"Ma trận" giá cả, xuất xứ bếp điện từ: Tiết lộ gây sốc từ nhà "phân phối"

Khi xâm nhập, tìm hiểu giá cả, nguồn gốc bếp điện từ, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội và người tiêu dùng tiếp tục bị “lạc” vào “ma trận” do chính các cửa hàng bán loại bếp này tạo ra. Không chỉ có điệp khúc “một mã hàng nhiều loại giá, nguồn gốc xuất xứ” mà còn có việc chủ hàng tiết lộ nhiều thông tin sốc cho người tiêu dùng.

Tiếp bài

Nhân viên bán hàng tại cửa hàng bếp An Phát (Xã Đàn) đang tư vấn về dòng bếp Arber. Ảnh: Diệu Oanh

Vẫn điệp khúc “1 mã bếp - nhiều loại giá”

Bếp Arber được website noithatkienan.com của cửa hàng nội thất Kiến An giới thiệu là dòng bếp cao cấp, model cực... sang trọng, được phân phối bởi tập đoàn Arber – tập đoàn thiết bị nhà bếp hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, trong quá trình tham khảo, người mua chẳng khác nào bị “tung hoả mù” vì sự “đa dạng” của giá cả và xuất xứ của hãng bếp này.

Dùng phương thức na ná các cửa hàng bán bếp gắn mác Bosch, hầu hết số cửa hàng bán bếp gắn mác Arber đều niêm yết giá cao và sau đó giảm sâu với mức chiết khấu rất cao từ 52% đến 70% tuỳ từng mã bếp.

Ví dụ, bếp điện từ Arber mã AB391, trang noithatkienan.com niêm yết giá là 12,7 triệu đồng nhưng giá bán chỉ còn 5,9 triệu đồng (giảm 54%). Nhân viên tư vấn tại đây cho biết, hàng Arber mang thương hiệu Đức, lắp ráp tại Malaysia.

Cũng mã bếp này, cửa hàng bếp An Thịnh (Xã Đàn - Đống Đa) lại ghi giá cao hơn cửa hàng nội thất Kiến An. Theo đó, giá An Thịnh niêm yết là 13,25 triệu đồng, giá bán ra là 5,9 triệu đồng (giảm 55,4%). Về nguồn gốc xuất xứ, nhân viên cửa hàng này lại cung cấp thông tin hoàn toàn khác với nhân viên của bếp An Thịnh.

“Arber là thương hiệu Italy, linh kiện nhập khẩu từ Đức và lắp ráp tại Việt Nam” - nhân viên cửa hàng này nói. Tại cửa hàng bếp Nhập khẩu (bepnhapkhauvn. com) giảm 52%, giá niêm yết là 12,5 triệu đồng trong khi bán ra chỉ 5,899 triệu đồng. Như vậy, cùng một mã bếp, các cửa hàng có giá niêm yết, giá bán và nguồn gốc xuất xứ khác nhau.

Tương tự, với dòng bếp Arber mã AB390, bếp Gia Phát (bepgiaphat.vn, quận Hà Đông) đề mức chiết khấu lên đến 70% giá trị sản phẩm, giá niêm yết là 11,9 triệu, bếp có xuất xứ từ Germany (Đức). Như vậy, sau khi giảm 70%, giá đến tay người tiêu dùng chỉ còn 3,498 triệu đồng. Trên website quảng cáo là vậy, nhưng khi người mua “mục sở thị” tại cửa hàng này thì nam nhân viên bán hàng lại khẳng định đây là hàng liên doanh Malaysia – Đức, sử dụng linh kiện Đức, lắp ráp tại Malaysia (!?).

Lý do giảm giá sâu được nam nhân viên này đưa ra là do chương trình của hãng. Quá trình khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội cho thấy, điểm chung của các cửa hàng bán dòng bếp gắn mác Arber là đều không đưa ra được Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) và Giấy chứng nhận chất lượng (CQ) với lý do “phải để ở cửa hàng chính để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra” hoặc là hàng sản xuất tại Việt Nam nên không có CO, CQ.

“Bếp gắn mác Arber có xuất xứ từ Trung Quốc”

Tiếp bài
Cửa hàng bếp Gia phát (Hà Đông) – nơi chiết khấu sản phẩm bếp Arber mã AB391 đên đến 70% giá trị sản phẩm.

Trước thực tế “loạn” thông tin về giá cả và xuất xứ của bếp gắn mác Arber, PV Báo Gia đình & Xã hội đã liên hệ với Công ty TNHH TM & DVTH An Trường Thịnh, một đơn vị bán bếp gắn mác Arber, tại ngõ 53, Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Tại đây, ông Giám đốc công ty này cung cấp thông tin: “Arber là thương hiệu do người Việt đặt, công ty đặt tại Bắc Ninh, sản phẩm 100% xuất xứ từ Trung Quốc”.

Ông Tr cũng xác nhận mình là người thiết kế logo Arber và khẳng định chữ cái A đầu chữ Arber được cách điệu, không ai có thể bắt chước được. Về nguồn gốc thực sự của bếp Arber, ông Trường tiết lộ: “Anh là chủ doanh nghiệp, là người thường xuyên sang Trung Quốc đặt hàng chứ chưa nhập sản phẩm bên Đức hay một nước nào cả”.

Ông Tr quả quyết, trước khi bán hàng và xuất hoá đơn cho các đại lý, công ty ghi xuất xứ rõ ràng và thể hiện rõ quan điểm đây là hàng Trung Quốc nên giá cả cũng rất… mềm.

Giải thích thêm về lý do giá thành sản phẩm rẻ, ông Tr cho rằng, đây là vấn đề của nhân viên kỹ thuật(!?). Theo ông Tr, các nhân viên kỹ thuật nơi ông đặt hàng hiểu rất sâu về thời tiết, khí hậu ở Việt Nam nên ông đã đề nghị họ khắc phục, cải tiến kỹ thuật để phù hợp với thời tiết trong vùng nên giá rẻ hơn.

Ông Tr cho rằng, khí hậu Đức khô ráo nhưng sản phẩm Đức về Việt Nam chưa chắc đã tốt hơn sản phẩm của Trung Quốc nếu kỹ thuật của bếp không được cải tiến để phù hợp với khí hậu từng vùng.

Cùng lý giải về giá cả, chị H – nhân viên bán hàng tại cửa hàng bếp An Thịnh (Xã Đàn) tiết lộ “hàng Arber có lắp ráp tại Malaysia và Việt Nam”, dòng rẻ tiền thì lắp ráp tại Việt Nam, dòng giá tiền cao hơn thì lắp ráp tại Malaysia nhưng linh kiện đều nhập khẩu từ Đức.

Chị H tiết lộ thêm, dòng bếp Arber mã AB391 (giá 5,9 triệu) được lắp ráp tại Việt Nam, không phải chịu thuế nhập khẩu và tiết kiệm được chi phí nhân công nên giá thành rẻ. Còn bếp Arber mã AB396, có giá bán ra là 11,350 triệu đồng lại được sản xuất tại Malaysia. Khi được hỏi nhà máy đặt ở đâu thì nhân viên này bật mí: “Nhà máy sản xuất đặt tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh”.

Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội quảng cáo gian dối

“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo giadinh