Kinh hãi với cách làm đẹp giảm cân bằng 'hỏa liệu pháp'

Những ngày qua, cư dân mạng đồng loạt chia sẻ đoạn clip về một phương pháp làm đẹp khá “độc”. Đó là hỏa liệu pháp.

Hoảng hồn phương pháp làm đẹp nguy hiểm

Cư dân mạng Facebook vừa một phen tá hỏa với trường hợp một nạn nhân bỏng nặng vùng mặt, với nguyên do được cho là “tai nạn” trong quá trình làm đẹp. Dòng trạng thái được chia sẻ như sau: "Ca này là tác phẩm của một spa tại Phan Rang. Cô khách này sau khi được chính chủ spa tư vấn làm phương pháp Cồn Nhân Sâm cho nở lỗ chân lông đẹp da, liệu trình này bản thân mình chưa từng được nghe, nhưng sau khi nghe người nhà cô khách kể đại loại như rưới cồn lên mặt rồi bật lửa xông hơ. Cô khách cháy phỏng và lột da hết cả khuôn mặt, tóc cháy xém, lông mi lông mày cũng bay luôn, cháy lan ra cả vai, theo gia đình cô kể lại chụp hình nhìn vậy thôi chứ bên ngoài cháy đỏ".

kinh-hai-voi-cach-lam-dep-giam-can-bang-hoa-lieu-phap

Dùng cồn tưới lên tấm khăn phủ trên người và châm lửa đốt - phương pháp đốt mỡ làm đẹp có tên là hỏa liệu pháp đang nhận được sự phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip) 

Bên cạnh dòng status, tài khoản Facebook này còn đăng tải một bức ảnh cùng đoạn video về phương pháp làm đẹp gây sốc. Căn cứ vào hình ảnh của đoạn video, thì đây là phương pháp thẩm mỹ được gọi là “hỏa liệu pháp”, còn có tên khác là “hỏa long cứu”. Trong Đông y, các bác sĩ gọi hỏa liệu pháp là hỏa long cứu (do khi đốt lửa chạy dài trên lưng, bụng trông như một con rồng lửa). Còn các spa gọi là hỏa liệu pháp - thường nằm trong gói dịch vụ giảm béo.

Tiến sĩ, Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Tổ chức quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam cho rằng, “hỏa trị liệu” là phương pháp đã được áp dụng trên thế giới, nhiều nhất là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để áp dụng ở Việt Nam cần phải cân nhắc áp dụng với từng bệnh nhân cụ thể.

Thầy thuốc nhân dân. BS. Trần Văn Bản - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng cho rằng, đối với một số nước ở vùng hàn đới thì có thể áp dụng được, nhưng ở những nước nhiệt đới thì rất nguy hiểm. Đặc biệt, đối với những bệnh như tăng huyết áp, tim mạch… không thể lường trước được. Vì vậy, ông khuyến cáo đối với người có nhu cầu chữa bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, có giấy phép hoạt động được Nhà nước công nhận hợp pháp.
 
Dù chưa có cơ sở xác tín về bức ảnh nạn nhân bị bỏng nặng vùng mặt, nhưng tai nạn trong quá trình làm đẹp theo phương pháp “hỏa liệu pháp” đã từng được đề cập. Tháng 7/2017, chị Nguyễn Thị Minh P. (SN 1986) là nhân viên của một cơ sở thẩm mỹ trên đường Điện Biên Phủ, TP.Hải Phòng đã bị bỏng nặng khi thực hiện hỏa liệu pháp cho khách hàng.
 
Theo lời kể của chính nạn nhân, chị P. trong quá trình liệu trị cho khách hàng, làm theo quy trình là thoa tinh dầu, rồi trải 3 lớp khăn ẩm trên lưng khách sau đó đổ cồn dọc lưng lên trên lớp khăn đó và bật lửa đốt. Bình thường lửa cháy khoảng 17 giây thì dùng khăn ẩm dập lửa. Chị P. khi đó đang cầm lọ cồn trên tay thì lửa bén nhanh cháy bùng lên cổ, ngực, tay, bụng… Thời gian lửa cháy lâu, lại dập lửa sai cách nên khi vào viện cấp cứu, vết bỏng chiếm hơn 40% diện tích cơ thể.

Hiệu quả ít, độ rủi ro cao

Trong thời gian qua, phương pháp “hỏa liệu pháp” bắt đầu nở rộ tại các spa, trung tâm thẩm mỹ. Phương pháp này được giới thiệu có công dụng giảm mỡ bụng hoặc bất cứ phần nào trên cơ thể nếu khách hàng yêu cầu. Thêm nữa, nhân viên dùng tinh dầu giảm béo để tiến hành massage bấm huyệt - cộng hưởng thêm sức nóng của lửa làm hóa lỏng mỡ thừa và thải ra ngoài qua mồ hôi, nước bọt, nước tiểu.

kinh-hai-voi-cach-lam-dep-giam-can-bang-hoa-lieu-phap

Theo các chuyên gia, cần phải cân nhắc áp dụng phương pháp hỏa trị liệu để tránh nguy hiểm.

Tuy nhiên, liệu rằng phương pháp này có thực sự hiệu quả như lời quảng cáo? Theo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y), mỡ bụng, đùi là những tổ chức khó bị phá vỡ và phân hủy.

Trong khi đó, đốt lửa giảm mỡ chỉ có tác dụng làm mất nước tức thời tại vị trí thực hiện đốt. Khách hàng sẽ cảm nhận thấy rằng mình thực sự đã giảm được một phần mỡ. Tuy nhiên, sau khi cơ thể hồi phục và lượng nước được bổ sung thì vùng đốt sẽ trở lại như ban đầu. Về cơ bản, hiệu quả của liệu pháp đốt lửa giảm mỡ là không nhiều.

Hiệu quả thấp, thế nhưng những rủi ro mà khách hàng có thể phải đối diện lại quá lớn. Trong trường hợp bị bỏng nặng của chị Nguyễn Thị Minh P., cơ sở thẩm mỹ có tới 3 điểm sai: Một là, không có chứng chỉ kỹ thuật viên cho nhân viên hành nghề; hai là, không có tủ cứu thương; ba là, không có chuông báo cấp cứu.

Và thêm nữa, về góc độ chuyên môn thì cơ sở hoạt động spa trên chỉ cần giấy phép kinh doanh, không cần cấp phép của Sở Y tế. Trong khi đó, “hỏa liệu pháp” hay đốt lửa giảm mỡ lại là một phương pháp y học đòi hỏi kỹ thuật cao.

Do vậy, khách hàng khi quyết định thực hiện phương pháp làm đẹp “hỏa liệu pháp”, nên tìm đến cơ sở thẩm mỹ, spa uy tín - nơi đảm bảo tay nghề nhân viên cũng như các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt. Đặc biệt, không phải đối tượng nào cũng có thể thực hiện. Theo khuyến cáo, những người mắc bệnh suy thận, ung thư, bệnh tim mạch… không nên thực hiện hoặc nếu có thì cũng phải có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sỹ.

Theo VietQ