Kinh hãi sẹo lồi bé bằng hạt đỗ phình to bằng bàn tay sau điều trị tại spa

Từ sẹo lồi nhỏ bằng hạt đỗ trên đầu gối, cô gái trẻ đến spa tiêm và bôi thuốc điều trị sẹo lồi. Ai ngờ vùng tổn thương lớn bằng bàn tay.

Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị biến chứng nặng nề do chữa sẹo lồi tại spa.

Bệnh nhân này bị sẹo lồi nhỏ bằng hạt đỗ trên đầu gối sau vụ tai nạn giao thông năm ngoái. Một tháng sau tai nạn, chị đến một spa lớn ở TP.HCM điều trị sẹo lồi bằng phương pháp tiêm một loại thuốc tiêm da điều trị sẹo lồi với 3 mũi trong hơn 3 tháng liền. Chị này còn được cho thêm thuốc bôi ngoài da.

BS tại khoa nhận định, khi tiêm thuốc cho bệnh nhân, nhân viên spa đã tiêm sâu dưới da chứ không phải tiêm trong sẹo lồi. Vì thế thuốc len lỏi theo các gân máu và mô, lan toả ra xung quanh, gây teo mô da.

kinh-hai-seo-loi-be-bang-hat-do-phinh-to-bang-ban-tay-sau-dieu-tri-tai-spa

Từ sẹo lồi bé bằng hạt đỗ, vùng tổn thương của bệnh nhân ngày càng lan rộng sau khi điều trị sẹo lồi ở spa

Bệnh nhân được chỉ định điều trị như một ca tai biến da do corticoid, bôi thuốc và laser phục hồi da. Việc điều trị theo bác sĩ sẽ rất mất thời gian.

Theo TS.BS Đỗ Thiện Dân - Khu điều trị laser (Bệnh viện 108), sẹo lồi là bệnh lý của da, có ảnh hưởng nặng nề nhất đến thẩm mỹ, tâm lý và sức khỏe của người bệnh.

Sẹo lồi mặc dù là khối sẹo phát triển liên tục, gây ra các triệu chứng tại chỗ như: đau nhức, ngứa, co kéo, tuy nhiên đây là khối sẹo hoàn toàn lành tính. "Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có sự phát triển ung thư hóa từ khối sẹo lồi" - TS Dân khẳng định.

Việc kiểm soát, điều trị và dự phòng sẹo theo TS Dân cho đến nay còn khó khăn. Loại sẹo này có đặc tính phát triển liên tục, xâm lấn vào trung bì da lành xung quanh, vượt ra ngoài phạm vi của vết thương ban đầu.

"Từ một vết kim tiêm, một mụn trứng cá nhiễm trùng, thậm chí từ một vết côn trùng cắn cũng có thể hình thành và phát triển thành một khối sẹo lồi" - TS Đỗ Thiện Dân cho hay. Khối sẹo có thể có thời điểm tạm dừng phát triển nhưng không có biểu hiện tự "mất" đi.

TS Dân cho hay có một số vùng da đặc biệt trên cơ thể, có nguy cơ cao hình thành sẹo lồi sau khi bị tổn thương như: vùng dái tai, vành tai; vùng có râu trên mặt; vùng ngực trước xương ức; vùng da trên cơ delta của cánh tay; vùng lưng trên; vùng mu…. Ngược lại, vùng da gan tay, lòng bàn chân hầu như không thấy có sẹo lồi sau bất kỳ tổn thương nào.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức từng tiếp nhận không ít bệnh nhân có sẹo lồi to bằng hạt lạc ở tai do xỏ khuyên. Theo đó, các bệnh nhân này xỏ khuyên xuyên qua sụn vành tai. 

kinh-hai-seo-loi-be-bang-hat-do-phinh-to-bang-ban-tay-sau-dieu-tri-tai-spa

Sẹo lồi to bằng hạt lạc ở tai do xỏ khuyên. Ảnh: BSCC

Đây là một cấu trúc dễ viêm mãn tính và dần trở thành sẹo lồi. Hơn thế, tổn thương liên quan đến sụn vành tai và da bám dính sụn nên khi bị sẹo lồi phát triển, xâm lấn,... làm thành những khuyết da nơi cắt sẹo rất khó khâu đóng.

BS Dân cho hay, người ở tuổi từ 10-30 có tỷ lệ gặp sẹo lồi mới cao nhất, do đây là giai đoạn phát triển mạnh của cơ thể. Sự hình thành và phát triển sẹo lồi có sự ảnh hưởng từ yếu tố cơ địa và gia đình.

Một đặc điểm của sẹo lồi mà các chuyên gia lưu tâm là các phẫu thuật sửa sẹo đơn thuần (kể cả phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ) thường làm cho sẹo lồi trở nên tồi tệ hơn.

Theo TS Phạm Thị Việt Dung, giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, nếu bệnh nhân được cắt khâu bình thường nguy cơ sẹo tái phát rất cao. Nhiều bệnh nhân phải phẫu thuật đến chục lần vẫn không điều trị được dứt điểm tình trạng sẹo lồi. Bệnh nhân được cắt và khâu đóng bằng kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ, chăm sóc sau mổ tốt thì nguy cơ lồi lại ít hơn.

Theo GiaDinh