Loạn phí khám sức khoẻ đi xuất khẩu lao động: Ai đang trục lợi?

Người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài với ước mơ đổi đời đang phải oằn mình gánh nhiều khoản phí “giời ơi đất hỡi”. Ai đang trục lợi phí của người lao động?

Những người dân nghèo có nhu cầu xuất khẩu lao động đang bị chính những đơn vị tuyển dụng, “cò” lào động  “móc túi” nhưng không hề hay biết hoặc có chăng họ phải cắn răng chịu đựng để theo đuổi mong muốn, ước mơ vượt lên số phận nơi đất khách xứ người.

Để trúng sơ tuyển vào một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì người lao động phải có sức khỏe tốt. Cánh cửa đầu tiên người lao động phải bước qua đó là bệnh viện.

Một ngày đầu tháng 11/2019, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Tràng An ghi nhận tình trạng “cò” sức khỏe hoạt động nhộn nhịp, công khai, diễn ra trong thời gian dài.

Trong vai người có nhu cầu đi XKLĐ sang Nhật Bản, chúng tôi bắt mối được với “cò” Quyền. Quyền nhận mình có người nhà trong bệnh viện và dẫn chúng tôi làm giấy khám sức khỏe. Chỉ cần đưa cho Quyền 3 ảnh, chứng minh nhân dân là có thể hoàn tất được hồ sơ để khám sức khỏe.

Quyền dẫn chúng tôi vào Bệnh viện Tràng An. Tại đây, “cò” sức khỏe nhốn nháo. Người có nhu cầu khám sức khỏe chật như nêm. Qua vài thao tác, Quyền dán ảnh lên bộ hồ sơ và chuyển đến cho nhân viên đóng dấu. Những con dấu được người này nhanh tay đóng lên các bộ hồ sơ xếp chồng.

Số tiền chúng tôi phải đưa cho Quyền là 550.000 đồng nếu muốn “lấy nhanh”. Số tiền này được đưa trực tiếp cho Quyền, không hề có hóa đơn, phiếu thu tiền.

Quá trình khám, mặc dù phóng viên là người khỏe mạnh bình thường nhưng được phía bác sĩ chỉ định đóng trực tiếp thêm 100.000 đồng để được tra thuốc vào tai. Số tiền này cũng không có hóa đơn chứng từ của Bệnh viện Tràng An.

Theo ghi nhận, số lượng người có nhu cầu khám sức khỏe để xuất cảnh tại bệnh viện này rất lớn. 

Cũng tại đây, phóng viên đã tiếp xúc với nhiều lao động đăng ký đơn hàng của nhiều công ty xuất khẩu lao động, số tiền họ phải đóng lên đến gần 1 triệu đồng cho một lần khám sức khỏe.

Những mức phí chênh lệch này thu của người lao động cũng được chính các nhân sự của công ty xuất khẩu lao động thừa nhận.

Hoạt động chuyên nghiệp và bài bản hơn ở Bệnh viện Tràng An, tại Bệnh viện Giao thông Vận tải, căn phòng số 08 của tòa nhà A của bệnh viện được bố trí dành riêng cho chị Hà và một người phụ nữ khác tiếp đón lao động đến từ nhiều công ty khác nhau.

loan-phi-kham-suc-khoe-di-xuat-khau-lao-dong-ai-dang-truc-loi

Chị Hà được cho rằng là người nhà của lãnh đạo tập đoàn T.M... trước đây hoạt động về xuất khẩu lao động. Mỗi ngày tại Bệnh viện GTVT có hàng trăm lao động đến khám, mỗi lao động chị Hà thu từ 700 - 950.000 đồng.

Trong vai người có nhu cầu đi lao động nước ngoài, chị Hà yêu cầu chúng tôi đóng 700 nghìn đồng phí khám sức khỏe. Phía ngồi đối diện với chị Hà, người phụ nữ kia cũng thu tiền khám sức khỏe của lao động. Một số lao động khác gần xuất cảnh được 2 người này thu 950 nghìn đồng/ người. Tiền được nộp trực tiếp và không có hóa đơn, chứng từ.

Empty

Đây là người ngồi đối diện với chị Hà. Chị này vừa thu tiền vừa ghi chép danh sách lao động khám sức khỏe.

Mặc dù đã đóng tiền, thế nhưng  khi chúng tôi đòi hỏi hóa đơn hay phiếu thu tiền thì nhận được câu trả lời là “thu tiền cho công ty thì lấy đâu phiếu thu nếu đến nhận trực tiếp thì viết phiếu thu”. Một sự giải thích nghịch lý với câu trả lời trước đó là “hồ sơ khám sức khỏe sẽ được gửi về địa chỉ công ty xuất khẩu lao động mà chúng tôi đã đăng ký trước đó”.

Một nguồn tin xác thực phóng viên thu thập được, chị Hà là người nhà của một tập đoàn T.M. trước đây hoạt động mảng chính là xuất khẩu lao động. Thế nhưng, sau khi trở thành đại gia từ xuất khẩu lao động, tập đoàn này đã rút hết cổ phần và bán lại giấy phép con cho các công ty xuất khẩu lao động khác.

Với uy tín và vị thế lâu nay của mình, tập đoàn T.M...này bố trí "người nhà" phụ trách mảng thu phí khám sức khỏe tại các bệnh viện. Gần chục công ty con này bắt buộc phải đưa lao động "qua tay" những người này.

Sau nhiều ngày ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày, tại mỗi bệnh viện nói trên có hàng chục đến hàng trăm lao động đến khám sức khỏe. Họ phải đóng số vượt quá quy định. Vậy, số tiền thu chênh lệch trên đang chảy vào túi ai?

Theo GiaDinhVietNam