Loại quả trưng bàn thờ sau đó thường bỏ đi, ai ngờ là thuốc quý bổ gan, phổi, dạ dày

Phật thủ là loại quả thường được trưng lên bàn thờ, có ý nghĩa mang lại sự may mắn. Loại quả này cũng là thuốc quý dưỡng nhiều tạng trong cơ thể.

Nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y (Hà Nội) cho biết cây phật thủ có thân, lá, vỏ quả đều chứa tinh dầu, nhiều vitamin B1, B6, B12, C, E… và các khoáng chất như kẽm, canxi, sắt, selen…

Phật thủ là giống cây bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản, được trồng khá phổ biến ở Việt Nam.

Theo Đông y, phật thủ có vị cay, chua và đắng, tính ấm; vào can vị phế; có tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Phật thủ được dùng cho các trường hợp đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho, hen phế quản nhiều đờm, khó thở. Liều dùng: 02-10g quả khô, dưới dạng nấu, hãm uống.

Đại tá Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) cho biết phật thủ không chỉ là loại quả trưng bàn thờ cho đẹp mà còn là thuốc quý cho dạ dày, tiêu hoá. Tại Ấn Độ, phật thủ được dùng để chống nôn, hạ sốt, vỏ quả dung an thần, chữa nhức đầu, hạ sốt. Còn tại Trung Quốc, phật thủ được dùng kết hợp với các vị thuốc khác giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan.

loai-qua-trung-ban-tho-sau-do-thuong-bo-di-ai-ngo-la-thuoc-quy-bo-gan-phoi-da-day

Phật thủ, ảnh minh hoạ.

Theo Lương y Bùi Hồng Minh, quả phật thủ được dùng làm dược liệu khá phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì công dụng làm thuốc của phật thủ không được nhiều người lưu tâm đến.

Phật thủ là loại quả quý, rất tốt cho tiêu hoá. Người chán ăn, không tiêu, đau mỏi lưng có thể dùng 50g quả phật thủ thái mỏng, xuyên tiêu 12g, sa nhân 12g, tiểu hồi hương 12g; tất cả tán bột, hoà nước sôi để ấm rồi uống. Liều lượng: ngày uống 2 lần.

Trường hợp đau bụng do lạnh có thể dùng phật thủ khô 15g, gạo rang 30g; sắc uống ngày 3 lần. Những ai muốn dùng phật thủ để hỗ trợ tiêu hoá có thể dùng 15g gạo, 100g đường phèn, nấu phật thủ lấy nước rồi nấu cháo ăn vào các buổi sáng.

Người gan bị tổn thương do viêm có thể dùng phật thủ khô 9 g; bại tương thảo (dưới 10 tuổi thì mỗi một tuổi dùng 1g, trên 10 tuổi thì tăng mỗi 2 tuổi dùng 1g). Cách dùng: sắc với nước, pha đường, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi liệu trình 10 ngày.

Theo nhà khoa học Lương y Bùi Đắc Sáng, phật thủ có tác dụng bổ phổi chữa ho đờm, viêm khí quản rất hiệu quả. Cách dùng phật thủ làm thuốc: phật thủ 6g, bán hạ chế 6g; sắc uống trong ngày. Trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi có thể dùng phật thủ 10 - 15g, gạo tẻ 60 - 80g nấu cháo ăn giúp bệnh nhanh khỏi.

Một số bài thuốc khác từ phật thủ:

- Chữa đầy bụng, biếng ăn, nôn mửa: phật thủ 03-10g, sắc uống hoặc ngâm rượu.

- Chữa viêm loét tá tràng: phật thủ 10g. Rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày 1 lần.

- Chữa đau bụng kinh: phật thủ tươi 30g, đương quy 6g, gừng tươi 6g, rượu gạo 30g, nước vừa đủ. Sắc uống.

- Chữa phụ nữ bạch đới (khí hứ) ra nhiều: phật thủ 30g, lòng lợn non dài khoảng 0,5 - 1m. Ninh chín ăn liền 5-7 ngày.

- Chữa động kinh: rễ cây phật thủ 30g, gà mái tơ lông trắng 1 con làm sạch cho vào ninh chín gà. Uống nước, ăn gà.

- Chữa say rượu: phật thủ tươi 30g. Sắc nước uống.

Lương y cho biết khi dùng phật thủ làm thuốc cần phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ, tốt nhất nên dùng phật thủ do nhà trông được. Lưu ý người nhiệt, âm hư không nên dùng phật thủ.

Theo Toquoc