Lấy heo Thái "đè" giá heo Việt

Các doanh nghiệp đăng ký nhập hàng trăm ngàn con heo Thái Lan nhằm hạ giá thịt heo, kể cả nhập heo giống từ nước này để tái đàn, cân bằng - cung cầu

Chỉ trong 10 ngày gần đây, giá heo mảnh tại chợ sỉ lớn nhất TP HCM đã giảm 10.000 đồng/kg dù heo thịt Thái Lan vẫn chưa chính thức về Việt Nam.

Chưa nhập, giá rục rịch giảm

Ngày 14-6, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TP HCM), cho biết giá heo mảnh tại chợ có xu hướng giảm trong những ngày gần đây nhờ giá heo hơi giảm.

Cụ thể, ngày 13-6, giá heo mảnh tại chợ đầu mối này còn 105.000 đồng/kg (loại 1), giảm 5.000 đồng/kg so với ngày 12-6. Còn so với đầu tháng 6, giá heo mảnh loại 1 đã giảm 10.000 đồng/kg, riêng heo mảnh loại 2 (mỡ nhiều) giảm đến 14.000 đồng/kg. Lượng thịt heo về chợ cũng tăng khoảng 500 con/ngày so với đầu tháng, ở mức từ 3.800-4.000 con/ngày.

Một thương lái chuyên kinh doanh thịt heo sỉ cho hay những ngày gần đây, lượng thịt heo tiêu thụ rất giảm nên giá giảm theo.

Thậm chí, một số nơi bán sỉ heo mảnh còn 95.000 đồng/kg và nhiều trại chào giá heo hơi chỉ còn 81.000-83.000 đồng/kg, thấp hơn mức giá đỉnh xấp xỉ 100.000 đồng/kg heo hơi hồi tháng 5.

lay-heo-thai-de-gia-heo-viet

Lô heo giống nhập khẩu từ Thái Lan của Công ty Thùy Dương Phát

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), VISSAN từng phải mua heo hơi ở mức giá 98.500 đồng/kg để giết mổ.

"Đến nay, giá heo hơi trong nước đã hạ nhưng vẫn còn ở mức cao. Chính sách cho phép nhập khẩu heo sống về giết mổ sẽ giúp cho giá heo bớt sốt. VISSAN không tham gia nhập khẩu trực tiếp vì không đủ điều kiện về trang trại cách ly nhưng có thể thu mua từ các nhà nhập khẩu khác để giết mổ, cung cấp ra thị trường" - ông An thông tin thêm.

Trong lúc giá thịt heo trong nước có dấu hiệu giảm nhẹ, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận cơ quan này đang thực hiện kiểm tra và cấp giấy đủ điều kiện cách ly heo sống nhập khẩu từ Thái Lan cho hàng loạt trang trại tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An.

Tại khu vực phía Nam, Công ty Thùy Dương Phát (tỉnh Đồng Nai) đã đăng ký nhập 120.000 con heo thịt sống từ Công ty Rukshinedan Limited Partnership (Thái Lan) từ nay đến hết tháng 8.

Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (TP Hà Nội) cũng đăng ký nhập khẩu heo thịt từ Thái Lan với số lượng 150.000 con và dự kiến lô hàng nhập khẩu chính ngạch đầu tiên có số lượng 2.000 con về Việt Nam vào đầu tuần tới.

Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp (DN) lo lắng là trong thời điểm hiện tại, việc nhập heo về Việt Nam không còn thuận lợi như tính toán ban đầu. Ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, thông tin thêm nếu giá heo hơi trong nước về dưới 80.000 đồng/kg thì DN sẽ không còn lãi.

Do đó, sắp tới đây, sau khi nhập heo thịt về để bình ổn giá, tùy tình hình giá cả trong nước, DN tính toán lại có nên tiếp tục nhập heo về nữa hay không.

Chưa thấy dấu hiệu gian lận vụ nhập heo giống

Liên quan đến 183 con heo thịt trong lô hàng 500 con heo giống nhập từ Thái Lan của Công ty Thùy Dương Phát bị buộc "quay đầu" khi nhập về cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) vào ngày 10-6, đại diện Công ty Thùy Dương Phát khẳng định do lần đầu nhập khẩu nên có sự sai sót về chủng loại trong đơn hàng.

"Các cơ quan chức năng đã không cho thông quan mà buộc tái xuất 183 con heo không đúng chủng loại. Còn công ty nếu có vi phạm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật" - đại diện DN này khẳng định.

Các chuyên gia về chăn nuôi cũng cho rằng DN này không có động cơ gian lận để trục lợi khi để lẫn heo thịt vào lô heo giống.

Bởi lẽ, cả heo thịt và heo giống đều được miễn thuế nhập khẩu và không hạn chế số lượng nhập. Trong khi đó, quy trình nhập khẩu heo giống thì phải cách ly kiểm dịch từ 30-45 ngày, còn heo thịt chỉ phải cách tối đa 5 ngày.

Do đó, nếu DN nhập khẩu heo thịt dưới danh nghĩa heo giống, heo sẽ phải chịu cách ly 30-45 ngày, tốn nhiều chi phí. Sau đó, phải làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng để bán thịt sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với việc nhập heo thịt, chỉ sau 5 ngày có thể xuất bán để thu tiền.

Trong khi đó, trả lời về việc Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có làm khó DN hay không khi buộc "quay đầu" số heo này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định cơ quan hải quan đã làm đúng chức trách và nhiệm vụ.

Vì số lượng heo thịt không đúng chủng loại trên hồ sơ nhập khẩu là heo giống nên theo quy định phải bị ngăn chặn ngay tại cửa khẩu.

Doanh nghiệp chủ động khai báo

Trả lời câu hỏi về việc ngăn chặn nhập khẩu 183 con heo thịt từ Thái Lan của Công ty Thùy Dương Phát, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết ngày 10-6, số heo trên thuộc tờ khai hải quan nhập 500 con heo giống từ Thái Lan về Việt Nam.

Trước khi thông quan, Công ty Thùy Dương Phát phát hiện phía đối tác giao lô hàng là heo giống trên không đúng theo yêu cầu. Cụ thể, công ty chỉ ghi nhận có 317 con là heo giống, số còn lại không đúng nên đã trả lại cho đối tác.

Lúc phát hiện sự việc trên, công ty này đã làm lại thủ tục, tờ khai. Sau khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận vận chuyển động vật nhập khẩu về nơi cách ly, vào 15 giờ 17 phút ngày 11-6, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã phê duyệt, cho phép Công ty Thùy Dương Phát đưa lô hàng là 317 con heo giống về khu cách ly nuôi, bảo quản và chờ kết quả kiểm dịch.

Khi nào cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu thì cơ quan hải quan mới thông quan lô hàng.

Đ.Nghĩa

Theo NLD

----

Xem thêm:

+Thịt lợn tăng phi mã, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT "hiến kế" người dân nên ăn thịt gà

+Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích': Ai đứng sau 'team khởi nghiệp 360'?

+Điều hòa bán đổ đống trên vỉa hè, giá chỉ bằng chiếc quạt máy

-----