Mai tứ quý không còn “quý“

Mai tứ quý là loại mai có hoa nở bốn mùa trong một năm. Có nơi còn gọi là nhị độ mai (mai nở hai lần). Bởi lần đầu mai tứ quý nở cánh hoa màu vàng (giống mai vàng), có đài hoa màu xanh nhạt; sau đó cánh mai vàng rụng và đài hoa biến thành màu đỏ, coi như mai tứ quý nở hoa lần hai. 

Ở Mỹ người ta gọi cây mai tứ quý là “cây chuột Mickey” (Mickey mouse plant). Bởi khi đài hoa biến thành màu đỏ, hoa kết trái màu đen giống như đôi mắt của chú chuột Mickey trong phim hoạt hình của Walt Disney. 

Có lẽ cây mai tứ quý có hoa nở quanh năm nên người ta xem hoa mai tứ quý không còn thuộc loại quý hiếm. Người ta thường trồng cây mai tứ quý làm cảnh trước hiên nhà. Khách đi ngang có bẻ một cành hoa, chủ nhà cũng không cảm thấy tiếc đứt ruột, bởi cây sẽ lại tiếp tục ra hoa vào ngày sau. Trong khi cây mai vàng chỉ nở hoa một lần trong năm, nên người ta nâng niu và chăm sóc cây kỹ lưỡng. 

Phải lặt lá, tưới nước, canh giữ làm sao cho cây mai vàng nở hoa đúng vào dịp Tết. Cây mai vàng thường được trồng trong chậu, để khi mai nở hoa người ta bưng chậu hoa vào trưng bày ở phòng khách. Hoa mai vàng thường nở năm cánh, nếu ngày đầu năm chủ nhà thấy có hoa mai vàng nở chín, mười cánh, thì trong lòng rất vui vì tin đó là điềm báo năm mới sẽ làm ăn thịnh vượng. 

Mãn Giác thiền sư (1052-1096) sống ở Thăng Long, đời vua Lý Nhân Tông, có hai câu thơ:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. 

Cụ Ngô Tất Tố dịch: 

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết 

Đêm qua sân trước một cành mai. 

Cành mai đó chắc là loại mai trắng thường được trồng ở miền Bắc. Bởi cây mai vàng và mai tứ quý thường được trồng nhiều ở miền Trung và miền Nam, chứ ít được trồng ở miền Bắc. Vả lại “xuân tàn hoa rụng hết” thì cây mai tứ quý vẫn nở hoa, và chắc hẳn thiền sư sẽ không ngạc nhiên nếu thấy hoa mai tứ quý vào một đêm xuân tàn! 

Phải chăng cái gì đẹp và quý thường chỉ xảy ra trong khoảnh khắc? Cái “khoảnh khắc” đó tùy hoàn cảnh có thể hiểu là một phút, một giờ, một ngày, một tháng… Như câu thơ của Xuân Diệu: 

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt 

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm. 

Người Hà Nội thích hoa loa kèn vì nó chỉ nở rộ vào tháng 4, báo hiệu mùa hè sang; thích hoa cúc họa mi vì nó chỉ nở vào cuối tháng 11 báo hiệu mùa đông đến. Tỉnh Hà Giang vừa tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch. Du khách đã lũ lượt lên Hà Giang ngắm hoa, bởi cây tam giác mạch chỉ nở hoa một lần vào tháng 11 mỗi năm. Ở Đà Lạt và Tây Nguyên có loài dã quỳ cũng chỉ nở hoa vàng rực mỗi năm một lần vào cuối tháng 10, khi mùa mưa chấm dứt và mùa khô bắt đầu. 

Du khách lên Đà Lạt cũng thích chụp hình với hoa dã quỳ một năm chỉ nở khoảng một tháng ở núi đồi, hơn là chụp hình với các loài hoa xinh đẹp khác nở quanh năm ở các làng hoa Đà Lạt. Trong tương lai sẽ có lễ hội hoa mai vàng vào dịp Tết ở một tỉnh miền Nam. Hoặc lễ hội hoa đào, hoa ban vào tháng giêng và tháng 3 ở Tây Bắc. Nhưng chắc chắn sẽ không có lễ hội hoa mai tứ quý, bởi Ban tổ chức không biết sẽ tổ chức vào tháng nào trong năm. Vì cây mai tứ quý đã nở hoa quanh năm! 

Có thể ví von hoa mai tứ quý như nụ cười của người vợ quanh năm ở bên chồng. Nhưng người chồng không thấy vẻ đẹp của nụ cười đó bởi nó quá “thường ngày”. Ông chỉ nhớ nụ cười thoáng qua của một phụ nữ khác mà ông tình cờ gặp trong một chuyến xe hay trong một quán cà phê. Nụ cười đó rạng rỡ và nhanh chóng biến mất như hoa mai vàng ngày xuân. Nhưng để lại ấn tượng: 

Thoáng hiện em về trong đáy cốc 

Nói cười như chuyện một đêm mơ. (Quang Dũng) 

Vậy nếu bạn cho tôi biết bạn thích hoa mai tứ quý hay hoa mai vàng? Tôi sẽ biết được phần nào tính cách của bạn.

Theo Đoàn Thạch Biền ( MTG )