quần áo có thể bám mùi và bị đóng cặn. Đặc biệt người tiêu dùng có thể chạy chương trình làm sạch lồng giặt có sẵn trong máy để loại bỏ tất cả cặn ẩm còn sót lại. Hãy để cửa máy giặt mở để lưu thông không khí và hong khô những vết ẩm còn lại. 

Theo VietQ