Làm gì khi chủ đầu tư "ỉm" quỹ bảo trì chung cư?

Mặc dù ban quản lý (BQL) nhà chung cư đã thành lập hơn 3 tháng, nhưng chủ đầu tư (CĐT) không bàn giao quỹ bảo trì, hồ sơ kỹ thuật...khiến các hoạt động vận hành, duy tu lâm vào thế khó.

16

Chung cư CT1, khu nhà ở Trung Văn

Thực trạng này đang diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội và câu chuyện xảy ra tại chung cư CT1, khu nhà ở Trung Văn (Nam Từ Liêm) là ví dụ điển hình.

Cư dân tố chủ đầu tư “ỉm” quỹ bảo trì

Theo phản ánh của cư dân sống tại chung cư CT1, khu nhà ở Trung Văn, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) liên tiếp phớt lờ các chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với yêu cầu bàn giao khoản kinh phí bảo trì 2% (khoảng 12 tỷ đồng).

Được biết, chung cư CT1 chính thức được bàn giao cho người mua căn hộ vào sinh sống từ tháng 5/2016. Tới ngày 15/1, Ban quản trị nhà chung cư CT1 được thành lập theo quyết định của UBND quận Nam Từ Liêm. Mặc dù cư dân vào sinh sống và Ban quản trị đã được thành lập trong thời gian dài nhưng chủ đầu tư vẫn “chây ỳ” không bàn giao khoản kinh phí bảo trì nêu trên. Vì thế, cho đến thời điểm hiện tại Ban quản trị tòa nhà vẫn chưa thể phát huy quyền đại diện cho chủ sở hữu và thực hiện các công tác bảo trì, bảo dưỡng cũng như vận hành.

Điều đáng nói, theo nội dung mà Ban quản trị tòa CT1 cung cấp ngày 25/1, họ đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư tiến hành bàn giao kinh phí bảo trì nhưng không nhận được câu trả lời nào từ Vinaconex3. Tiếp đó, ngày 8/2, họ tiếp tục có công văn gửi Vinaconex3 để nhắc lại và yêu cầu xử lý việc bàn giao kinh phí bảo trì nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ chủ đầu tư.

Thậm chí, chủ đầu tư còn tỏ rõ sự thờ ơ, khi UBND quận Nam Từ Liêm và UBND phường Trung Văn triệu tập chủ đầu tư lên làm việc, họ lại cử đại diện không có đủ thẩm quyền tới dự.

Ông Lê Quyết Thắng, đại diện Ban quản trị tòa nhà còn cho biết thêm, hiện tại tất cả các hồ sơ kỹ thuật liên quan đến việc vận hành tòa nhà, Ban quản trị cũng chưa được chủ đầu tư bàn giao. Vấn đề PCCC tại đây cũng rất nan giải, một số hạng mục tầng 1 đã vỡ nát, nếu xảy ra hỏa hoạn hậu quả thật khó lường.

Cư dân có thể khởi kiện

Liên quan đến việc này, trao đổi với PV Báo Giao thông ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, ngày 27/3 vừa qua, UBND phường đã tổ chức buổi họp để giải quyết vấn đề về quỹ bảo trì nêu trên. Tuy nhiên, đại diện cho chủ đầu tư là ông Phạm Đình Quản lại không đủ thẩm quyền để xử lý vấn đề nên buổi họp đã không thành công.

Để tìm hiểu thông tin, PV đã liên hệ với đại diện chủ đầu tư Vinaconex 3 và được bà này đề nghị gửi nội dung phản ánh để xem xét trả lời.

Tuy nhiên sau nhiều ngày chờ đợi, PV vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi. Sáng 9/4, PV một lần nữa liên lạc với vị đại diện, bà này cho biết đã chuyển nội dung sang phòng truyền thông và sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất.

Ông Hùng khẳng định, hiện UBND phường Trung Văn, UBND quận Nam Từ Liêm với trách nhiệm đôn đốc, giám sát công tác xử lý bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà CT1 đang cố gắng để sự việc sớm được giải quyết.

“Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, chính quyền địa phương sẽ gửi hồ sơ về Sở Xây dựng để giải quyết theo Thông tư 02 và xử phạt theo Nghị định 139 với mức xử phạt từ 100 - 150 triệu đồng, trường hợp xấu hơn, có thể sẽ phải ra tòa”, ông Hùng nói thêm.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), những vụ việc như ở chung cư của Vinaconex 3 hiện đang rất phổ biến. Theo quy định Thông tư 02/ 2016 của Bộ Xây dựng, trong thời gian 7 ngày kể từ ngày thành lập Ban quản trị được công nhận hợp pháp của UBND cấp quận thì chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị.

Trường hợp hai bên không thống nhất được với nhau về mức kinh phí bảo trì thì có thể yêu cầu UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đứng ra làm “trọng tài” định lại số tiền của quỹ kinh phí bảo trì. Khi UBND công bố mức này thì phải thực hiện. Nếu hai bên vẫn không đồng ý với mức UBND đưa ra thì có thể khởi kiện trong một vụ án hành chính để xem xét mức quỹ cụ thể. Toà án sẽ xác định mức cụ thể và phán quyết của toà án là phán quyết cuối cùng buộc các bên phải thực hiện.

Cư dân ở chung cư trong những trường hợp này cũng có thể kiện chủ đầu tư về việc không ban giao kinh phí bảo trì. Đây là quan hệ dân sự, còn liệu chủ đầu tư có hành vi gian dối hay trốn tránh trách nhiệm hay không thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ và có kết luận, bởi để kết luận chủ đầu tư có chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép số tiền quỹ bảo trì thì phải điều tra.

“Nhưng thực tế chưa thấy vụ việc nào giải quyết bằng con đường hình sự trong những trường hợp này, chủ yếu là xử lý hành chính. Còn UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cưỡng chế chủ đầu tư, buộc phải bàn giao kinh phí bảo trì toà nhà chung cư cho ban quản trị được công nhận hợp pháp”, luật sư Toại nói.

Theo Baogiaothong