Mất khứu giác kéo dài hậu COVID-19 có thể là tế bào mũi bị phá huỷ

Mất khứu giác kéo dài hậu COVID-19 có thể là tế bào mũi bị phá huỷ

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mô mũi của bệnh nhân COVID-19 và phát hiện ra rằng những người có vấn đề về khứu giác có các tế bào miễn dịch gây viêm bên trong niêm mạc mũi, có khả năng quét sạch các tế bào thần kinh cảm giác quan trọng.

Tiến sĩ Bradley Goldstein, Phó giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học Duke ở Bắc Carolina (Mỹ), cho biết mô từ niêm mạc mũi "chứa các tế bào miễn dịch độc nhất tạo ra các tín hiệu viêm, kết hợp với ít tế bào thần kinh khứu giác hơn". Phản ứng miễn dịch bất thường chỉ thấy ở những bệnh nhân bị mất khứu giác kéo dài hàng tháng trời.

mat-khuu-giac-keo-dai-hau-covid-19-co-the-la-te-bao-mui-bi-pha-huy

Kể từ khi các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhiều bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác, họ vẫn chưa rõ liệu vi rút SARS-CoV-2 có làm hỏng các tế bào cảm giác trong mũi hoặc vùng não xử lý thông tin khứu giác hay cả hai.

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mô sinh thiết từ niêm mạc mũi của 24 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 9 người đã mất khứu giác trong ít nhất 4 tháng. Mô từ nhóm thứ hai tiết lộ rằng các tế bào T liên quan đến viêm nhiễm đã xâm nhập vào niêm mạc mũi nơi tìm thấy các tế bào thần kinh khứu giác. Phản ứng miễn dịch bất thường đã được tìm thấy mặc dù các bệnh nhân đã khỏi COVID-19, cho thấy điều này vẫn tồn tại sau khi khỏi bệnh

Khi các nhà nghiên cứu xem xét số lượng tế bào thần kinh cảm giác liên quan đến khứu giác, họ phát hiện ra rằng những người bị mất khứu giác trong thời gian dài thì ít hơn đáng kể, có thể là do các mô mỏng manh của niêm mạc mũi đã bị tổn thương bởi tế bào T. 

Ít nhất 5% số người bị mất khứu giác khi nhiễm COVID-19 không phục hồi khứu giác nhanh chóng hoặc hoàn toàn, các nhà nghiên cứu báo cáo trên BMJ năm nay. Goldstein cho biết: "Hiện tại, chúng tôi không có phương pháp điều trị cụ thể và hiệu quả. Để phát triển các liệu pháp điều trị, chúng ta cần hiểu cơ chế sinh bệnh học của vấn đề này".

Viết trên tạp chí Science Translational Medicine, các nhà nghiên cứu giải thích làm thế nào những phát hiện này có thể mở đường cho các phương pháp điều trị mới cho chứng mất khứu giác hậu COVID-19. Một phương pháp là ngăn chặn các tế bào miễn dịch gây viêm cục bộ trong niêm mạc mũi. Goldstein cho biết: "Chúng tôi được khuyến khích bởi những phát hiện này và hy vọng rằng các phương pháp điều trị mới có thể xuất hiện.

Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết công trình này là "sự bổ sung quan trọng để giải mã nhiều cơ chế bệnh lý của vi rút  SARS-CoV-2". 

"Mất khứu giác là một trong những bí ẩn quan trọng và những phát hiện này đưa ra câu trả lời, cùng với những phát hiện trước đó về những thay đổi đối với khứu giác trong hệ thần kinh", ông Danny chia sẻ. 

Tiến sĩ Gwenaëlle Douaud, nhà thần kinh học, người đã nghiên cứu tác động của COVID-19 lên não, cho biết: "Ở bệnh nhân COVID-19, các vấn đề về khứu giác dai dẳng đã được chứng minh là có liên quan đến sự co lại của các vùng não liên quan đến khứu giác. Các quá trình viêm được biết là đang diễn ra trong não sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bất kể bản thân vi rút có hiện diện hay không và nghiên cứu sinh thiết này hiện cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tình trạng như vậy có thể liên quan đến tình trạng viêm và mất liên tục của các tế bào thần kinh khứu giác trong chính khoang mũi". 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mất khứu giác trong COVID-19 phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi so với những bệnh nhân lớn tuổi và không có sự khác biệt lớn giữa nam và nữ, mặc dù một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ trẻ có chỉ số BMI cao hơn thì nguy cơ càng cao.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ mất khứu giác ở các nước phương Tây cao hơn so với các nước Đông Á - mặc dù điều này một phần có thể do báo cáo không đầy đủ về tất cả các triệu chứng, cũng như một số biến thể vi rút tiềm ẩn hoặc sự khác biệt về gen của vật chủ.

Theo 1thegioi