Lãng phí sách giáo khoa: Đừng bắt giáo viên "gánh" thêm việc

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, để xảy ra tình trạng sử dụng lãng phí sách giáo khoa (SGK) thời gian qua một phần do học sinh viết, vẽ vào sách. Đồng thời, sẽ xử lý các trường hợp cán bộ, giáo viên vi phạm quy định xuất bản, phát hành sách tham khảo gây ra lãng phí.

Lãng phí sách giáo khoa: Đừng bắt giáo viên

Sách giáo khoa tiểu học hiện nay tích hợp cả nội dung học và bài tập. Ảnh: Q.Anh

Chỉ 35% sách cũ được sử dụng lại

Đầu năm học 2018 - 2019, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng khan hiếm SGK, phụ huynh vất vả tìm mua trong khi hàng triệu cuốn SGK của năm học trước đã không thể sử dụng được vì học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách.

Không ít ý kiến cho rằng, việc tích hợp bài tập vào trong SGK là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí này, nhưng nhiều người cũng đã chỉ ra thực tế SGK trong những năm qua liên tục được sửa đổi, bổ sung khiến năm sau không dùng được của năm trước. Chất lượng SGK cũng ngày càng xuống cấp, dùng thời gian ngắn là bong bìa, nhàu rách…

Bộ GD&ĐT cho biết, đã yêu cầu các cơ sở giáo dục và giáo viên hướng dẫn sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh giữ gìn, không viết, vẽ vào SGK để sử dụng lâu bền, nhưng việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết:

“Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã ban hành chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền. Hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả vào vở; không viết, vẽ vào SGK.

Yêu cầu các Phòng GD&ĐT, cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, quản lý, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Các Sở GD&ĐT phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Cần xóa bỏ độc quyền in ấn, phát hành

Như vậy, ngoài yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh hạn chế viết vào sách, Bộ GD&ĐT còn yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, theo thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên dạy THPT tại Hà Nội), SGK hiện nay là khá thuận tiện vì học sinh được quan sát, thao tác ngay trên hình vẽ, số liệu được cung cấp. Điền kết quả tương ứng với mỗi hình vẽ, mỗi yêu cầu. Được học Toán, làm Toán cùng trong một quyển sách. Nhiều loại câu hỏi phong phú: Tô màu, nối hình, viết số, điền số, khoanh hình, đếm hình,… ở các nước tiến bộ SGK người ta cũng làm thế.

“Tại sao chỉ nghĩ đến việc SGK chỉ dùng một lần mà sao không quan tâm đến tính thuận tiện, hiệu quả của việc này?. Ở những nơi khó khăn thì nhà nước có cơ chế hỗ trợ để mua SGK mới. Bắt các cháu học mà không viết vào sách thì còn tai hại hơn nhiều.

Từ ngày quy định thi THPT Quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm, tiền phô tô bài tập của các học sinh THPT còn gấp hàng chục lần tiền mua SGK. Do đó, yêu cầu của Bộ cho rằng giáo viên không để cho học sinh viết, vẽ vào SGK là bất khả thi, không một giáo viên nào có thể làm mà vẫn đảm bảo các mục tiêu của việc dạy học”, thầy Tùng chia sẻ.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên tiểu học, việc hướng dẫn, thậm chí cấm học sinh viết vẽ vào SGK có tích hợp câu hỏi, bài tập là rất khó vì lớp học đông, phụ huynh có quyền cho con em mình viết vào sách hay không. Chỉ vì không viết, vẽ vào sách để tiết kiệm sách, vậy có những bài tập nội dung bài dài, nhiều câu từ cần viết lại trong câu trả lời thì học sinh nhìn từ SGK rồi viết ra nháp đến lúc nào mới xong để làm bài tập?

Nếu phô tô phiếu bài tập học sinh điền vào còn tốn kém hơn mua SGK. Do đó, thay vì việc xây dựng các bộ sách phù hợp, không nên đẩy phần trách nhiệm sử dụng SGK cho giáo viên.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, báo cáo tóm tắt kết quả khảo sát về xuất bản, in, phát hành SGK giai đoạn 2012-2017 cho thấy, việc in ấn SGK phổ thông có khoảng trên 100 triệu bản/năm.

Việc in ấn chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXB Giáo dục Việt Nam và những tên sách có số lượng in thấp, dẫn đến tính cạnh tranh chưa cao, hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành. Nhiều năm qua, phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần gây lãng phí ngân sách Nhà nước, bức xúc dư luận xã hội. Việc biên soạn SGK, Bộ TT&TT đã bổ sung chức năng xuất bản SGK cho 5 NXB khác, nhưng bản quyền vẫn của NXB Giáo dục Việt Nam, do đó vẫn chưa hiệu quả. Vì thế, rất cần đặt ra vấn đề về bản quyền sách.

Trong chỉ chị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập. Đồng thời, báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo SGK trước khi tái bản.

Theo GiaDinh