Lý do nên tránh ngủ tầng cao nhất hoặc thấp nhất của khách sạn

Cựu nhân viên CIA Mỹ cho rằng phòng ở tầng cao nhất hoặc thấp nhất không phải nơi an toàn nhất trong khách sạn.

"Bạn tìm kiếm điều gì khi đặt phòng khách sạn: gần bể bơi, view đẹp? Hóa ra điều quan trọng nhất lại là nó không nên nằm ở tầng trệt hoặc tầng cao nhất của tòa nhà", đó là ý kiến của lính hải quân về hưu kiêm cựu nhân viên CIA Drew Dwyer.

Trước tình hình những vụ tấn công khủng bố nhắm vào du khách ngày càng gia tăng, Drew đã chia sẻ những nguyên tắc an toàn khi đi nghỉ dưỡng trên Sofrep.

Drew nói: "Tầng thấp là nơi những kẻ tấn công dễ dàng xâm nhập, tầng một hoặc hai thường có lối đi dành cho các phương tiện khẩn cấp. Trong khi đó những tầng cao thường ít lựa chọn về lối thoát hiểm khi có sự cố xảy ra".

Phòng cao nhất của khách sạn sẽ có view đẹp, nhưng lại không an toàn nếu xảy ra khủng bố. Ảnh: CNN.
Phòng cao nhất của khách sạn sẽ có view đẹp, nhưng lại không an toàn nếu xảy ra khủng bố. Ảnh: CNN.

Cựu nhân viên CIA này cũng khuyên ngay khi nhận phòng, du khách nên để ý tới sơ đồ thoát hiểm thường được dán sau cánh cửa ra vào. Nếu không tìm thấy sơ đồ dán sẵn ở trong phòng hay hành lang khách sạn, du khách nên yêu cầu lễ tân cung cấp bản sao. Ông nói thêm: "Hãy sắp xếp một chiếc túi nhỏ, trong đó có vài đồ vật không thể thiếu như tiền, giấy tờ tùy thân, hộ chiếu... để đề phòng trường hợp khẩn cấp".

Randy Spivey, giám đốc trung tâm về tự vệ và an toàn cá nhân, nhận định: "Trong những tình huống xấu nhất, bạn cần tuân thủ 3 nguyên tắc, cho dù đang ở sân bay, quán cà phê hay khách sạn, đó là: tẩu thoát, ẩn nấp và khống chế.

Tẩu thoát

Randy trả lời Sun: "Mọi chuyện sẽ diễn biến khá nhanh khi một tên khủng bố có vũ trang xuất hiện, bạn phải cố gắng thoát khỏi đó càng sớm càng tốt, hãy chạy ra ngoài và tìm nơi trú ẩn cách xa hiện trường".

Randy khuyên du khách hãy tin vào bản năng, phản ứng càng nhanh càng tốt: "Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng nhiều người chỉ biết đứng như trời trồng khi có biến cố".

Ẩn nấp

Randy cho rằng: "Nếu bạn không thể ra ngoài vì có vật cản trên đường dẫn đến lối thoát hiểm, hãy tìm một chỗ nấp - một nơi bạn có thể lập rào chắn bảo vệ mình. Hãy vào phòng tắm hoặc tủ quần áo, khóa trái cửa để không ai có thể tiếp cận".

Khống chế

Lựa chọn thứ ba được áp dụng khi bạn ở rất gần khu vực nguy hiểm, nhưng bạn không có cách nào khác ngoài việc khống chế kẻ tấn công đang cầm súng.

"Trong vụ thảm sát xảy ra trong hộp đêm ở Orlando vào năm 2016, chỉ có đúng một người đàn ông cầm súng xả vào đám đông. Vậy nên nếu bạn ở cùng 5 hoặc 6 người khác, hãy tiếp cận kẻ tấn công từ đằng sau và đoạt lấy súng, ghì chặt hắn xuống sàn và khóa tay lại", Randy giải thích.

Mặc dù ba nguyên tắc trên là những điều cơ bản nhất để sống sót qua những vụ khủng bố, Randy e ngại rằng vấn đề lớn nhất thuộc về những người không thể nhúc nhích khi gặp nguy hiểm.

"Với người bình thường chưa được tập huấn, phản ứng thông thường là giật mình, sợ hãi và ôm chầm lấy một người đứng gần. Đây là điều tệ nhất bạn có thể làm. Hơn nữa, giả chết là hạ sách - nhiều người có thể giữ mạng sống nhờ cách này, song nó không phải giải pháp được chuyên gia khuyến khích", ông nói.

Phạm Huyền

Thep VnExpress