Làm một giáo viên trung thực cũng khó!

Trên thực tế, nhiều khi muốn làm một giáo viên trung thực cũng khó. Từ đó, giáo viên dễ trở nên thiếu trung thực với công việc giảng dạy và với cả chính mình.

Trung thực là một đức tính cần có của con người. Với giáo viên, trung thực là một đức tính quý giá vì nó rất quan trọng trong việc dạy chữ, dạy người.

Trên thực tế, nhiều khi muốn làm một giáo viên trung thực cũng khó. Từ đó, giáo viên dễ trở thành con người thiếu sự trung thực với công việc giảng dạy và với luôn cả chính mình.

Những sự việc xảy ra trong trường của tôi (một trường chuyên, xin được giấu tên) một trường đạt chuẩn, học sinh phải thi tuyển đầu vào hàng năm. Có nghĩa là học sinh có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt mới bước chân vào ngôi trường này được…

Mỗi kỳ thi học kỳ, thi cuối năm, chúng tôi đều được phân công làm giám thị. Giám thị 1, 2 hướng dẫn học sinh ở trong phòng thi; giám thị 3 ở ngoài, có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh đi vệ sinh đúng nơi quy định; đi lấy giấy làm bài khi giám thị các phòng có yêu cầu…

Lần ấy tôi làm giám thị 1 và khi quan sát, tôi ngạc nhiên vô cùng có hai học sinh trao đổi giấy nháp, chuyển bài cho nhau.

Không thể chấp nhận học sinh trường chuyên làm chuyện sai trái, vi phạm nội quy; sau ba lần nhắc mà không chuyển biến, tôi bắt buộc lập biên bản, có tài liệu kèm và các em phải ký tên.

Tưởng việc làm của mình sẽ được hiệu trưởng “tuyên dương” là trung thực; là coi thi nghiêm túc, đảm bảo tính khách quan… nhưng vị hiệu trưởng mời tôi về phòng riêng để “trao đổi”.

Thì ra vì thành tích chung, vì “tiếng” của trường nên thầy khuyên tôi đừng lập biên bản, chỉ nhắc nhở các em thôi.

Không riêng gì tôi mà các thầy cô khác, với bản tính trung thực, đã bắt tài liệu, thu lại và nộp về hội đồng thi vì thi cử là phải nghiêm túc, khách quan.

Nhưng cũng có giáo viên luôn tỏ ra dễ dãi, để mặc các em trao đổi, quay bài gây ra sự mất công bằng giữa học sinh với nhau.

lam-mot-giao-vien-trung-thuc-cung-kho

Căn bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục (Ảnh minh họa: LEO).

Còn những giáo viên như chúng tôi, khi bước vào phòng thi thì các em hầu như… thất vọng vì không thể trao đổi bài, không thể tự do vi phạm nội quy.Hèn gì mỗi khi bước vào phòng thi, có phòng lại vỗ tay rôm rả vì gặp được giáo viên “dễ tính”. Các em cho đó là những giáo viên “thương học sinh” không như những giáo viên “khó đăm đăm” khác.

Vì vậy, ban giám hiệu “rút kinh nghiệm” nên ngay sau hôm ấy, đã “kịp thời” phân công những giáo viên trung thực ra ngoài làm… giám thị 3.

Thật buồn cho một nền giáo dục, giáo viên muốn sống trung thực, muốn làm việc hết chức trách mình cũng khó!

Mà nếu làm đúng chức năng thì bị hiệu trưởng nhìn với “con mắt mang hình viên đạn” vì nếu cứ “trung thực” hoài thì tỷ lệ học sinh giỏi sẽ giảm xuống so với năm trước và tất nhiên hiệu trưởng sẽ “mất điểm” với cấp trên.

Từ đó, học sinh gian dối thầy cô, cấp dưới gian dối cấp trên và bản thân người thầy tự gian dối mình không phải là điều hiếm có.

Chính căn bệnh “thành tích” trầm kha đã dẫn tới những hệ quả này.

Chừng nào còn căn bệnh này thì ngành giáo dục còn thiếu vắng những con người trung thực; thiếu vắng những tấm lòng đối với nền giáo dục chân chính, đúng ý nghĩa của nó…

Theo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam/GiaDinh