Kinh doanh ở Cuba: Hấp dẫn nhưng không dễ

Khi quan hệ giữa Mỹ và Cuba ấm dần lên, quốc gia vùng Caribbean trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy vậy, việc kinh doanh tại quốc gia này không phải là điều dễ dàng.

Đầu tiên vẫn là tiền đâu

Hiện phần lớn các mặt hàng tiêu dùng của Cuba đều phải nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất hàng vào thị trường này thông qua các doanh nghiệp quốc doanh Cuba và chấp nhận chính sách trả chậm trong thời gian 180-360 ngày tùy giá trị đơn hàng. Đơn hàng càng lớn, thời gian thanh toán càng lâu.

Có lẽ vì điều kiện như vậy nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam phân vân khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Cuba. Đã có những doanh nghiệp Việt Nam đến một lần rồi không quay trở lại.

Lý giải về việc chậm thanh toán nêu trên, ông Trần Thanh Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương Mại Thái Bình, một công ty có 17 năm kinh nghiệm kinh doanh với Cuba, phân tích: cho đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế Cuba vẫn mang tính chất của nền kinh tế bao cấp. Nhà nước vẫn lo gần như mọi thứ cho người dân. Do vậy họ cần thời gian để xoay trở. Ngoài ra, việc thanh toán chậm cũng là một cách quan trọng để Cuba kiểm tra chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp từ phía đối tác.

Ngoài ra, thời gian giao hàng và hàng rào thuế quan cũng là một bất lợi nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất hàng sang Cuba. Thông thường, một chuyến hàng vận chuyển đường biển từ Việt Nam đến Cuba kéo dài trung bình từ 45-60 ngày. 

Về thuế quan, theo ông Tú, so với Trung Quốc, hàng Việt Nam nhập vào Cuba chịu mức thuế cao hơn nên ít nhiều tính cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng. “Về vấn đề này, tôi có kiến nghị Chính phủ ký thỏa thuận thương mại với Cuba để điều chỉnh giảm thuế từ đầu năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả”, ông Tú nói.

Thủ tục phức tạp

Trao đổi với TBKTSG, ông Tú cho biết, do cơ cấu nhà nước đặc thù, việc xét duyệt hồ sơ đăng ký kinh doanh phải qua ban ngành nên sẽ mất rất nhiều thời gian làm việc. Từ kinh nghiệm của chính bản thân, ông Tú kể: “Chúng tôi lên kế hoạch liên doanh với đối tác Cuba để xây dựng nhà máy sản xuất bột giặt từ năm 2014 nhưng đến nay, gần hai năm trôi qua, hồ sơ xin cấp phép đầu tư vẫn chưa được xét duyệt xong và dự án có lẽ sẽ chỉ được khởi công nhanh nhất vào đầu năm sau”.

Khi liên doanh, thường thì các đối tác Cuba muốn đề nghị tỷ lệ góp vốn hợp tác là 50-50. Tuy nhiên chính ràng buộc này cũng là một phần lý do kéo dự án chậm lại bởi bản thân các công ty quốc doanh Cuba không phải lúc nào cũng có sẵn vốn để góp, ông Tú phân tích. 

Kinh doanh ở Cuba
Đối tác Cuba đi thăm nhà máy Bita's. Ảnh: Saigontimes.

Ông cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, việc chuyển vốn từ Việt Nam đến Cuba vẫn phải qua những ngân hàng trung gian ở châu Âu chứ chưa kết nối trực tiếp giữa hai quốc gia với nhau. Đến nay, trong các giao dịch bán hàng cho đối tác Cuba, các bên sẽ chốt giá bằng USD nhưng đến lúc thanh toán, sẽ đổi về giá trị của đồng euro để chi trả.

Qua trải nghiệm về liên doanh, ông Tú cho biết công ty của ông có sự thay đổi chiến lược khi xây dựng nhà máy sản xuất tã lót và băng vệ sinh, nhà máy thứ 2 tại Cuba. Với dự án này, Công ty cổ phần Đầu tư Thương Mại Thái Bình hợp tác cùng Công ty cổ phần KyVy, một công ty Việt Nam, để tiến hành, thay vì liên doanh với một đối tác Cuba. Dự án này dự kiến khởi công vào cuối năm 2015.

Chi phí cao

Việc thuê lao động tại Cuba cũng khá đặc biệt. Doanh nghiệp nước ngoài cần phải thông qua một công ty quốc doanh chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê lao động để thực hiện. Chi phí trả cho công ty này khoảng 500-600 USD/người/tháng, tuy nhiên, theo ông Tú, người lao động chỉ được nhận khoảng 30-40 USD.

“Cơ chế chi trả như vậy không tạo nhiều động lực cho người lao động làm việc và do đó cũng khó có thể đánh giá chất lượng lao động của Cuba như thế nào ở thời điểm hiện tại”, ông nói. Chia sẻ nhận định về người lao động Cuba, ông Tú cho biết đa phần họ không nói tiếng Anh, làm tốt về dịch vụ và những nghề cần di chuyển, nói chuyện nhiều; ngược lại, những ngành nghề sản xuất, phải làm việc tại chỗ, đòi hỏi tính cần cù, mang tính chất công nghiệp thì không phải là điểm mạnh của họ.

Về chi phí xây dựng, ông Tú làm một phép tính đơn giản: để xây một nhà máy 15.000 mét vuông tại Việt Nam, tổng chi phí là 5 triệu đô la Mỹ; trong khi công ty tại Cuba báo giá là 15 triệu đô la, cao gấp 3 lần. Từ so sánh này, ông Tú dự định sẽ nhập nguyên liệu và đưa nhà thầu từ Việt Nam sang thực hiện để tiết kiệm chi phí.

“May mắn là điều này được cho phép và miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu khi xây dựng nhà máy tại đặc khu kinh tế Mariel, nơi Thái Bình đang xúc tiến xây dựng hai nhà máy”, ông Tú nói.

Tuy khó, vẫn có nhiều cơ hội

Dù môi trường kinh doanh tại Cuba có những khó khăn như vậy nhưng vẫn còn nhiều cơ hội. Về phần Công ty Thái Bình, ông Tú cho biết doanh thu xuất khẩu vào thị trường Cuba trong năm 2014 đạt 1.200 tỷ đồng, dự kiến năm nay khoảng 1.600-1.700 tỷ đồng.

Việc quyết định mở thêm hai nhà máy cũng là câu trả lời gián tiếp cho thấy đánh giá của Thái Bình về tiềm năng của thị trường tại Cuba. Ngoài ra, Thái Bình còn dự định xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị nội thất để phục vụ thị trường bất động sản Cuba và xuất khẩu sang Mỹ.

Nói về những cơ hội sắp đến, ông Tú nhận xét ngành du lịch Cuba sẽ phát triển mạnh mẽ. Chứng minh cho nhận xét của mình, ông Tú dẫn chứng: “Cách đây vài năm, tôi sang Cuba công tác, chỉ cần đặt phòng trước vài ngày. Nay, việc đặt phòng cần thực hiện trước 10-15 ngày, thậm chí nhiều hơn bởi khách du lịch đến Cuba ngày càng nhiều, trong khi hệ thống khách sạn của họ không thể một sớm một chiều đáp ứng kịp”. 

Dĩ nhiên đi kèm với du lịch sẽ là dịch vụ cùng ngành, từ nhà hàng cho đến khách sạn và cả thị trường bất động sản. “Thị trường đã rất sáng và cơ hội chỉ dành cho những ai nhanh chân hơn”, ông Tú kết luận.

Theo Đức Tâm(Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn/Zing)