Khuyến cáo: Bệnh tay chân miệng đang 'tấn công' trẻ em không ngừng

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 65.000 người mắc dịch bệnh tay chân miệng, trong đó có gần 30.000 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Tại Hà Nội, ghi nhận các trường hợp mắc tay chân miệng gia tăng bắt đầu từ giữa tháng 9, mỗi tuần ghi nhận trên 80 trường hợp mắc bệnh. Tính từ đầu năm đến ngày 15/10, toàn thành phố có 601 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.  

Mặc dù số ca mắc tay chân miệng giảm 66,5% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng không chủ quan, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch tay chân miệng song song với phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.

Theo các chuyên gia dịch tễ, tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo.

Khuyến cáo: Bệnh tay chân miệng đang 'tấn công' trẻ em không ngừng

Tay chân miệng hiện chưa có vắc xin do vậy biện pháp quan trọng là vệ sinh phòng bệnh. Ảnh minh họa.

Dịch bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm ở nước ta, nhưng thường tăng mạnh số người mắc trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10.

Đáng chú ý, bệnh tay chân miệng thường có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Khuyến cáo: Bệnh tay chân miệng đang 'tấn công' trẻ em không ngừng
 

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Người dân thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Đặc biệt, các bậc phụ huynh không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ngọc Nga

Theo vietq