Mất tiền oan với sổ liên lạc điện tử?

Bỏ ra 30 - 40.000 đồng mỗi tháng, nhưng phụ huynh cho rằng nhiều khi họ nhận được những dòng tin nhắn không cần thiết.

Mất tiền oan với sổ liên lạc điện tử?
Nhiều phụ huynh cho rằng, sổ liên lạc điện tử không thực sự hiệu quả, trong khi mức đóng này là khá cao cho dịch vụ nhận tin nhắn. Ảnh minh họa

Mất tiền nhận tin nhắn con hôm nay học bài gì

Nếu như trước đây, hình thức thông tin giữa giáo viên và phụ huynh chủ yếu qua sổ liên lạc, sổ nhắc (học sinh tiểu học, trung học), thì giờ đây, sổ liên lạc viết tay đã được thay thế bằng sổ liên lạc điện tử. Chỉ với một chiếc điện thoại di động có đăng ký số điện thoại sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có thể cập nhật thông tin học hành của con. Sổ liên lạc điện tử là hình thức gửi tin nhắn SMS về điểm số, kết quả học tập, rèn luyện, sức khỏe của học sinh hàng ngày tại trường.

Sổ liên lạc điện tử được coi là “trợ thủ” đắc lực cho công tác giảng dạy, là công cụ kết nối gia đình với học sinh. Không phủ nhận nó thuận tiện, nhanh chóng hơn, song sổ liên lạc điện tử ở nhiều trường hoạt động chưa hiệu quả, tiêu tốn một khoản tiền của phụ huynh hàng tháng, nhưng thông tin nhận được hàng ngày khá sơ sài. Không ít phụ huynh còn nghi ngờ các trường học có hành vi trục lợi thông qua dịch vụ này.

Bỏ ra 40.000 đồng tiền sổ liên lạc của con mỗi tháng, anh Nguyễn Hữu Tuấn có con học trường Đ.T.C (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Đây là khoản tiền tự nguyện, song gần như sẽ phải đóng vì không đóng sẽ không được nhận các thông tin, thông báo của nhà trường.

Tính ra, mỗi một tin nhắn là khoảng 2.000đồng, nhưng ngoài những cái thiết thực trong việc thông báo nghỉ học, các tin nhắn đều có nội dung sơ sài như con hôm nay học môn này, bài này, phụ huynh nhắc con soạn bài, mặc đồng phục...”.

Chị Thanh Hương (ở Đống Đa, Hà Nội) có con học tiểu học cho biết: “Mỗi em đóng 40.000đồng một tháng, như vậy cả lớp có 60 em sẽ lên tới 2,4 triệu đồng cho dịch vụ này, một năm học sẽ là hàng chục triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ, trong khi cước của tin nhắn thông thường chỉ là vài trăm đồng.

Nếu chỉ để nhắn lịch học, nhắc nhở chung chung về việc học như vậy là không cần thiết và gây lãng phí. Không hiểu nhà trường có được lợi ích gì không, chứ không thiếu gì các hình thức thông báo khác rẻ và phù hợp hơn”.

Dịch vụ lãng phí?

Không chỉ các bậc phụ huynh kêu ca, ngay cả giáo viên cũng cảm thấy phiền phức, rắc rối với hình thức sổ liên lạc điện tử này. Cô Lê Thanh, giáo viên một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi có nhận được phàn nàn của phụ huynh học sinh nói cước phí đắt, nội dung chung chung...

Giáo viên hàng ngày dạy học đã rất vất vả rồi, hết giờ dạy là phải làm nhanh các thông tin sổ liên lạc điện tử để nhà mạng gửi cho phụ huynh. Lớp học đông, khó có thể nhận xét được từng con, nên cũng chỉ thông báo qua về chuyện học, nhắc nhở phụ huynh kiểm tra, kèm cặp thêm các con”.

Theo một số phụ huynh, sổ liên lạc điện tử cũng là phù hợp trong xã hội hiện đại, nhưng mỗi một lớp học phải bỏ ra hàng triệu đồng, cả trường sẽ cho ra một con số không nhỏ, số tiền này chỉ để biết được con em mình hôm nay học gì, ăn ngủ ra sao là không cần thiết.

Những thông tin này hoàn toàn có thể trao đổi với giáo viên, kiểm tra sách vở của con là cũng có thể biết được. Hơn nữa, ngoài ra còn có trang thông tin điện tử của trường, email, Facebook cũng là kênh thông tin tốt để gắn kết nhà trường và phụ huynh.

Bỏ ra 30.000 - 40.000đồng/ tháng, nhưng cái nhận được chưa tương xứng, thậm chí không ít phụ huynh lo lắng vì hệ lụy của dịch vụ này có thể lấy thông tin, nhắn tin quảng cáo các khóa học, sách vở, đồ dùng học sinh. Mới đây, 1.700 phụ huynh của Trường THCS Ba Đình đã nhận được tin nhắn của nhà trường với nội dung: “THCS Ba Đình: Con ông bà học ngu như bò. Tôi không hiểu ông bà có biết dạy con không nữa?". Cơ quan chức năng đã vào cuộc và tìm ra thủ phạm đã xâm nhập vào hệ thống để gửi tin nhắn miệt thị này.

Được biết, trong năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Hà Nội áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử, trong đó có việc cập nhật điểm trong sổ điện tử phải khớp với điểm ghi trong sổ điểm cá nhân của giáo viên quản lí... Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần phải quản lí chặt chẽ hơn dịch vụ sổ liên lạc điện tử, công khai số tiền hàng tháng cho các đơn vị dịch vụ để có sự cạnh tranh, rẻ hơn. Đồng thời, có những giải pháp thông tin giữa nhà trường và phụ huynh một cách tiện lợi, hiệu quả và không gây lãng phí, tốn kém.

Hạn chế thu tiền tin nhắn của phụ huynh

Theo văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin (CNTT) năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT, các trường học trên phạm vi cả nước cần tập trung đầu tư hạ tầng và thiết bị CNTT phục vụ công tác quản lý và dạy - học.

Bộ khuyến khích các trường ứng dụng CNTT để cung cấp miễn phí thông báo kết quả học tập và rèn luyện của học sinh qua tin nhắn OTT, email và website trường học, hạn chế sử dụng hệ thống nhắn tin có thu phí qua điện thoại di động với phụ huynh học sinh.

Theo Quang Anh (Giadinh)