"Không chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó"

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine COVID-19, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phạm vi khoanh vùng phù hợp, không máy móc theo đơn vị hành chính

Nhấn mạnh về các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm "5K + vaccine" và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. 

Theo người đứng đầu Chính phủ, các đơn vị phải chủ động phòng ngừa, phát hiện phải sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, điều trị phải hiệu quả, xử lý dứt điểm tình hình dịch để ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống, sản xuất kinh doanh cho người dân. 

khong-cho-doi-lua-chon-vaccine-co-loai-nao-phai-dung-ngay-loai-do

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Trong áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội cần lưu ý xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở, căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính; kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo; phát huy vai trò, hiệu quả giám sát của Tổ COVID cộng đồng ở cấp cơ sở.

Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình, thực hiện việc cách ly y tế tại nhà.

Xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm, cách ly, phong tỏa kịp thời là chìa khóa dập dịch thành công. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế xã hội hóa xét nghiệm COVID-19, có thể thực hiện thí điểm ở một số nơi rồi rút kinh nghiệm, mở rộng dần. 

Không chờ đợi, lựa chọn vaccine

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. 

Bộ Y tế phải chủ động làm tốt vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vaccine, quản lý chất lượng vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vaccine; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vaccine.

Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong điều kiện khẩn cấp để thúc đẩy nhanh hơn, thần tốc hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước, sớm có sản phẩm phục vụ nhân dân. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai có hiệu quả.

Bộ Y tế ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vaccine để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quan tâm và làm tốt hơn công tác truyền thông để nhân dân an tâm, tin tưởng, ủng hộ và truyền cảm hứng để nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất kinh doanh. 

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch thông tin trung thực, khách quan về việc tiếp cận bình đẳng tiêm các loại vaccine khác nhau cho hợp lý, tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó, tinh thần là kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Theo GiaDinh

------

Xem thêm:

Các loại vaccine COVID-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp đều qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng

Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất.

Giai đoạn này được thực hiện trên quy mô lớn với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine. Kết quả của giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vaccine đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không.

Kể cả sau khi đã được phê duyệt, các loại vaccine đó đều phải liên tục bổ sung, cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vaccine trong quá trình sử dụng.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được tiến hành ở quy mô nhỏ trên một số nhóm quần thể để kiểm tra độ an toàn, tính sinh miễn dịch và xác định liều lượng tối ưu. Việc đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 và 2 này không phải là yếu tố quyết định cho việc phê duyệt khẩn cấp. 

"Chỉ có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới là yếu tố quyết định để đánh giá vaccine này có hiệu quả bảo vệ hay không, có làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay không hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không" - thông tin từ Bộ Y tế sáng 23/6 nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát rộng trên toàn thế giới, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng COVID-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc.

cac-loai-vaccine-covid-19-duoc-cap-phep-su-dung-khan-cap-deu-qua-3-giai-doan-thu-nghiem-lam-sang

Vaccine của AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 11 quốc gia với 49.626 người tham gia

Việc cấp phép khẩn cấp sử dụng vaccine COVID-19 hiện nay là do điều kiện dịch bệnh nên chưa đủ thời gian để theo dõi được vaccine trong thời gian dài như thông lệ. Mặc dù vậy, để đảm bảo tính an toàn của vaccine vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Cũng giống như thông lệ quốc tế, tất cả vaccine COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.

Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vaccine COVID-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamalaya, Vero-Cell của Sinopharm cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID. Ngoài ra, vaccine Moderna cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt.

Tất cả các vaccine nói trên đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có quy mô từ 20.000 đến 50.000 người tham gia. Cụ thể: Vaccine của AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 11 quốc gia với 49.626 người tham gia.

Vaccine Vero-Cell của Sinopharm thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với trên 45.000 người. Vaccine Sputnik-V thử nghiệm lâm sàng tại 5 quốc gia với 21.977 người; Vaccine của Pfizer thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với 43.418 người và Vaccine của Moderna thử nghiệm tại 4 quốc gia với 30.420 người.

Theo GiaDinh