Lương 8 triệu/tháng quanh năm đi ăn hàng, 9X dư tài khoản 100 triệu

Bị nhiều người chỉ trỏ vì lương chỉ 8 triệu đồng/tháng, ở nhà thuê lại quanh năm đi ăn hàng, song ít ai biết, dù lê la hàng quán ăn hết món này đến món khác, cô nàng 9X tên Phương Nhã vẫn tiết kiệm được cả trăm triệu đồng/năm.

Ra trường đi làm được gần một năm, Nguyễn Lê Phương Nhã (sinh năm 1995) ở Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu thích lê la hàng quán ăn uống. Đến nay, sau 4 năm đi làm, mức lương của Nhã vẫn chỉ 8 triệu đồng/tháng nhưng tần suất đi ăn hàng này một nhiều hơn. Đôi khi, cả tuần liền cô không tự nấu ăn được một bữa nào.

Nhiều người chỉ trỏ nói cô nói lương thấp, còn ở nhà thuê mà tiêu xài hoang phí, đi ăn hàng quanh năm ngày tháng.

Nhã thừa nhận, sau 4 năm làm công việc hành chính đúng chuyên ngành mình học, khá nhàn nên lương cũng chỉ được 8 triệu đồng/tháng. So với bạn bè cùng trang lứa, lương của cô thuộc diện thấp. Khoản tiền này cũng vừa đủ để cô thuê một căn phòng, trang trải chi phí sinh hoạt, mua sắm váy áo, biếu bố mẹ hàng tháng. Tính ra, cô không dư đồng nào, đôi khi còn bị âm.

Còn chuyện đi ăn hàng quanh năm, Nhã tiết lộ, những lần đi ăn đó đều được chủ hàng miễn phí hoàn toàn, thậm chí cô được trả phí từ 600.000 đồng cho tới cả triệu đồng mỗi lần.

luong-8-trieuthang-quanh-nam-di-an-hang-9x-du-tai-khoan-100-trieu

Đi ăn không chỉ được miễn phí, cô nàng 9X Phương Nhã còn được chủ quán trả thêm tiền

 

Cô nàng 9X Phương Nhã cho biết, những năm nay, những người đi ăn được miễn phí như cô không hiếm, thậm chí có một lực lượng đông đảo các bạn trẻ làm công việc này. Mọi người thường gọi là food reviewer - tức người đi ăn và đánh giá các món ăn, giới thiệu cho người khác thông qua các kênh trên nền tảng mạng xã hội.

Các tài khoản mạng xã hội của Nhã không hot, rất ít người theo dõi. Nhưng các fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội chuyên về ăn uống hiện nay nhiều, lượng follow (người theo dõi) lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu. Cô có sở thích đi ăn, chụp ảnh viết review đăng lên những hội nhóm này.

“Cũng giống như người khác, mình đi ăn đều tự bỏ tiền túi. Chụp ảnh rồi viết review đăng lên chỉ để cho vui, chia sẻ địa chỉ ăn ngon, không ngon cho mọi người cùng biết”, Nhã nói. Sau đó, cô bắt đầu được các chủ nhà hàng liên hệ, mời đến ăn trải nghiệm được trả phí, bởi họ thấy những bài review mà cô viết nhận được rất nhiều tương tác trên mạng xã hội.

Cũng từ đó, Nhã có thêm nghề tay trái là food reviewer.

Cô chia sẻ, những ngày đầu tiên làm một food reviewer, các hàng quán nhắn tin mời không nhiều. Cô nàng cũng chưa tự tin với những bài review của mình nên chọn cách đến ăn trải nghiệm, không lấy phí các chủ hàng, hoặc chỉ lấy phí khi bài đạt lượng tương tác nhất định. Mức phí mới đầu cô nhận cũng chỉ trên dưới 500.000 đồng/bài.

Làm được một thời gian thì Nhã bắt đầu quen và tự tin hơn. Các chủ nhà hàng, quán ăn cũng mời cô tới ăn trải nghiệm rồi viết bài quảng bá nhiều hơn. Mỗi lần như vậy, cô không chỉ được ăn miễn phí mà khi về còn được trả từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng tuỳ thoả thuận. Việc này vừa giúp cô được thưởng thức các món ăn ngon, mới lạ, lại vừa giúp cô tiết kiệm được một khoản tiền ăn lớn mỗi tháng.

Công việc của Nhã là làm giờ hành chính. Thế nên, buổi trưa và buổi tối các ngày trong tuần cô đều có thể tranh thủ đi ăn trải nghiệm. Có buổi sẽ đi ăn đồ nướng, đồ Nhật, Hàn, đồ ăn vặt, các món ăn hot trend, món mới lạ, hoặc trải nghiệm đồ uống mới là các loại trà, cà phê...

luong-8-trieuthang-quanh-nam-di-an-hang-9x-du-tai-khoan-100-trieu

Nhờ nghề đi ăn này mà mỗi năm cô tiết kiệm được một khoản tiền kha khá

 

Theo Nhã, để làm food reviewer cũng cần có cái duyên, biết chụp ảnh sao cho món ăn ngon, bắt mắt, viết review hấp dẫn, song quan trọng nhất là phải có viết chân thật theo đúng những gì mình cảm nhận.

Nguyên tắc của cô mỗi lần đi ăn trải nghiệm là sẽ nhận xét góp ý đúng về chất lượng đồ ăn, ngon hay không ngon, điểm nào được và chưa được.

Nếu đồ ăn, thức uống đạt từ 7-8 điểm trở lên (thang điểm tự đặt ra theo cảm nhận được mình), cô sẽ review trên các hội nhóm để quảng bá cho quán. Còn số điểm thấp hơn thì cô từ chối làm. Bởi, đồ ăn không ngon, thức uống dở tệ mà về vẫn cố viết để lấy tiền thì uy tín bản thân bị ảnh hưởng, lâu dần sẽ không ai tin tưởng những bài review của cô nữa.

"Cũng may, đến thời điểm này gần như mình chưa bị cộng đồng mạng phản ứng vì review không chuẩn. Mọi người thường đồng tình với bài viết của mình", Nhã nói.

Một tuần trung bình cô nhận đi ăn uống trải nghiệm khoảng 8-10 lần. Trong đó, 2 ngày cuối tuần thường lịch đi ăn trải nghiệm kín cả trưa lẫn tối. Thậm chí, nếu nhận được lời mời trải nghiệm đồ uống, cô còn có thể tận dụng hết khoản thời gian cuối tuần. Đây chính là lý do cô bị mọi người chỉ trỏ lương thấp nhưng suốt ngày đi ăn hàng.

Song, ít ai biết rằng nhờ công việc tay trái này mà mỗi tháng cô có thể kiếm được khoảng từ 15-20 triệu đồng. Thế nên, dù đi làm lương chỉ 8 triệu đồng/tháng nhưng mỗi năm, Nhã vẫn tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng.

Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, dịch vụ ăn uống có một khoảng thời gian dài bị “đóng băng”. Thu nhập từ công việc food reviewer của cô bị giảm đáng kể. Nhưng thời điểm này, hàng quán được mở bán trở lại, chủ hàng tranh thủ quảng bá, cô cũng nhận được nhiều lời mời đi ăn trải nghiệm hơn. Nhiều khi còn phải từ chối bớt vì không sắp xếp được thời gian.

Nhã cho biết, công việc này của cô có chiều hướng tốt lên. Vì vậy, cô tính toán có thể sang năm cô sẽ mua một căn hộ nhỏ khoảng 45m2 từ khoản tiền tiết kiệm của mình sau 4 năm làm một food reviewer. Khoản tiền này chưa đủ, phải vay thêm nhưng cô sẽ cố gắng kiếm tiền bằng công việc đi ăn trải nghiệm để thực hiện mơ ước có một căn nhà cho riêng mình ở Hà Nội.

Theo Vietnamnet