Lý do không nên bảo quản trứng ở cánh cửa tủ lạnh

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bảo quản trứng trong tủ lạnh tốt hơn để ở ngoài nhiệt độ thường, tuy nhiên không nên đặt ở cánh cửa tủ lạnh.

Trứng là thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu. Ngoài ra, trong lòng đỏ trứng cung cấp nhiều chất béo, vitamin và khoáng chất như: sắt, viatmin A, kẽm

Trứng chứa nhiều protein nhưng ít calorie và carbohydrate. Dùng trứng cho bữa sáng có thể giúp giảm cân. Một quả trứng lớn chỉ chứa khoảng 78 calorie. Trứng là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin tốt. Những chất chống ô xy hóa này có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể - 2 căn bệnh về mắt phổ biến trong dân chúng. Trứng có chứa choline, vốn là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà phần lớn mọi người không hấp thu đủ. Chất này giúp tăng khả năng nhận thức và ngăn ngừa rối loạn thần kinh.

Hầu hết các gia đình đều dự trữ trứng trong tủ lạnh, nhưng không phải ai cũng biết bảo quản trứng đúng cách. Theo bác sĩ Tạ Tùng Duy, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cánh cửa tủ lạnh là vị trí mọi người thường bảo quản trứng, tuy nhiên việc này không phù hợp. Đây là nơi có nhiệt độ thường xuyên bị thay đổi mỗi lần đóng - mở, khuyến khích các vi khuẩn phát triển và làm suy yếu lớp màng bảo vệ của trứng, từ đó tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, dẫn đến trứng nhanh bị hỏng.

ly-do-khong-nen-bao-quan-trung-o-canh-cua-tu-lanh

 Không nên bảo quản trứng trong cánh cửa tủ lạnh. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, có thể đặt trứng vào các khay chuyên dụng, đóng kín nắp, tránh hấp thu mùi và hương vị từ các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Nên để khay/hộp trứng ở phần giữa hoặc ở phần sâu hơn trong tủ lạnh, nhiệt độ cần luôn ổn định mức dưới 20 độ C.

Mặt khác, bảo quản trứng trong tủ lạnh tốt hơn để bên ngoài nhiệt độ thường. Theo TS Duy, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trứng tươi được bảo quản ở nhiệt độ phòng sẽ giảm chất lượng sau vài ngày, cần sử dụng trong vòng 1-3 tuần.

Trong khi đó, trứng được bảo quản trong tủ lạnh sẽ duy trì chất lượng và độ tươi lâu hơn, ít nhất gấp đôi so với trứng bảo quản ở nhiệt độ thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời gian bảo quản trứng tối đa từ 3-5 tuần, lưu ý tránh sử dụng trứng đã có thời hạn quá lâu.

TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẳng định người dân có thể ăn trứng gà hằng ngày, mỗi ngày từ 1-2 quả, không nhất thiết phải kiêng khem như những khuyến nghị trước đây.

Về bảo quản trứng, theo Tiến sĩ Nga, quả trứng gà khi mới được đẻ ra luôn có một lớp phấn hồng. Đó là lớp bảo vệ, ngăn vi khuẩn không xâm nhập vào. Khi có lớp phấn đó, trứng gà đem ấp sẽ có khả năng nở cao. Tuy nhiên, dù có lớp phấn hồng nhưng vì trứng gia cầm được đẻ ra theo con đường đi cùng với phân nên có rất nhiều loại vi khuẩn. Đơn cử, trong trứng vịt hay trứng ngỗng có rất nhiều vi khuẩn salmonella - loại vi khuẩn gây ra tỉ lệ nhiễm độc rất lớn.

Vì thế, với những loại trứng được mua ở siêu thị hay mua ở chợ về với mục đích sử dụng làm thực phẩm (không sử dụng trứng để ấp nở) thì các bà nội trợ phải vệ sinh trứng trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản.

Các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, cho rằng nếu không lau rửa trứng sạch sẽ trước khi cho vào tủ lạnh thì đây sẽ là nguồn lây nhiễm vi khuẩn. Nếu mua ở các chợ dân sinh, TS Nga khuyên nên rửa nhanh, tốt nhất là rửa bằng nước muối pha nhạt, hoặc có thể rửa bằng nước sạch bình thường, sau đó lau khô quả trứng, cất vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu mua ở các siêu thị, trứng đã được vệ sinh rồi thì không cần vệ sinh nữa.

Theo VietQ