Ly đồng đẹp, sang quý có nên dùng để uống rượu được không?

Từ xưa đến nay ly, chén uống rượu rất quan trọng trong mỗi bữa tiệc. Dân thường thì dùng chén rượu. Các bậc vua chúa, quan lại xưa hay dùng ly đồng thể hiện uy quyền, đẳng cấp sang quý… Vậy ly đồng có độc hại và có nên dùng để uống rượu không?

Gần đây một số nhà sản xuất giả cổ đã lấy lại thiết kế ấn tượng của ly rượu đồng thời xưa làm từ chất liệu hợp kim kẽm, mạ đồng bên ngoài, có quai cầm rất tiện lợi khi uống rượu. Hình dáng ly đồng uống rượu thiết kế độc đáo và tinh xảo, sang trọng với những họa tiết sắc nét đậm chất cổ xưa. Hợp kim mạ mặt ly đồng dày dặn, chắc chắn, không gỉ sét, có 3 chân trụ vững chãi.

ly-dong-dep-sang-quy-co-nen-dung-de-uong-ruou-duoc-khong

Ly đồng giả cổ thiết kế tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh minh họa.

Ly đồng uống rượu lòng rỗng có đường kính khoảng 4cm, được giới thiệu là dùng để uống rượu, hoặc trưng bày rất đẹp và độc đáo. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đồ đồng gặp muối, a xít sẽ thôi ra rỉ đồng màu xanh. Rỉ đồng rất độc hại, vào cơ thể rất dễ gây ngộ độc và bị nôn.

Trong rượu có cồn và ôxy hóa thành axít ngay trong không khí. Axít lại tác động mạnh với đồng thành rỉ đồng có màu xanh. Có ý kiến cho rằng lấy rượu mạnh (hoặc cồn nặng) lau đồ đồng thì một lúc sau sẽ thấy đồng bị rỉ ra màu xanh ngay, và nếu để qua đêm thì đồ đồng thành xanh lè. Nói chung kim loại đồng gặp muối và các chất axít lập tức xảy ra phản ứng hóa học độc hại, có lẽ vì thế nên từ xa xưa các cụ đã không sản xuất chai đồng đựng rượu.

Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ uống rượu một lần trong ly bằng đồng thì hàm lượng rỉ đồng rất ít (và vì hàm lượng rỉ đồng loãng nên bình thường không thấy rỉ đồng thôi ra), nhưng dùng nhiều lần thì rỉ đồng tích tụ trong cơ thể sẽ có thể gây ngộ độc.

Từ xa xưa chất liệu đồng là kim loại dẫn nhiệt, giữ nhiệt tốt nhất, là vật liệu để chế tác các dụng cụ dùng cho việc ăn uống như nồi đồng, mâm đồng, chậu đồng, ly rượu đồng... và chỉ có nhà quan lại, giàu có mới tậu được.

Các cụ xưa dùng nồi đồng để nấu cơm, nhưng kiêng dùng nồi đồng để nấu thức ăn, càng kiêng dùng nấu ăn các món có vị chua như chanh, quả sấu, khế chua hoặc dấm chua... (những thứ có a xít). Đồ đồng dùng xong các mẹ, các chị còn phải dùng cát, xơ mướp thường xuyên chà sạch cho bóng, sáng.

Chính vì những nghi ngại trên, nhiều ý kiến cho rằng ly rượu bằng đồng thời cổ thì chỉ nên để trưng bày như đồ cổ, không nên dùng để đựng rượu, uống rượu kẻo có nguy cơ rước họa vào thân. Muốn dùng ly kim loại uống rượu thiết kế tinh xảo, thể hiện đẳng cấp thì chỉ nên dùng ly uống rượu bằng bạc.

Nhận định về việc này, Giáo sư – Tiến sĩ Hóa học Trần Hồng Côn (Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho biết, xưa các cụ đã dùng nồi đồng – chủ yếu làm từ đồng đỏ để nấu rượu. Nếu những nồi đồng đó để ẩm, có muối thì sẽ thôi ra rỉ đồng độc hại có màu xanh, chỉ cần chà xát, rửa đi là sạch. "Nhưng đó là ngày xưa các cụ dùng, chứ ngày nay có nhiều vật dụng làm đồ nấu rượu, đựng rượu tốt hơn nên nồi đồng, ly đồng không còn phổ biến nữa"- GS.TS Trần Hồng Côn nói.

Cũng theo GS.TS Trần Hồng Côn, ly đồng nếu đựng rượu lạnh (không có dấm), độ cồn thấp và không có dấu hiệu thôi nhiễm thì dùng được, bởi kim loại không thôi ra và gây hại cho người uống với rượu có hàm lượng thấp (từ 45 độ trở xuống).

Nếu ly làm bằng chất liệu đồng dùng uống rượu mà có rỉ màu xanh thôi ra thì hàm lượng rượu đó phải rất cao mới gây phản ứng hóa học đó.

Theo GiaDinh