Loạn phí đưa người đi xuất khẩu lao động, ai sẽ hưởng lợi?

Theo ghi nhận, việc thu phí đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay đang được không ít công ty ra sức “chặt chém”, thu phí trái quy định?

Thời gian qua, Báo Gia đình Việt Nam nhận được phản ánh về việc một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hiên ngang thu phí “trên trời” đối với người lao động khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Trước sự việc đó, phóng viên đã ghi nhận thực tế điều tra tại một số công ty XKLĐ để làm rõ thông tin mà người lao động phản ánh, cũng như làm rõ những “góc khuất” trong hoạt động của các công ty đưa người trong nước ra thị trường ở nước ngoài.

Quinn Hà Nội thu phí "khủng"?

Trong vai người có nhu cầu đi XKLĐ ở nước ngoài tại thị trường Nhật Bản, phóng viên đã đến Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại & Dịch vụ Quinn Hà Nội, tại số 49 Đường Vệ Hồ, Phường Xuân La (Quận Tây Hồ, TP Hà Nội).

Theo sự chỉ dẫn của lễ tân, phóng viên được nhân viên tên Lực tiếp đón và tư vấn tại văn phòng tầng 4 của công ty Quinn Hà Nội.

Loạn phí đưa người đi xuất khẩu lao động, ai sẽ hưởng lợi?

Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại & Dịch vụ Quinn Hà Nội. 

Bên cạnh sự ồn ào của lớp học tiếng (theo Lực là đang học tiếng để đi Đài Loan) ở phòng kế bên thì phóng viên được Lực tư vấn đi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với công việc làm xây dựng, giàn giáo với thời hạn là ba năm.

Về các khoản phí khi tham gia XKLĐ tại công ty Quinh thì Lực tư vấn, người lao động phải đóng một số khoản tiền như: Tiền đặt cọc đơn hàng trước khi thi là 10 triệu đồng, tiền học 12 triệu, ngoài các khoản trên thì người lao động phải đóng chi phí là 140 triệu? Bên cạnh đó, tiền ăn trong thời gian ôn thi và học từ 5 tháng rưỡi đến 6 tháng tại một trung tâm đào tạo tiếng của công ty ở Bắc Ninh. Tiền khám sức khỏe 600 ngàn đồng.

“Việc khám sức khỏe người lao động có thể khám tại Bệnh viện Tràng An hoặc Bệnh viện Hồng Ngọc, đi khám sức khỏe có thể người lao động tư đi hoặc sẽ được người của công ty dẫn đi, bên cạnh một số tiền nêu trên thì còn các khoản tiền phát sinh khác thì người lao động phải tự lo”- Lực nói.

Theo Lực, nếu đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật với công việc làm xây dựng tại công ty thì chi phí khoảng 180 triệu là đi được?!

Như vậy, với mức phí mà công ty Quinh đang thu của người lao động tham gia đi xuất khẩu ngoài nước, liệu rằng giấc mơ thoát nghèo của người lao động nghèo các tỉnh lẻ liệu có thực hiện được, hay chính họ sẽ trở thành con nợ khi không may mắn đi trúng những công ty XKLĐ đang thu phí trái với qui định?!

Người lao động nghèo chịu thiệt?

Để làm rõ việc thu phí XKLĐ, phóng viên tiếp tục tiếp cận công ty TNHH MTV Quốc tế Hà Nội, địa chỉ tại số 164B Đội Cấn, Phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Có mặt tại văn phòng điều hành đóng tại tầng 5, số nhà 20 Bích Câu, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP Hà Nội chúng tôi được anh Nguyễn Văn Quang, giới thiệu là Phó giám đốc công ty đứng ra tư vấn.

Mở đầu cuộc tư vấn, để người lao động tin tưởng, Quang khẳng định, đi xuất khẩu lao động công ty này là đúng đắn và an tâm, nếu đi không được công ty sẽ hoàn lại tiền và không mất bất kỳ một đồng nào.

Loạn phí đưa người đi xuất khẩu lao động, ai sẽ hưởng lợi?

Anh Nguyễn Văn Quang khi đang tư vấn. Ảnh cắt video

Quang cho biết, hiện tại công ty anh có mấy chương trình đi đi như sau:

Thứ nhất là đi Belarus, với chi phi là 3000 USD, nếu đến đăng ký trực tiếp tại công ty thì được giảm 5 triệu đồng, lương thì được khoảng 15 triệu/1 tháng, người lao động được ở chung cư.

Thứ hai là đi Đài Loan làm xây dựng, copha, giàn giáo…, lương chỉ 16 - 18 triệu/1 tháng, nếu chịu khó, chăm chỉ và tay nghề tốt thì có thể được 20 - 22 triệu/1 tháng.

Còn ở thị trường Nhật, ngày 5/4 công ty sẽ phỏng vấn ở Gia Lâm, chi phí đi là 5.500 USD, chưa tính tiền ăn.

Về thời gian đi xuất khẩu lao động tại Nhật, vị này tư vấn, đi xây dựng ở Nhật thì được 3 năm, có người được đi 5 năm

Về hình thức đóng tiền, Quang cho biết, khi trúng tuyển phải đặt cọc 10 triệu đồng, sau khi trúng tuyển trong vòng 1 tuần nộp 50 triệu, sau đó khi có giấy tờ xuất cảnh đóng tiếp số tiền còn lại và thời gian xuất cảnh cho đơn xuất khẩu lao động theo công việc xây dựng khoảng 4 tháng.  

Trước thông tin trên, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với đại diện phía Công ty Quốc tế Hà nội để có thông tin khách quan.

Khi gặp phóng viên, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc lại cho rằng, hiện hồ sơ đi thị trường lao động Nhật đang chững lại hết từ tháng 11 năm ngoái (2017), do đang chờ Hướng dẫn mới  từ phía Nhật để ra chi phí?!

Ông Quang còn quả quyết với phóng viên phí bên công ty anh chỉ thu 3.600 USD, trong khi trước đó chính ông này còn tư vấn chi phí đi Nhật là 5.500 USD?

Với mức phí thu trong việc đưa người đi XKLĐ như trên có thể thấy rằng, người chịu thiệt nhất vẫn là những lao động nghèo. Và việc thu phí vượt quy định của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội như trên thì thật đáng e ngại?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện việc thu phí đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được không ít công ty ra sức “chặt chém”, "móc túi" của người nghèo khi có nhu cầu đi XKLĐ là rất lớn.

Đáng chú ý phải kể đến như Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS Group; Công ty xuất khẩu lao động Tic... (Nội dung sẽ được báo Gia đình Việt Nam đăng tải trong các kỳ tiếp theo). 

Câu hỏi đang được đặt ra, ai sẽ hưởng lợi từ những khoản thu “vượt quy định” như vậy? Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) có biết điều này hay không?

Theo GiaDinhVietNam