Lộ diện 'ông chủ' đứng sau CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà

Nhiều lần vướng sự cố, từ vỡ ống nước đến việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân có mùi lạ, CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà vẫn ghi nhận tình hình kinh doanh

Liên tục kinh doanh có lãi

CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đang trở thành tâm điểm của dư luận khi nguồn nước sinh hoạt doanh nghiệp này cung cấp có mùi khét, nhơn nhớt. Đây không phải lần đầu tiên Viwasupco bị "bêu tên" mà trước đó đơn vị này từng dính lùm xùm 21 lần vỡ đường nước.

Tuy nhiên, dù nhiều lần trải qua sự cố, song ở góc độ kinh doanh, Viwasupco lại khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra bất ngờ. Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2019 ghi nhận doanh thu bán hàng 154 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp hoạt động được cải thiện từ 57% lên 59%.

lo-dien-ong-chu-dung-sau-ctcp-dau-tu-nuoc-sach-song-da

 CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).

Nhu cầu sử dụng nước tăng cao khiến sản lượng bán ra của Viwasupco tăng hơn 24%, tương ứng 5,6 triệu m3. Doanh nghiệp cũng ghi nhận chi phí bán hàng tăng hơn 9 lần lên 600 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 39% lên gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, hai khoản doanh thu tài chính và chi phí tài chính của Viwasupco đều giảm mạnh so với quý II/2018. Tuy nhiên, những khoản chi phí nêu trên không tạo ảnh hưởng quá lớn đến kết quả lợi nhuận. Theo đó, doanh nghiệp lãi ròng 76 tỷ đồng trong quý II/2019, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, công ty đạt doanh thu 264 tỷ đồng và lãi ròng 127 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23% và 31%.

Trước đó, dù có tới 6 lần gặp phải sự cố vỡ đường ống nước truyền tải Sông Đà và biến động tỷ giá, song Viwasupco vẫn kết thúc năm 2015 với khoản lợi nhuận 147,2 tỷ đồng. Báo báo 6 tháng đầu năm 2019 của Viwasupco cũng cho thấy giá trị xây dựng cơ bản dở dang đã tăng thêm 111 tỷ đồng. Việc giá trị xây dựng dở dang có sự gia tăng đáng kể do tăng khoản đầu tư vào trạm bơm tăng áp trị giá 521 tỷ đồng và giai đoạn 2 đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông 100 tỷ đồng.

Lộ diện "ông chủ" thực sự

Nhắc tới cái tên Viwasupco, nhiều nhà đầu tư vẫn nhớ tới CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Bởi nó vốn là doanh nghiệp dự án của Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) thực hiện dự án Nhà máy nước sạch Sông Đà. Tháng 4/2016, CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái đã mua 43,6% cổ phần VCW, song cổ đông lớn nhất của Viwasupco lúc này vẫn là Vinaconex, nắm giữ 51% cổ phần.

Cuối năm 2017, Vinaconex công bố bán toàn bộ cổ phần tại Viwasupco. Kết quả, CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái mua thành công 8,2 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp lên 50,42%. REE mua 17,34 triệu cổ phần còn lại và nắm tỷ lệ sở tữu tại doanh nghiệp là 34,68%.

Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau khi nắm tỷ lệ chi phối tại Viwasupco, CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái đã đăng ký thoái toàn bộ 25,21 triệu cổ phần đang sở hữu vào ngày 29/12/2017 và bán thành công vào ngày 4/1/2018. Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex mua vào 10 triệu cổ phần VCW để nâng tỷ lệ sở hữu tại Viwasupco từ 4,68% lên 24,68%.

Quá trình mua bán lòng vòng cổ phiếu VCW tiếp tục khi Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex đăng ký mua thêm 12 triệu cổ phần từ ngày 9/2/2018 tới 9/3/2018. Kết quả, công ty con của Tổng công ty Gelex mua thành công 11,21 triệu cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu lên 47,1%.

lo-dien-ong-chu-dung-sau-ctcp-dau-tu-nuoc-sach-song-da

 Nguồn nước CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp cho người dân có mùi lạ. Ảnh Internet

Hiện nay, Năng lượng Gelex là cổ đông lớn nhất của Viwasupco, xếp sau là REE với 34,68%. MB Capital và quỹ MBVF (thuộc MB Capital) có 3,3 triệu cổ phần, tương đương 6,6%. Tổng cộng 3 cổ đông lớn đang sở hữu 88,38% vốn Viwasupco. Còn lại 11,62%, tương đương 5,81 triệu cổ phần đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư khác. Trên webstie của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) hiện cũng đưa ra thông tin, Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX (GELEX Engery) có vốn điều lệ hiện tại là 2.300 tỷ đồng, do GELEX giữ 100% vốn.

Cũng cần nói thêm, GELEX Engery đã tham gia đầu tư vào 3 dự án nguồn phát điện với tổng công suất 122MW (Thủy điện Canan 1,2, Thủy điện Sông Bung, Trang trại điện Mặt trời Ninh Thuận). Công ty đồng thời cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch, một bộ phận quan trọng khác trong nhóm hạ tầng thiết yếu. GELEX Energy hiện đang sở hữu chi phối CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.

Thảo Nguyên (T/h)

Theo VietQ